Cuộc ghép tạng lịch sử: Chung một trái tim

21/05/2020 07:03 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tuần qua, chúng ta vừa chứng kiến một câu chuyện đặc biệt: Lần đầu tiên trong lịch sử y tế Việt Nam, một phụ nữ đã hiến tặng trái tim mình để mang lại sự sống cho người khác.

Gần 2 vạn người hiến tạng để cứu bệnh nhân hiểm nghèo

Gần 2 vạn người hiến tạng để cứu bệnh nhân hiểm nghèo

Cả nước đã có 19.300 người đăng ký hiến tạng sau khi chết não. Đến ngày 31/8/2018 đã có 3.378 ca ghép tạng được thực hiện, trong đó có 3.223 ca ghép thận, 125 ca ghép gan, 26 ca ghép tim…, mang lại sự sống cho nhiều người bệnh hiểm nghèo. Đây là thông tin được đưa ra tại lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia và chương trình “Cho đi là còn mãi” do Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 29/11, tại Hà Nội.

Trái tim ấy được mang từ bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) vào cuối ngày 13/5 trong một hành trình gấp rút,với sự hỗ trợ tối đa của các cơ quan chuyên môn. Bởi, thời gian bảo quản trái tim khi chuyển tiếp giữa cơ thể 2 người không được phép vượt quá 6 tiếng đồng hồ.

Để rồi, trong đêm 13/5, trái tim được hiến tặng ấy đã bắt đầu đập lại trong một lồng ngực mới.

Thực ra, ghép tạng không phải là sự kiện quá mới tại Việt Nam. Kể từ trường hợp đầu tiên vào năm 1992, chúng ta đã có gần 3 thập kỷ để quen với vấn đề này, cũng như để hình thành một đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm.

Thế nhưng, bản thân những câu chuyện về ghép tạng vẫn luôn được độc giả theo dõi và dành nhiều xúc cảm cho nó. Đơn cử, trước ca ghép tim “xuyên Việt” ngày 13/5 vừa qua, dư luận cũng từng rất quan tâm tới một trường hợp hệt như vậy vào tháng 8 năm ngoái - khi trái tim của một bệnh nhân chết não được hiến tặng và chuyển gấp từ Hà Nội vào TP.HCM để cứu sống một bệnh nhân khác.

Chú thích ảnh
Đoàn bác sĩ được bố trí rời máy bay và sân đỗ trong vòng 2 phút, mang theo trái tim được hiến tặng (đựng trong thùng chuyên dụng đựng tạng màu đỏ). Ảnh: TTĐPHGMTQG

Trước nữa, vào tháng 2/2018, quả tim "xuyên Việt" đầu tiên được ghi nhận, với trường hợp của một thiếu tá quân đội. Qua đời khi làm nhiệm vụ, gia đình đã quyết định hiến tặng vô điều kiện phần mô/tạng của anh để giúp đỡ những bệnh nhân cần thiết. Và, ngoài trái tim được chuyển vào TP.HCM để cứu sống một bệnh nhân nghèo, phần thận, phổi, giác mạc.. của anh còn được ghép để mang lại hạnh phúc cho 5 người bệnh khác, ở những vùng đất khác nhau.

***

Không cần nói, ai cũng biết: Rào cản lớn nhất trong câu chuyện hiến tạng nằm ở quan niệm, cảm xúc của thân nhân người cho/tặng. Nó gắn với những nếp nghĩ truyền thống đã tồn tại nhiều thế kỷ, về việc người đã mất cần được an táng với nguyên hình hài vốn có của mình.

Bởi thế, không có gì lạ khi trong những cuộc hội thảo về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho biết: Ngành ghép tạng Việt Nam cũng đang đứng trước thực trạng thiếu trầm trọng về nguồn mô tạng để cấy ghép, cho dù nhu cầu này rất lớn và đang gia tăng nhanh chóng theo thời gian. Và cũng không lạ, khi nhiều y bác sĩ từng chia sẻ những câu chuyện buồn về áp lực đang có của xã hội quanh vấn đề hiến tạng - mà dễ gặp nhất là những lời dị nghị, đồn đại ác ý, sai sự thật rằng đây là “bán tạng lấy tiền”, theo suy diễn của những người nhiều định kiến.

Càng hiểu những thực tế ấy, chúng ta sẽ càng trân trọng những con người biết vượt lên định kiến. Với họ, việc một phần cơ thể của người thân được tái sinh trong cuộc đời thật - thay vì trở về với cát bụi - chính là một cách để sự ra đi ấy không trở nên vô nghĩa, khi nó tiếp tục gieo thêm những hạt giống về tình thương yêu cho cộng đồng.

Giống như, trái tim trong những câu chuyện kể trên vẫn đang tiếp tục đập, để mang lại sự sống cho những con người cụ thể.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm