Chữ và nghĩa: Ý hay Italia?

08/04/2020 07:11 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Italia (tên tắt của Republica Italiana) là một quốc gia có lãnh thổ nằm giữa Địa Trung Hải, ở phía nam châu Âu, có thủ đô là Roma.

 Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam và tình hình dịch bệnh thế giới cập nhật mới nhất

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam và tình hình dịch bệnh thế giới cập nhật mới nhất

Báo Điện tử Thể thao và Văn hóa - TTXVN tiếp tục cập nhật những diễn biến mới nhất của tình hình dịch corona tại Việt Nam và tình hình dịch bệnh thế giới từ các cơ quan chức năng.

Đã từ lâu, chúng ta có thói quen gọi là nước Ý. Đó là cách gọi tắt theo cách đọc Hán Việt của cả tổ hợp Ý Đại Lợi. Thực tế, tiếng Việt đã có một kho tên riêng địa danh nước ngoài phiên theo cách đọc này. Chẳng hạn: Mỹ (Mỹ Lợi Kiên), Pháp (Pháp Lan Tây), Anh (Anh Cát Lợi), Nga (Nga La Tư), Hà Lan, Ba Lan, Tiệp Khắc... Ý cũng là một cái tên quen thuộc trong số đó. Vậy mà chẳng hiểu vì cớ gì mà nhiều cơ quan truyền thông lại cứ cố gò về cách đọc (và cách viết) theo đúng nguyên ngữ là Italia (t. Anh: Italy, t. Pháp: Italie)?

Theo chúng tôi, cách viết như vậy có khá nhiều điểm không hợp lý cần cân nhắc.

Thứ nhất, đó là cách đối xử thiếu nhất quán trong việc xử lý vấn đề tên riêng nước ngoài. Hiện tại, chúng ta đang có tới 3 phương án khác nhau và cũng đang còn tranh luận trong nhiều năm nay (phiên âm, nguyên dạng, chuyển tự). Nhưng có một số trường hợp do lịch sử để lại, là các tên đã Hán Việt hóa, thông dụng tới mức đã thành thói quen của người bản ngữ, thì không nên thay đổi làm gì.

Trừ các trường hợp chưa phổ biến, còn xa lạ như Gia Nã Đại (Canada), Mễ Tây Cơ (Mexico), Á Căn Đình (Argentina), Ba Tây (Brazil), Bảo Gia Lợi (Bulgaria), Phi Luật Tân (Philippines)... thì đưa trở lại nguyên ngữ còn được (và cũng ít gây xáo trộn). Chứ những cái tên như Đức, Nhật, Mỹ, Pháp, Ý... thì thói quen sử dụng đã ăn sâu vào tiềm thức người bản ngữ, ta đổi chỉ gây khó khăn, phiền phức vì cùng một lúc tồn tại hai biến thể. Và nếu thực sự theo giải pháp nguyên ngữ thì phải nguyên ngữ tất cả, không trừ một trường hợp nào. Ở đây, tự nhiên, chỉ có một vài ngoại lệ là sao?

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm COVID-19 tại Milan, Italy ngày 24/2/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Thứ hai, cách dùng đó lại “rườm rà” hóa sự việc. Vì viết Ý vừa ngắn gọn, vừa dễ đọc hơn Italia (ít hơn 5 con chữ khi viết và 3 âm tiết khi đọc). Cũng như ta viết là (nước) Úc đã quen, ngắn gọn, dễ nhớ hơn (nước) Australia. Đấy là chưa nói là sẽ tạo ra sự bất hợp lý cho việc sử dụng (như lịch sử vẫn thường nói “trục” Đức - Ý - Nhật trong Thế chiến II, hay thời trang Ý, món ăn Ý, Thép Việt - Úc... thì việc thay các từ Italia, Australia vào vừa “cọc cạch” vừa bất tiện khi sử dụng (nếu thay là “trục" Đức - Italia - Nhật”, “Thép Việt – Australia”, nghe không thuận).

Thứ ba, vì ở đây cũng không có lý do chính trị hay quan hệ ngoại giao chi phối mà phải điều chỉnh cho thích hợp.

Vì vậy, theo chúng tôi, nên giữ nguyên cách gọi nước Ý như đã có trước đây. Nếu theo dõi báo chí vừa qua (nhất là nhân sự kiện Covid-19 đang sôi sục), ta thấy khá nhiều báo (nhất là báo chí phía Nam), vẫn giữ nguyên cách viết Ý, Úc thay cho Italia, Australia. Không phải vì họ bảo thủ, mà thực tế, cách dùng như vậy càng ngày càng tỏ ra tiện lợi, hợp lý. Giống như chúng ta không đổi tên Hán Việt một loạt nước đang tồn tại mà điều này có lợi cho việc giao tiếp ngôn ngữ.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm