Cơ hội quảng bá nhìn từ 'Kong: Skull Island'

18/02/2016 07:08 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Liên tiếp hai năm, hai đoàn làm phim Hollywood đến Việt Nam tìm bối cảnh cho phim bom tấn. Khi họ đến và họ đi, một câu hỏi lớn đặt ra: Làm thế nào để nắm bắt cơ hội này nhằm quảng bá cho du lịch Việt Nam? Và cuối cùng, trách nhiệm này được dồn hết lên ngành điện ảnh.

Nhiều người trong ngành du lịch đã... chỉ trích ngành điện ảnh bỏ lỡ nhiều cơ hội quảng bá du lịch cho Việt Nam vì trong quá khứ đã từng “làm khó” các đoàn làm phim nước ngoài. Sự hăng hái tìm kiếm cơ hội quảng bá du lịch, kéo theo những nhầm lẫn khi cho rằng những phim như Chuyện của Pao, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một dạng phim thuộc “dòng phim quảng bá du lịch”.

Ngành điện ảnh có lẽ cũng vì “rát mặt” với dư luận, hoặc cũng vì được giao nhiệm vụ, nên đã tổ chức khá nhiều hội thảo về quảng bá du lịch qua điện ảnh năm qua. LHP Việt Nam lần thứ 18 tổ chức tại Quảng Ninh, trong số 3 hội thảo chuyên ngành được tổ chức có 1 hội thảo liên quan đến quảng bá du lịch qua điện ảnh.


Cảnh trong tập phim "King Kong" (2005)

Đa số ý kiến trong hội thảo này là góp ý cho có, bởi người làm điện ảnh tự hiểu điện ảnh còn quá nhiều vấn đề chưa giải quyết được, họ không mặn mà với nhiệm vụ quảng bá du lịch.

Trong khi đó, nhiệm vụ quảng bá du lịch trước hết phải thuộc về ngành du lịch. Một bộ phim như Chuyện của Pao, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh quay khung cảnh thiên nhiên Hà Giang, Phú Yên đẹp như mơ trước hết là để phục vụ cho chính bộ phim, chứ không phải chỉ để quảng bá du lịch cho hai vùng đất này. Bởi nếu chỉ muốn quảng bá du lịch, thì đã có phim quảng cáo.

Huống hồ, điện ảnh Việt Nam hiện nay đang còn phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn thách thức, từ chuyện cổ phần hóa các hãng phim nhà nước với hàng trăm nhân sự cho tới quy hoạch điện ảnh, rạp chiếu, hay lập quỹ điện ảnh... Và hơn hết, những bộ phim hay vẫn còn rất hiếm.

Vì thế, một bộ phim dù có bối cảnh đẹp như mơ, nhưng nội dung không hay, không tạo được cảm xúc cho khán giả thì khó thể khơi gợi ham muốn cho khán giả tìm đến bối cảnh phim. Trong tình cảnh điện ảnh còn thiếu chuyên nghiệp, giao thêm nhiệm vụ quảng bá du lịch là một thách thức!

Cơ hội quảng bá du lịch thông qua điện ảnh hiện nay chủ yếu trông chờ vào các đoàn làm phim nước ngoài vào Việt Nam tìm bối cảnh. Năm 2015, đoàn làm phim PAN đã ghi hình tại Sơn Đoòng, Vịnh Hạ Long. Hình ảnh hai danh thắng này chỉ xuất hiện vài giây trong phim, nên khó có thể hy vọng khán giả thế giới biết đây là Việt Nam. Nhưng có thể coi đây là một khởi đầu tốt đẹp, vì năm nay Việt Nam tiếp tục “hút” đoàn làm phim Kong: Skull Island tới.

'Kong: Skull Island' lấy bối cảnh 'thời Việt Nam' thập niên 70?

'Kong: Skull Island' lấy bối cảnh 'thời Việt Nam' thập niên 70?

“Kong: Skull Island”, bộ phim đang bị hiểu nhầm là “King Kong 2” ở Việt Nam, được dự báo là sẽ lấy bối cảnh thập niên 70 và có liên quan đến thời chiến tranh Việt Nam.


Có ý kiến cho rằng sao không “đặt” điều kiện với các đoàn làm phim này để tìm kiếm cơ hội quảng bá danh thắng Việt Nam. Đại diện (người Việt) của một hãng phim nước ngoài tại Việt Nam cho biết không dễ như vậy. Muốn được quảng bá trong một bộ phim “bom tấn” kinh phí hàng trăm triệu USD, điều kiện đâu dễ dàng. Về phía Việt Nam, nếu không tạo điều kiện, đoàn làm phim nước ngoài sẽ bỏ đi tìm bối cảnh ở nước khác.

Nên điều cần nhất vào thời điểm này, là tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ tích cực, nhằm tạo sự tin tưởng, lôi cuốn thêm nhiều đoàn làm phim khác đến. Thành công của bộ phim trên thế giới, sẽ kéo theo nhiều lợi ích cho du lịch Việt Nam. Đơn cử như thành công của Tomb Raider, lấy bối cảnh chính ở Angkor Wat (Campuchia) đã khiến khách du lịch thế giới ùn ùn kéo về đây.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm