Đừng trách hoa sữa quá 'nồng nàn'

04/12/2017 11:45 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Mấy ngày nay, khổ thân người dân Thủ đô, nhất là những hộ sống ở các phố nhiều hoa sữa. Dân Hà Nội vốn lắm thứ dễ bức xúc, giờ lại phải hít mùi “nồng nàn” quá cỡ của thứ hương hoa đặc trưng, nên quay sang trách móc cả… ông nhạc sĩ Hồng Đăng. Có mấy người hiểu cho vị nhạc sĩ này sáng tác Hoa sữa là do bị thúc ép thời gian đặt hàng bài hát bộ phim Hà Nội mùa chim làm tổ. Ông cũng chưa biết mùi hương hoa này ra sao, hình thù cái-cây-hoa-sữa như thế nào.

Nhưng, ca khúc Hoa sữa chẳng những ăn sâu vào tâm khảm của người bình dân, mà quan chức nhiều tỉnh thành, cũng bị tác động sâu sắc. Có thời, nhiều địa phương ồ ạt trồng hoa sữa.

Tôi còn nhớ, thời mới vào Đà Nẵng lập nghiệp năm 2000, thành phố này cũng học theo Hà Nội, trồng rất nhiều hoa sữa. Dày đặc nhất là tuyến đường Nguyễn Văn Linh, trục chính từ sân bay về các phố. Sau một thời gian, dân kêu quá trời, thành phố lại chỉ đạo đốn hạ hàng loạt.

Sau 17 năm quan sát, trong các điểm yếu của Đà Nẵng, phải nói thẳng đấy là mật độ cây xanh thấp, tốc độ thay thế cây xanh nhanh, thường đổ lỗi do bão, lũ. Kết quả, có những tuyến đường rất đẹp, là bộ mặt đô thị, nhưng cây cối thật là “dặt dẹo”.

Chú thích ảnh
Hoa sữa. Ảnh: Internet

Đấy không phải là câu chuyện riêng Đà Nẵng, mà tồn tại ở nhiều thành phố. Trong quy hoạch đô thị, việc chọn cây nào để trồng còn thiếu khoa học lẫn tầm nhìn, kiểu như thấy hoa sữa nên thơ, thì ồ ạt trồng vậy.

Đã thế, việc đốn cây lại thường được tiến hành rất vội vã. Bài học Thủ đô năm 2015, hàng loạt cán bộ bị kỷ luật vì vụ chặt cây xanh, vẫn còn mới mẻ.

Đọc hồi ký Lý Quang Diệu, tập 2, mục 12 (Singapore xanh), mới thấy quá trình biến đảo quốc sư tửthành một quốc gia “xanh” quá gian truân. Dân họ thời điểm mới lập quốc (1965) nền tảng rất thấp, nhất là khí hậu và chất đất xấu, rất khó tìm được các giống cây thích nghi.Ông Lý kể một chi tiết, các nhà thực vật học đã mang về 8.000 loại cây khác nhau nhưng chỉ có 2.000 loại sống được ở Singapore.

“Mỗi khi tôi trở về Singapore sau một vài tuần vắng mặt, và thấy các cây, cây cọ, những thảm cỏ xanh và những bụi hoa khi tôi đi dọc theo đại lộ Bờ Tây từ sân bay vào thành phố, tinh thần tôi phấn chấn hẳn lên. Phần thưởng lớn nhất của chúng tôi là khi các nhà lãnh đạo ASEAN thi đua trong việc làm xanh các thành phố của họ”, Lý Quang Diệu hồi tả bằng cảm giác hân hoan.

Quả thế, người dân đất nước nào cũng muốn sống trong một môi trường rợp bóng cây xanh, hoa trái. Nhà nào cũng muốn có khoảnh vườn để trồng rau, cây. Việt Nam là đất nước nhiệt đới, nên việc phủ xanh tất cả các thành phố không phải là sứ mệnh quá khó. Vậy mà, theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố trong tháng 7, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ diện tích cây xanh chỉ đạt khoảng 2 m²/người, bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới.

Mỗi lần có cơn giông không đến nỗi mạnh, tôi lại thấy nhiều cây bật gốc một cách quá dễ dàng. Công nhân lại đến dựng lên, hoặc thay thế, những cái cây đó thật lạ: mãi mà chẳng chịu lớn. Có nơi nào tựa như Đà Nẵng không?

***

… “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/ Có lẽ nào anh lại quên em…”. Vâng, hoa sữa và nhạc sĩ Hồng Đăng không có lỗi. Các đô thị vẫn cần nhiều cây xanh. Cuộc sống vẫn cần hương vị ngọt ngào của hoa sữa, ở khoảng cách hợp lý (đầu phố) như trong câu hát của nhạc sĩ Hồng Đăng để có một không gian lãng mạn "Thoáng mùi hoa êm đềm".

Vậy, lỗi do người trồng, nếu mật độ hợp lý, hương hoa được bão hòa, thì vẫn đẹp và nên thơ.

'Ức chế' vì hoa sữa, người Hà Nội trách móc cả... nhạc sĩ Hồng Đăng

'Ức chế' vì hoa sữa, người Hà Nội trách móc cả... nhạc sĩ Hồng Đăng

Cứ mỗi “mùa chim làm tổ”, trên khắp các con phố Hà Nội lại ngập tràn mùi hoa sữa. Tuy nhiên, hương thơm… quá đà từ loài hoa vốn gắn với hình ảnh lãng mạn, ngọt ngào trong ca khúc cùng tên – Hoa sữa – của nhạc sĩ Hồng Đăng lại đang khiến người dân thủ đô “sôi sục” và “ức chế”…

Hữu Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm