Chuyện ngoại tình: Sống như ta, nghĩ như Tây

26/06/2015 05:47 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Con số 16% gia đình Việt xung đột, bất hòa liên quan tới vấn đề ngoại tình được Viện Nghiên cứu, Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) công bố hôm qua trong buổi tọa đàm “Các giá trị cốt lõi và thách chức của các gia đình đương đại Việt Nam” khiến nhiều người bất giác giật mình. Giật mình nhưng không sốc. Bởi cuộc khảo sát trên 1.500 người trên toàn quốc của iSEE có lẽ cũng chỉ là bước đi đầu tiên để cụ thể hóa một vấn đề thường trực nhưng vẫn bị coi là “nhạy cảm”, “trừu tượng”.

Ngoài hành lang phòng tọa đàm nhân ngày gia đình Việt Nam, ngoại tình cũng trở thành đề tài nóng. Theo nhận định của các chuyên gia tâm lý xã hội, sở dĩ ngoại tình khiến mọi người quan tâm đặc biệt bởi ai cũng hiểu ngoại tình đang tồn tại khắp nơi, vào bất cứ thời điểm nào. Nhưng, chưa có nghiên cứu nghiêm túc, đầy đủ nào về thách thức lớn nhất với gia đình hiện đại này ngoài những câu chuyện vỉa hè hay những mục “Tâm sự” nhan nhản các báo.

Về con số 16%, cũng khó để nhận định tính nghiêm trọng của vấn đề khi trước 2015, chưa có số liệu thống kê xã hội học nào tương tự để so sánh. Và cuộc khảo sát của iSEE cũng được thực hiện trong quy mô hẹp (số lượng người tham gia chỉ là hơn 1.500 người), thực hiện trong khoảng thời gian ngắn (tháng 5-6/2015). Nên con số 16% mang nhiều tính biểu tượng đánh động truyền thông, dư luận và các nhà nghiên cứu xã hội học.


2. Lý giải về hiện tượng này, TS. Phạm Quỳnh Phương (Viện Nghiên cứu Văn hóa) cho hay: Gia đình có thể chia thành phần vỏ và phần lõi. Phần vỏ của gia đình là khuôn mẫu gia đình, định kiến xã hội; còn phần lõi là những giá trị đích thực của gia đình hiện đại: tình yêu, hạnh phúc, sự bình yên... Căn cơ của thực trạng ngoại tình trong các gia đình Việt hiện nay là khi phần lõi đã mục ruỗng song các cá thể vẫn sợ hãi định kiến mà cố giữ phần vỏ khuôn mẫu gia đình chính thống.

Nói khác đi, gia đình Việt đang hướng dần tới giá trị phổ quát của nhân loại là tình yêu, hạnh phúc chứ không lập gia đình để duy trì nòi giống như trước, không còn quan niệm cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy như trước.

Song, xã hội vẫn chưa thoát hẳn những định kiến xưa cũ. Các cặp vợ chồng vẫn cố ở bên nhau dù không còn tình yêu để mình có gia đình giống mọi người, mình trong vòng an toàn của đám đông. Và sự giai đoạn “chuyển mình” này của văn hóa gia đình là nguồn cơn của chuyện xã hội âm thầm chấp nhận ngoại tình. Thậm chí, nhiều người còn coi nó là một phần của cuộc sống hôn nhân. Nói như nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh, “Sống như ta, nghĩ như Tây/ Cội nguồn đau khổ chính là ở đây”.

Hi vọng, ngày Gia đình Việt Nam năm nay (28/6), các khách sạn, nhà nghỉ không “cháy phòng” như báo chí đưa tin trong các ngày Valentine, Quốc tế Thiếu nhi, Giáng sinh... các năm trước.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm