Chữ và nghĩa: Chuyện 'F' nhân mùa Covid-19

15/04/2020 06:55 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Trong những ngày qua, cả nước ta đang tập trung vào chiến dịch chống Covid-19. Những người liên quan tới dịch bệnh này được phân loại thành các nhóm F1, F2, F3, F4, F5... theo các mức độ khác nhau về sự tiếp xúc và nguy cơ lây nhiễm. Cụ thể, theo cơ quan phòng dịch của Bộ Y tế thì:

Chữ và nghĩa: 'Dương tính' - nỗi lo nhân loại

Chữ và nghĩa: 'Dương tính' - nỗi lo nhân loại

Dương tính, một từ đang làm cho mọi người Việt Nam bây giờ phải giật mình e sợ mỗi khi nghe đài, xem tivi hay vào mạng. Cứ mỗi ngày, con số bệnh nhân được xét nghiệm Covid-19 (trên thế giới và ở Việt Nam) có kết quả dương tính tăng lên lại khiến cộng đồng rùng mình. Chỉ 2 âm tiết đơn giản thế thôi, dương tính là tín hiệu đáng sợ của đại dịch mang tính toàn cầu mà thế giới đang phải đối mặt.

F0 là người được xác định dương tính với Covid-19.

F1 là người nghi nhiễm, tiếp xúc trực tiếp ca dương tính Covid-19 (F0).

F2, F3 là người tiếp xúc với người nghi nhiễm (F2 tiếp xúc với F1 và F3 tiếp xúc với F2).

F4 là người tiếp xúc với F3, F5 là người tiếp xúc với F4.

Từ đó, Bộ Y tế Quy định phân loại cách ly cụ thể như sau:

- Người nhiễm Covid-19 (F0) tất nhiên sẽ phải cách ly, điều trị tại cơ sở y tế.

- Đối với trường hợp tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh (F1) sẽ cách ly tại các cơ sở y tế.

- Đối tượng tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) cách ly tại nhà có sự giám sát hoặc tại khu cách ly tập trung.

- Người liên quan (F3) khuyến cáo nếu xuất hiện biểu hiện ho, sốt, khó thở phải đến cơ sở y tế.

Trong bài này, tôi không có ý kiến về chủ trương và các quy định của ngành y tế. Tôi chỉ bàn đôi điều về khái niệm “F” mà chúng ta đang sử dụng.

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam (tập 2, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2002), F là ký hiệu Sinh học mà Công nghệ lai giống đang sử dụng. F1 chỉ “thế hệ con lai thứ nhất được tạo nên từ một cặp lai các dạng cha mẹ thuần”. “F2 chỉ thế hệ con lai thứ hai thu được do nội phối thế hệ F1. Ở F2, tỷ lệ phân li tình trạng đặc trưng của con lai 1 tính và 2 tính, biểu hiện rõ ràng hơn F1” (sđd, tr. 55).

Chú thích ảnh
Mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Lai giống là sự "giao phối giữa hai hay nhiều dạng bố mẹ khác nhau, tạo ra thể lai (cây lai, con lai) phối hợp các tính chất di truyền và tính trạng của bố mẹ" (sđd, tr. 629). Trong phương pháp chọn lọc nhân tạo, phương pháp lai giống cho phép người ta tạo ra các thế hệ cây lai, con lai theo ý muốn, có các chỉ số phát triển tích cực. Chẳng hạn như cho ra các loại cây mới (lúa, rau quả, cà chua, mít, sầu riêng, mãng cầu...) có khả năng chống chịu (nóng, lạnh, hạn, úng) tốt, năng suất cao, quả ít hạt, múi to, cùi dày, chất lượng ngon hơn; cho các loại con vật nuôi (bò, gà, dê, lợn, cá, tôm...) khả năng thích nghi tốt với môi trường, chống chọi với thời tiết, chống dịch bệnh tốt, cho sản lượng cao (trọng lượng to nặng), lớn nhanh, tỉ lệ nạc cao...

F1, F2... là ký hiệu chung chỉ các đời lai tạo trong trồng trọt và chăn nuôi. “Trong trồng trọt và lâm nghiệp... lai các dòng thuần có bản chất di truyền khác nhau sẽ tạo ra cây lai đời thứ nhất (F1) có ưu thế lai, sức sống và năng suất cao hơn bố mẹ. Cây lai F1 có thể mang tính trội của 1 trong 2 bố mẹ (trường hợp trội hoàn toàn), hoặc mang tính chất trung gian giữa 2 bố mẹ (trường hợp trội không hoàn toàn). Từ đời thứ 2 (F2) có hiện tượng phân li theo quy luật nhất định và hiện tượng ưu thế giảm dần” (sđd, tr. 629).

Còn “Trong chăn nuôi, lai kinh tế (hay lai công nghiệp, lai thương phẩm) là phương pháp cho giao phối các cá thể bố mẹ thuộc 2 giống... để có con lai đời thứ nhất (F1) chuyên nuôi lấy sản phẩm (thịt, trứng, sữa, lông, len...). Lai tạo giống có nhiều phương pháp... Ví dụ ở Việt Nam, bò sữa F2 3/4 và F3 7/8 Holstein là kết quả lai cấp tiến đời 2 và 3 bò cái lai Sind với bò đực giống Holstein Fries Cuba” (sđd, tr. 629).

Có thể nói, còn nhiều nội dung liên quan tới vấn đề này. Tôi phải dẫn thêm dài dòng như vậy để lưu ý một điều: F1, F2... là ký hiệu có tính danh pháp trong Công nghệ Sinh học, chủ yếu để phân biệt các sản phẩm thế hệ sau trong quá trình lai tạo (F có số cao hơn là thế hệ sau so với F số thấp hơn).

Việc ngành y tế Việt Nam hiện nay cũng sử dụng (F1, F2...) là một cách “chuyển di thuật ngữ”, đúng hơn là một cách thể hiện mang tính hình tượng để dễ phân biệt với những đối tượng nằm trong phạm vi giám sát dịch bệnh. Có điều, trong Sinh học không có F0 (mặc dù người ta cũng ngầm hiểu trước F1 phải là F0). Nhưng F0 sinh học bao giờ cũng phải là 2 (một cặp tạo lai) chứ không phải 1. F0 với tư cách là người mắc dịch có khả năng truyền dịch chỉ là một người nào đó.

Cách phân loại F0, F1, F2, F3, F4, F5... của ngành y tế trong đại dịch Covid-19 có thể coi là một sự sáng tạo từ ngữ “mang tính tình thế”.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm