Để các trại viết văn thiết thực hơn

22/06/2018 07:20 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tại một trại sáng tác văn học về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng và bảo vệ Tổ quốc, một nhà văn tham gia cho biết, dù chủ đề là vậy, nhưng có thể viết rộng rãi, ngay cả các thể nghiệm, sáng tạo mới. Ý kiến này hé lộ cho thấy trại có điều thú vị là khá tự do, nhưng bù lại, không mấy tập trung, nên đôi khi cũng khó tạo ra thành tựu.

Trong một bài về trại sáng tác trên Tiền phong, nhà phê bình Ngô Thảo nhận định: “Trại sáng tác chỉ gây mất thì giờ, bù khú quanh năm, chẳng qua cứ tận dụng cho nó hết, các địa phương đua nhau đi bằng hình thức này hay hình thức khác. Thực tế, từ ở trại sáng tác chưa thấy tác phẩm nào ra hồn cả”.

Chiều 21/6/2018, Google cho khoảng 13 triệu kết quả với cụm từ “trại viết văn”, chứng tỏ điều này đang rất phổ biến tại Việt Nam. Hàng năm, Bộ VH,TT&DL giao Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức từ 60 đến 80 trại sáng tác, trong đó có văn học, nếu tính luôn các trại xã hội hóa, trại tư nhân khác thì hơn 100. Mục đích chính của trại viết là tạo ra các chuyến đi thực tế để tác giả thêm cảm hứng, cảm nhận và thời gian viết. Hơn nữa, trại cũng là dịp để một số tác giả gặp nhau, trò chuyện, trao đổi trực tiếp, cũng rất cần thiết. Nếu chỉ vài phần trăm trong số này có hiệu quả, nghĩa là tạo ra được các tác phẩm giá trị vượt thời gian, thì các đầu tư này là quá xứng đáng.

Chú thích ảnh
Các văn nghệ sĩ tham dự Trại sáng tác tại Nha Trang trong một chuyến đi thực tế. Ảnh: Báo điện tử Quân đội nhân dân

Trên báo Nhân dân, nhà thơ Hữu Việt từng viết: “Nói cho cùng, tác phẩm không phải là sản phẩm tập thể, trại viết không phải là nơi sản xuất, bởi sáng tạo là hành trình riêng tư, độc lập của người viết. Nhìn vào thực trạng hiện nay, đổi mới khâu tổ chức chính là yếu tố quyết định sự thành bại của một trại sáng tác”.

Trên thế giới cũng vậy, có nhiều trại viết văn, nhưng số tác phẩm giá trị được tạo ra là rất ít. Nên mấy chục năm gần đây, họ liên tục thay đổi mô hình để tăng hiệu quả. Ngoài những trại dành cho người mới bắt đầu, họ làm những trại riêng cho các tác giả đã thành danh, hoặc mới đoạt giải thưởng, đặc biệt ở khía cạnh nghiên cứu, dịch thuật, phi hư cấu. Một tác giả uy tín nào đó muốn có đủ thời gian và tiền để làm tác phẩm, trại viết sẽ tạo điều kiện cho họ.

Nhìn lại nửa sau thế kỷ 20, nơi các trại viết văn rất phổ biến tại Việt Nam, thì số tác phẩm thật sự đứng được với thời gian là quá ít.

Chú thích ảnh
Một số tác phẩm văn học tiêu biểu ra đời tại các trại sáng tác năm 2015-2016. Ảnh: Báo điện tử Quân đội nhân dân

Để các trại viết văn thiết thực hơn, đầu tiên phải tuyển chọn được tác giả có tài năng nổi trội và đang muốn viết thực sự. Nhà thơ Inrasara cho biết nhiều tác giả đi trại là để ăn nhậu cho vui, chứ nộp tác phẩm cũ, vậy khác gì ở nhà.

Thứ hai, nên tổ chức thêm các trại phi hư cấu như dịch thuật, chú giải văn bản, làm từ điển, sách tra cứu… để người chủ biên có thêm điều kiện làm việc với các tác giả cộng sự. Ví dụ tổ chức dịch và chú giải thơ chữ Nôm của một tác giả quan trọng nào đó, việc làm một trại viết riêng sẽ dễ hiệu quả.

Thứ ba, các trại viết cần “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, không cần đông đảo thành phần tác giả, mà nên tập trung thành phần tinh hoa. Hãy xem trại viết như là nơi “ký hợp đồng” dài hạn, còn tác phẩm thì khi nào tác giả thật hài lòng hãy nộp.

Khai mạc trại viết văn về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang

Khai mạc trại viết văn về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang

Chiều 25/3 tại TP Đà Nẵng, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã cùng với Quân khu 5 tổ chức Lễ khai mạc Trại viết văn về đề tài “Chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang” năm 2016.

Vô Ưu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm