Chữ và nghĩa: Chuyện những cái 'các'

18/09/2019 07:04 GMT+7

  (Thethaovanhoa.vn) - “Các” hay “cạc” ở đây là cách nói ngắn gọn của “card visit”, tức là tấm danh thiếp. Đó là một cái thiếp nhỏ, thường khá thống nhất về kích cỡ, mà trên đó ghi họ tên và các thông tin liên quan (nghề nghiệp, chức vụ, địa chỉ, điện thoại, E-mail...) dùng khi giao dịch.

Chữ và nghĩa: Từ hót đang 'hót'

Chữ và nghĩa: Từ hót đang 'hót'

Bây giờ, vào mạng, mở tivi hay mở bất kì một trang báo được coi là đắt khách, nhất là dành cho giới trẻ, ta dễ dàng gặp từ HOT, một từ tiếng Anh làm định ngữ đi kèm với các từ tiếng Việt khác.

Đây là một thói quen rất phổ biến đối với các nước Âu - Mỹ và nhiều nước công nghiệp khác. Ở Nhật Bản, một công chức trước khi đến công sở, việc đầu tiên là họ chuẩn bị các loại danh thiếp cần dùng. Mỗi danh thiếp có một giá trị giới thiệu một tư cách, nên bao giờ người ta cũng có ít nhất 2 loại “các” dành cho một người: danh thiếp công chức và danh thiếp cá nhân.

Đối với danh thiếp công sở, đương sự không được quyền in tuỳ ý, nội dung “các” phải được cơ quan duyệt, thống nhất toàn bộ (từ logo, maquette, thứ tự thông tin, màu sắc, chủng loại giấy...).

Ở Mỹ, danh thiếp của các công ty lớn còn được mã hóa như thẻ từ. Ra vào cơ quan phải xuất trình qua các trạm kiểm tra tự động. “Các” của họ có khi còn có giá trị như một thẻ tín dụng, gửi và rút tiền trong phạm vi cho phép. Chỉ có “các” cá nhân mới được ghi những thông tin riêng tư của mỗi người. Vì vậy, sang các nước phương Tây, hiếm khi ta biết được địa chỉ hay điện thoại nhà riêng của họ. Trừ phi bạn đã trở nên thân thuộc thì bạn sẽ được hân hạnh mời tới nhà bằng một tấm danh thiếp riêng.

***

Ở Việt Nam, việc dùng danh thiếp cũng đã khá phổ biến, đặc biệt là trong giới công chức. Tuy nhiên, thói quen này cũng mới thực sự thông dụng trong khoảng hơn chục năm trở lại đây. Đã qua rồi cái thời gặp nhau cứ phải giở sổ tay ra ghi địa chỉ.

Tấm danh thiếp nhỏ bé, trang trọng là “lời chào” và lời giới thiệu tế nhị mà tin cậy đối với bất kỳ ai mới tiếp xúc. Đây là một thói quen văn minh cần tôn trọng. Song việc sử dụng nó lại là vấn đề cần bàn.

Chú thích ảnh
Ảnh có tính minh họa

Đấy là việc đưa nội dung lên “các” của một số vị rất tùy tiện. Tất nhiên, hoàn cảnh và thói quen của ta có khác, nên việc phân biệt chung - riêng không bắt buộc phải tách rời, gây phiền phức.

Nhưng Hình như người ta lạm dụng mảnh giấy nhỏ này để phô trương mọi chức danh hiện có (hoặc đã có). Thôi thì đủ mọi chức vụ: Giám đốc, Chủ tịch công đoàn, Trưởng tiểu ban, Ủy viên hội đồng này nọ... và cũng đầy đủ các chức danh: Tiến sĩ, Giáo sư, Thạc sĩ, Nghệ sĩ nhân dân, Nhà giáo ưu tú, giải thưởng hay huy hiệu này nọ... Làm đến mấy chức vụ đều ghi tất.

Tôi đã được đọc một tấm “các” mà chỉ việc ghi các chức danh kèm theo đã kín cả mặt giấy, mặc dù đã in cỡ chữ nhỏ nhất có thể. Đã thế, có nhiều chỗ lại thừa một cách vô lý: TS-KTS, hoặc Ths-BS, Đại tá TS-KS... Tiến sĩ là bậc trên của kiến trúc sư, cũng vậy học xong Đại học Y, có bằng cử nhân (bác sĩ) thì học cao học để có bằng thạc sĩ. Nếu quả là muốn khỏi nhầm lẫn, thì tốt nhất ghi đầy đủ theo quy định: Tiến sĩ Kiến trúc (Doctor of Philosophy in Architecture), TS Y học (Doctor of Philosophy in Medicine), Tiến sĩ Ngữ văn (Doctor of Philosophy in Literature & Linguistics) ...

Điều đáng nói là nhiều người lại sính dùng ngoại ngữ (nhất là tiếng Anh) tới mức... cố tạo ra mơ hồ ngữ nghĩa. Có người chỉ in rặt chữ Tây và doctor (bác sĩ, tiến sĩ) được hiểu chung là tiến sĩ tuốt, prof. (giáo sư) nhưng họ dùng để ghi cả chức danh PGS (asso. prof) lẫn GS...

Trớ trêu thay là những tấm “các” như vậy may ra cả đời mới dùng một vài lần với dân ngoại quốc còn đa số là phân phát cho bạn bè ta cả. Thôi thì đành cất đi để đôi lúc giở ra xem cho oai. Cũng may là mã số điện thoại lại thống nhất trên toàn thế giới nên vẫn còn chút giá trị. Cách sử dụng tấm “các” bé nhỏ tuy cũng là chuyện nhỏ nhưng lại là một vấn đề thể hiện văn hóa giao tiếp của mỗi người trong cuộc sống văn minh.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm