Chuyện Hà Nội: Một góc nhìn về tượng đài ở Hà Nội

19/01/2015 07:53 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Ở Hà Nội có một tượng đài về vị vua anh hùng dân tộc, khai sáng triều Lê. Tôi chỉ biết tượng đài này qua sách vở. Nhưng gần đây, khi người ta trùng tu, mở mang khu đặt tượng, tôi mới có dịp chiêm ngưỡng tác phẩm này.

Đó là tượng vua Lê Thái Tổ, nó quá bé nhỏ và đặt trên đỉnh một cái cột bê tông cao vút. Thời trước, tượng nằm trong khuôn viên một cơ quan, nên không mấy người biết.

Trước đây Hà Nội có nhiều tượng đài. Tượng hoành tráng, toàn thân có hàng chục pho, còn tượng bán thân thì rất nhiều, thường là tượng Tây hoặc người làm việc cho Tây như tượng Toàn quyền Paul Bert, tượng Bà Đầm Xòe (bản sao của bức tượng Nữ thần Tự do ở Paris và New York)… Tượng Bà Đầm Xòe từng được đặt ngay trên đỉnh tháp Rùa ở Hồ Hoàn Kiếm. Khi đó, nó bị báo chí quốc nội và bên Pháp chỉ trích kịch liệt bởi hình ảnh người đàn bà trùm váy lên tháp miếu, hơn nữa nó đứng trên bốn cái trụ sắt chênh vênh rất khó coi, khó vững nên sau nó được đem về đặt ở vườn hoa Canh Nông gần Cửa Nam.

Tượng đồ sộ nhất là bức Canh Nông đặt ở vườn hoa Canh Nông sau này là nơi đặt tượng đài Lênin (và đó cũng là lý do mà thành phố quyết định đổi tên thành Vườn hoa Lênin). Tượng Canh Nông tạc hình ảnh: sĩ, nông, công, thương, ở trên tạc một lính Pháp và một lính Ngụy chĩa súng nhắm cột cờ Hà Nội, còn bên dưới là bốn mặt sĩ - nông- công - thương, trong đó “sĩ” là thầy đồ cắp tráp, “công” là một anh kéo xe cút kít thô sơ, “nông” là một anh nông dân đi cày sau con trâu, còn “thương” là người đàn bà quảy gánh…

Chuyện cũ kể rằng, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông Trần Văn Lai, Thị trưởng Hà Nội đồng thời là một nhân sĩ yêu nước, dù ở chức vụ này rất ngắn ngủi đã kịp làm thay đổi hệ thống tượng đài và tên đường phố cho phù hợp với lịch sử và truyền thống Việt Nam.

Những pho tượng đồng không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, ông đã cho dỡ, đem về Ngũ Xã đúc lại bức tượng Phật nặng trên 14 tấn thờ ở chùa Ngũ Xã. Hầu hết tượng cũ thời Pháp không phù hợp đều bị ông thị trưởng này cho dỡ bỏ, chỉ để lại hai bức, đó là tượng Yersin và Pasteur…

***

Từ đó đến nay, tượng đài thành phố chưa kịp trình bày lại gương mặt của mình. Đó là một sự hụt hẫng, nhưng chúng ta có thể chia sẻ với Hà Nội, bởi đất nước quá nhiều năm tháng chiến tranh, người Hà Nội chưa kịp quy hoạch thành phố và quy hoạch xây dựng cho mình hệ thống tượng đài tương xứng với lịch sử dân tộc và với tầm vóc thành phố nghìn năm.

Hy vọng trong tương lai, người Hà Nội và du khách về Thủ đô sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm tượng đài đẹp, tô điểm cho cuộc sống và làm sinh động thêm không gian đô thị.

***

Nhưng mà tượng hoành tráng hình ngôi sao, dự định đặt tại quảng trường Cách mạng tháng Tám trước Nhà hát Lớn thì có lẽ nên tính lại. Nơi ấy là không gian lịch sử gắn với Cuộc khởi nghĩa tháng Tám 1945 và nhiều sự kiện trọng đại. Bởi thế, tượng đài ngôi sao ít ý nghĩa, lại khó đẹp và nhất là tại một nơi đắc địa như vậy, nên chăng có một tượng đài danh nhân gắn bó với Hà Nội…

Tại những không gian công cộng trong thành phố nên có những tượng đài quy mô vừa phải, phù hợp. Tại Ô Chợ Dừa, giữa nút giao thông mênh mông này nên chăng có thêm một tượng đài, như thế càng làm cho việc sử dụng không gian nơi này ý nghĩa hơn, văn hóa hơn… Cần tránh xây tượng đài hoành tráng, nhiều tiền nhưng ít tính thẩm mỹ, làm mất đi sự cân đối hài hòa của không gian thành phố…  

Tân Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm