Dẫn dắt niềm tin bạn đọc bằng những thông tin nhân văn

21/06/2019 11:30 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi thấy rằng trong xã hội chúng ta có vô vàn những chuyện tử tế, nhân văn. Nếu cơ quan truyền thông báo chí chính thống mà dẫn dắt được niềm tin của bạn đọc bằng những thông tin hướng thiện, nhân văn nhiều hơn thì tôi tin nó sẽ có tác động ngược lại với mạng xã hội” - thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, TBT Tạp chí Công an Nhân dân, nhận định.

Truyền thông với 'thiện, ác và smartphone': Đi tìm chuyện tử tế

Truyền thông với 'thiện, ác và smartphone': Đi tìm chuyện tử tế

So với những chuyện thời sự- với hàng loạt diễn biến đầy bất ngờ và giật gân về các mảng tối trong xã hội - những vụ việc theo kiểu “người tốt việc tốt” liệu có được bao nhiêu phần trăm sức hút với cộng đồng?

Báo chí truyền thông đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh xã hội thông tin hiện nay.

Muốn vậy, báo chí phải luôn thực hiện tốt các chức năng quan trọng: Giáo dục tư tưởng, hướng dẫn và định hướng dư luận, hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử, ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức trong gia đình và xã hội.

Trang bị kiến thức chống "tin giả"

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, vấn nạn tin giả trên mạng xã hội hiện nay đang hoành hành khắp nơi, tác động rất lớn đến tâm lý chung của công chúng khiến các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan báo chí lúng túng trong xử lý thông tin.

Chú thích ảnh
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

“Tin giả đang được ví như một dịch bệnh và là môi trường thuận lợi để chúng lan truyền nhanh hơn nhiều lần chính là mạng xã hội” - ông Lợi nói - “Vì vậy, đòi hỏi các nhà báo vừa vững vàng về bản lĩnh chính trị, vừa tinh thông về nghề nghiệp trong thời đại công nghệ số. Nghĩa là anh phải sử dụng thành thạo những thành tựu công nghệ mới, kết hợp với những phẩm giá cao đẹp của nền báo chí cách mạng và cái đó đương nhiên phải gắn liền với đạo đức nghề nghiệp.Nếu hội đủ những yếu tố đó thì đội ngũ những người làm báo của chúng ta sẽ góp phần làm giàu nền báo chí vừa có tính chiến đấu vừa giàu tính nhân văn, vì lợi ích của đất nước, của nhân dân”.

Ông Hồ Quang Lợi cho rằng, bất kể ai phát ngôn điều gì cũng phải chịu trách nhiệm với phát ngôn đó của mình, dù là trên báo chí hay trên mạng xã hội. Với nhà báo - những người cung cấp thông tin cho xã hội - thì tính trách nhiệm lại càng phải cao. Vì vậy, khi đưa ra thông tin trước xã hội phải rõ nguồn gốc và phải có trách nhiệm với thông tin ấy, không thể đưa những thông tin vu vơ, không thể xác minh, không có ai chịu trách nhiệm. Thậm chí có người xác minh, có người chịu trách nhiệm rồi thì nhà báo vẫn phải xác minh thêm một lần nữa, thậm chí nhiều lần nữa để đảm bảo thông tin được chính xác.

“Làm báo là phải tuân thủ phương châm làm nghề: Khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ công bằng và lẽ phải. Chỉ những người làm báo chính trực mới có đủ sức để bảo vệ sự thật, công bằng và lẽ phải” - ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

Còn với bạn đọc, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, TBT tạp chí Công an Nhân dân cho rằng, cũng cần phải có thái độ sống đúng mực, ứng xử đúng mực với những thông tin trên các phương tiện truyền thông, trong đó có những thông tin trên các trang mạng xã hội.

“Lâu nay, người dân tin vào các cơ quan báo chí, nhưng lại chưa được hướng dẫn hoặc chưa được trang bị những ứng xử đối với những tin giả trên các trang mạng xã hội. Vì vậy, tôi nghĩ các cơ quan báo chí truyền thông cũng cần trang bị cho bạn đọc những kiến thức ấy, để tăng độ tin cậy cho bạn đọc đối với những thông tin mà mình đăng tải. Trong nhà trường cũng cần dạy cho các em về việc ứng xử với những thông tin trên báo chí chính thống và trên mạng xã hội.

Chú thích ảnh
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, TBT tạp chí"Công an Nhân dân"

Thông tin hướng thiện, nhân văn sẽ có tác động ngược lại với mạng xã hội

Để đẩy mạnh luồng thông tin hướng thiện, nhân văn đến với bạn đọc hiệu quả, theo ông Hồ Quang Lợi, trước hết các ban biên tập của các tờ báo, nhà báo phải nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm xã hội của mình. “Đó là chúng ta phải thông tin đẩy đủ, khách quan về xã hội. Trong đó những việc tốt, những việc thiện, những việc, những người truyền cảm hứng... thì báo chí phải quan tâm hơn nữa. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần phải xây dựng hướng phát triển của tờ báo là chú trọng hơn nữa đến việc thông tin tích cực đối với xã hội, để rồi từ niềm tin báo chí sẽ tạo được niềm tin xã hội”.

“Luồng thông tin hướng thiện, nhân văn trên các phương tiện truyền thông chính thống vẫn "chiếm nhiều đất" trên báo giấy, thời lượng không ít trên phát thanh và truyền hình” – Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, TBT tạp chí Công an Nhân dân nói -“Tuy nhiên, luồng thông tin hướng thiện, nhân văn ấy chưa thực sự hiệu quả, chưa cuốn hút được đông đảo bạn đọc có thể do nó chưa hay” - ông Thái nói. “Trên các trang mạng xã hội cũng thế, cũng có những thông tin tử tế, hướng thiện và nhân văn, nhưng không nhiều. Cá nhân tôi vẫn thường xuyên vào các trang mạng xã hội và đôi lúc thấy buồn, thấy hoang mang khi thấy thông tin giật gân, sến, sốc, sex thì nhiều, thông tin hướng thiện, nhân văn thì ít”.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, để nâng cao tính nhân văn trên báo chí và trên mạng xã hội, cần phải nâng cao trách nhiệm của người đưa thông tin. “Tôi thấy rằng trong xã hội chúng ta có vô vàn những chuyện tử tế, nhân văn mà đi bất cứ đâu chúng ta cũng có thể gặp, có thể ca ngợi họ trên mặt báo. Nếu cơ quan truyền thông báo chí chính thống mà dẫn dắt được niềm tin của bạn đọc bằng những thông tin hướng thiện, nhân văn nhiều hơn thì tôi tin nó sẽ có tác động ngược lại với mạng xã hội”.

Một khi cái tốt được lan tỏa, mạnh lên khiến bạn đọc hiểu ra thì tự họ sẽ đẩy lùi những thông xấu, thông tin không đáng tin cậy.

Làm nghề một cách tử tế

“Các nhà báo cần phải chú ý khi làm nghề, phải xem đạo đức báo chí là vấn đề cốt lõi. Các nhà báo chỉ có thể hoàn thành công việc của mình trước đất nước, trước nhân dân khi chúng ta làm nghề một cách tử tế, làm nghề một cách trong sáng, luôn luôn đặt lời ích của đất nước, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân của mình” – Phát biểu của ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịchthường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Liên kết chống tin giả

“Các cơ quan báo chí chính thống cần phải thay đổi chính mình để không chỉ thực hiện vai trò cung cấp thông tin mà còn kiểm chứng thông tin một cách chân thực, nhân văn và chuẩn xác.

Tôi cũng đồng tình với ý tưởng các cơ quan báo chí cần phải liên kết lại, thành lập một mạng lưới, một tổ chức phi lợi nhuận chống tin giả, tin sai lệch, thông tin bị bóp méo, từ đó củng cố niềm tin của công chúng đối với báo chí chính thống, giảm thiểu tin giả đang bào mòn niềm tin của công chúng” – Phát biểu của Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, TBT tạp chí Công an Nhân dân.

Phạm Huy (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm