Di sản và căn bệnh vọng ngoại

25/11/2016 06:54 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Một sự kiện ít người chú ý đã diễn ra đúng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11: các tòa tháp đá đặt ở lan can và con giống trang trí tại công trình “Hương nghiêm pháp đường” ở chùa Hương bắt đầu được đập bỏ.

Hơn một năm trước, cũng vào tháng 11 này, thông tin về sự xuất hiện bất ngờ của một cụm công trình xây mới tại khu vực gần chùa Thiên Trù (thuộc quần thể chùa Hương, Hà Nội) đã khiến dư luận hết sức ngỡ ngàng.

Có tên “Hương nghiêm pháp đường”, cụm công trình này được xây trên diện tích 400m2, kèm theo nhiều kiến trúc phụ như tường bao, nhà tháp… có màu sắc, họa tiết kỳ quái và vô cùng lạc lõng với không gian cổ kính xung quanh.

Và đáng nói hơn nữa, khi các cấp kiểm tra làm việc, công trình “lạ” được phát hiện là đã hoàn thành từ 2 năm trước đó mà không hề báo cáo (và xin giấy phép theo Luật Di sản Văn hóa) tới các cơ quan quản lý có chức năng.


Một góc công trình vi phạm "Hương nghiêm Pháp đường" mới xây dựng

Những cuộc thảo luận về chuyên môn sau đó đã đi tới quyết định phá bỏ phần hệ thống tháp đá, con giống trang trí sặc sỡ, xa lạ và đầy tính… khoe của của công trình. Phần còn lại được phép sử dụng sau khi chỉnh sửa, bởi có vị trí nằm ngoài trục chính của chùa, cũng như công năng phù hợp với việc làm nơi sinh hoạt của du khách và tăng ni Phật tử…

***

Chậm trễ và kéo dài suốt 1 năm, cuối cùng thì những sai phạm ấy cũng tới lúc bị xử lý. Và, dù vô tình hay hữu ý, việc các kiến trúc kệch cỡm của “Hương nghiêm pháp đường” được bắt đầu gỡ bỏ vào đúng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ ít nhiều.

Bởi, từ nhiều năm nay, bên cạnh những lời than của giới nghiên cứu về việc giới trẻ có phần thờ ơ với văn hóa dân tộc, thì rất nhiều di sản của chúng ta còn đang đứng trước một thực trạng đáng buồn khác: sự xâm nhập của những yếu tố văn hóa kệch cỡm, thậm chí là có xuất xứ ngoại lai.

Đó là câu chuyện của chùa Trăm Gian, với những tranh tượng quý được sơn lại bằng sơn Nippon, với các hành lang được đánh bóng bằng véc ni và những bệ tượng, bàn thờ được ốp lại bằng gạch công nghiệp xanh đỏ. Là câu chuyện của đền Gióng Phù Đổng, với một bộ roi sắt, ngựa sắt có hình dáng rất “công nghiệp” được cung tiến và đặt ngay cạnh gian thờ.

Là sự tràn ngập tại hàng loạt đình, chùa, công sở… của những con sư tử đá Trung Quốc (mà giới chuyên môn cho rằng vốn dùng để… “canh” mộ) đến tận bây giờ - cho dù trong 3 năm qua, ngành quản lý văn hóa đã tốn rất nhiều công sức để “quét” bớt chúng khỏi các cơ sở thờ tự.

Đã có rất nhiều câu chuyện để nói về những yếu tố văn hóa kệch cỡm ấy. Và, xa hơn góc độ quản lý, cái gốc của vấn đề vẫn mãi nằm ở câu chuyện về tâm lý “vọng ngoại”, trong thị hiếu chung.

Bởi, khi mà một bộ phận rất lớn khách hành hương hay khách tham quan đặt chân tới các di sản văn hóa bởi tâm lý hiếu kỳ và cả chút mê tín - thay vì sự quan tâm muốn tìm hiểu thật sự về văn hóa dân tộc - chúng ta cũng khó lòng bắt họ xa rời tâm lý thích sự màu mè, hoành tráng, với những sư tử Tàu, đèn đá Nhật Bản hay các kiến trúc diêm dúa, xa lạ với truyền thống. Và mặc cho giới nghiên cứu “khản cổ” than phiền về sự xâm phạm tới những yếu tố văn hóa gốc, những người đầu tư cho di tích vẫn muốn tiếp tục phục vụ… thị hiếu chung này.

Nhìn lại câu chuyện gỡ bỏ phần kiến trúc sai phạm tại chùa Hương trong ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, ít nhất chúng ta hãy cùng tin với nhau rằng: di sản truyền thống không chỉ cần sự tôn vinh, mà cần cả sự bảo vệ từ những biện pháp thiết thực như thế.

Anh Bảo
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm