Chụp ảnh thay vì cứu người - hay bộ mặt xấu của Facebook

10/11/2015 06:28 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Trong vụ tai nạn kinh hoàng trên cầu vượt Thái Hà (Hà Nội) khiến hàng chục người thương vong, lời kể của một người trong cuộc khiến cộng đồng phải sững sờ: “Trong tất cả quá trình đấy (khoảnh khắc sau khi xảy ra tai nạn - PV), người bu lại rất đông, nhưng mình để ý được duy nhất ngoài mình còn hai bạn gái, một anh đeo kính đi xe Ford, và một bạn sinh viên đeo cặp chéo là không hề cầm điện thoại trên tay để lao vào giúp đỡ. Còn lại thì bàn tán và chụp ảnh và lảng đi khi được nhờ...”.

Lời kể này cũng hoàn toàn phù hợp với việc những hình ảnh, clip xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội ngay sau khi vụ việc xảy ra. Đa số hình ảnh, clip đều được thực hiện bởi smartphone.

Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng. Ảnh: Internet

Đa số hình ảnh, clip được chủ nhân lao sát vào hiện trường thực hiện. Và đương nhiên, đa số hình ảnh, clip chỉ ghi lại cảnh xe nát, người nằm còn cảnh người cứu người là rất hiếm. Tức là, mô tả trên là có cơ sở.

Thật không sòng phẳng khi vội vàng quy chụp đổ lỗi hoàn toàn cho đám đông cầm smartphone lúc đó. Bởi, khi sự việc xảy ra trong tích tắc, mọi hành vi của con người lúc đó đều do quá trình nhận thức và tập quán, thói quen. Và những người “sản xuất thông tin” không phải là “thủ phạm” duy nhất tạo nên thảm kịch tình người này.

2. Vậy những hành vi kỳ quặc trên xuất phát từ đâu?

Nó đến từ những bữa ăn mà việc chụp hình món ăn đăng lên Facebook là việc “phải làm”, hiển nhiên như món khai vị. Nó xuất phát từ những nút “like dạo” trước mỗi bức ảnh thảm họa. Nó cũng là kết tinh của thói quen thấy gì lạ lạ là dừng lại, chụp ảnh, “tung phây”...

Và nữa, Facebook với số lượng thành viên lên tới 1,4 tỉ tài khoản như một sân khấu lớn mà ở đó, ai cũng muốn thu hút sự chú ý. Người cố bày tỏ quan điểm để được cộng đồng quan tâm. Người khác sẵn sàng cởi đồ để từ vai phụ lên vai thứ. Người thì tận dụng mọi nguồn tin để có được những thông tin hot, tăng like (thích) tăng share (chia sẻ), tăng follow (theo dõi) để từ vai thứ lên vai chính.

Cứ thế, sự lạnh lùng của những màn hình smartphone chĩa vào nạn nhân mỗi lúc một đông theo số lượng like, comment (bình luận), share rầm rầm. Vừa chửi vừa xem, vừa lên mặt đạo đức vừa share. Trong trường hợp này, không chỉ những người “sản xuất thông tin” mà những người “tiêu thụ thông tin” cũng không vô can.

Sẽ chẳng ai mở smartphone để chụp ảnh tai nạn nếu nó không được phát tán nhanh chóng ngay sau đó để thỏa mãn sự tò mò. Cũng chẳng ai thản nhiên quay clip nạn nhân khi họ bị chỉ trích ngay khi clip được đăng lên Faecbook.

Và, khi vụ việc chụp ảnh thay vì cứu người diễn ra, tấm màn nhung lung linh của Facebook hạ xuống, chúng ta không còn thấy biết bao con người thạo tin, bao con người thông minh, bao dung, đức hạnh và cá tính... như hình ảnh họ trên trang cá nhân. Chúng ta thấy nhau bẽ bàng qua ánh sáng của màn hình smartphone và cửa sổ máy tính.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm