Chữ và nghĩa: 'Thảo mai' nghĩa là gì?

13/11/2019 07:29 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “Thảo mai” là gì? Tôi tin rằng từ này không hề xa lạ với nhiều người. Nó không phải là từ mới bởi vì từ khá xa rồi, từ "thảo mai" đã được sử dụng tương đối rộng rãi. Chẳng hạn: "Tôi lạ gì cái giọng điệu thảo mai của con Lan nữa. Mới nghe nó nói thì con kiến trong lỗ cũng bò ra. Nhưng nghe cứ thấy thớ lợ giả giả thế nào ấy".

Chữ và nghĩa: 'Khen đểu' - ngày xưa có thế?

Chữ và nghĩa: 'Khen đểu' - ngày xưa có thế?

Chuyện cầu thủ bóng đá cãi lộn, chửi bới, thậm chí gây gổ đánh trọng tài ở xứ ta không hiếm. Nhưng gần đây, báo chí đột nhiên rộ lên về một hiện tượng được coi là “hiệu ứng ngược”. Đó là chuyện trọng tài - những ông vua sân cỏ - lại là người “ra đòn” trước.

Hơi lạ là hiện tại, chưa có từ điển nào của Việt Nam định nghĩa từ này (nó không phải là một từ Hán Việt với hai thành tố "thảo" (với các nghĩa: “cỏ”; hay “viết sơ lược”; hay “tìm xét, trị tội”) và "mai" (với các nghĩa: “chôn”, “cất giấu”; hay chỉ “cây mơ”). Và càng lạ hơn khi biết rằng, đây lại là một từ hiện đang được sử dụng rất phổ biến trong giới showbiz Việt. Chính bản thân những người trong giới này (và giới trẻ) đã lên tiếng về chuyện "thảo mai" như một hiện tượng khá phổ biến hiện nay. Chúng ta thử "dạo một vòng" trên Internet xem giới trẻ nghĩ thế nào về từ này.

Ý kiến của bạn Kim Thanh: "Với tôi, với hơn 7 năm trong nghề, tôi không cổ xúy cho chuyện gây shock, gây scandal trong phát ngôn, nhưng tôi cũng chẳng mặn mà lắm với những người “thảo mai”. Thế mà, bây giờ người người nhà nhà đều thảo mai!"; "Theo những người trong giới, “thảo mai” dùng để ám chỉ những người có cách giao tiếp khéo léo, ngọt ngào, không mất lòng ai. Tuy vậy, người “thảo mai” lại không được người khác thích vì nó thiên về tính giả tạo, không thật tình, bằng mặt không bằng lòng".

Một bạn khác trên một forum thì viết: “Thảo mai” là từ chỉ người phụ nữ nói một đằng, làm một nẻo, bảo người khác làm thế này nhưng mình lại làm thế kia. Đó là một người không trung thực, ngoài mặt thì cười cười nói nói nhưng đằng sau lưng thì nói xấu, âm thầm có dã tâm hại người khác”…

Bạn Duy Anh lại viết: "Một ai đó bị gọi là thảo mai khi họ là con người sống hai mặt, sống không thật tâm hay giả tạo, nhưng vì không muốn nói thẳng mặt với người đó nên giới trẻ nghĩ ra từ lóng là "thảo mai". Nhìn chung những người thảo mai sẽ có ít bạn hoặc bạn cũng là đám thảo mai giống nhau chơi với nhau bằng mặt không bằng lòng".

Chú thích ảnh
Ảnh: Internet

Có thể nói là khá nhiều ý kiến của giới trẻ trao đổi. Chính họ cũng cảm nhận là trong cuộc sống hôm nay, nhất là trong giới showbiz, có quá nhiều hiện tượng "thảo mai". Nó là cách thể hiện của ai đó (thường là các cô gái) trong giao tiếp và cách hành xử trước công chúng bằng những lời lẽ khéo léo, sáo rỗng, điệu đà tới mức nghe không thật, thớ lợ, thiếu tự nhiên.

Trong khi đang tìm xuất xứ của từ “thảo mai”, tình cờ tôi đọc được một bài viết trên một trang web về Đạo Mẫu Việt Nam với nội dung như sau:

“Truyền thuyết Mẫu Thoải ở Đền Dùm - Tuyên Quang; Đền Dầm, Đền Xâm Thị - Thường Tín, Hà Nội. Theo truyền thuyết này thì Mẫu Thoải cũng xuất thân là con gái của Vua Thủy Tề, nhưng không thấy nhắc đến hai vợ chồng sinh ra Lạc Long Quân.

Mẫu Đệ Tam vốn là con gái Vua Thủy Tề, ở chốn Long Cung. Bà kết duyên cùng Kính Xuyên (là con Vua Đất). Khi Kính Xuyên đi vắng, bà ở nhà khâu vá, chẳng may kim đâm vào tay chảy máu, bèn lấy tấm vải lụa trắng để thấm máu. Thảo Mai, tiểu thiếp của Kính Xuyên, vốn đã sinh lòng đố kị từ lâu, nhân cơ hội đó giấu tấm lụa đi, đến khi Kính Xuyên về, Thảo Mai lấy ra rồi vu oan cho bà ở nhà đã cắt máu thề nguyền để tư thông cùng kẻ khác. Kính Xuyên không nghe lời thanh minh, ghen tuông mù quáng, một mực bắt đóng cũi bỏ bà lên rừng cho thú dữ ăn thịt…”.

“Ở nơi rừng núi, bà được muôn loài quý mến, dâng hoa quả và nước uống. Đến một ngày kia thì bà gặp được Liễu Nghị, vốn là thư sinh quê đất Thanh Miện nhờ tập ấm cha mẹ để lại nên đèn sách chuyên cần. Hôm đó trên đường đi thi thì chẳng may bị lạc vào nơi bà bị đày ải. Thấy bà vậy, Liễu Nghị đến hỏi han. Sau khi biết rõ sự tình, Liễu Nghị nhận giúp đỡ bà. Bà đã viết thư nhờ Liễu Nghị mang về đến chốn long cung để vua cha thấu hêt sự tình rồi sẽ định liệu sau.

Theo lời bà, Liễu Nghị ra đến sông Ngân Hán, là mái Long Giai ngoài Biển Đông, thấy có cây ngô đồng, Liễu Nghị rút cây kim thoa, gõ vào cây ba lần. Tức thì gió giật mưa sa, biển động ầm ầm, giữa dòng thấy hiện lên đôi bạch xà, Liễu Nghị bèn trình bày mọi việc, đôi bạch xà vâng lệnh đưa Liễu Nghị xuống Thủy cung. Tại đây, Liễu Nghị trao cho Vua Thủy Tề bức thư và kể hết mọi chuyện. Vua cha tức giận, sai người đi bắt Kính Xuyên và Thảo Mai và truyền cho Trưởng Tử Xích Lân lên đón bà. Sau đó bà được rước về Thoải Phủ, kết duyên cùng Liễu Nghị, người được giao cho chức Quốc Tế Thủy Quan”.

“Theo truyền thuyết này, có lẽ dân gian vẫn nói người con gái gian giảo là "thảo mai" chắc là xuất xứ từ sự gian giảo của nàng Thảo Mai trong câu chuyện này”.

*

"Thảo mai" thực sự đã trở thành một "hiện tượng" của từ mới tiếng Việt. Theo tôi được biết, trước hiện trạng sử dụng từ "thảo mai" khá phổ biến với ngữ nghĩa định hình, Trung tâm Từ điển học đã bổ sung từ này trong Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) vào lần xuất bản tới:

THẢO MAI t. [kng] khéo ăn nói, thường không thật lòng, để làm vui lòng hoặc để đánh lừa người khác [thường nói về con gái]. VD: Giọng điệu rất thảo mai.

PGS - TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm