Chọi trâu, đâm trâu, chém lợn và 'đôi mắt' của bạn

08/09/2017 14:55 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc tọa đàm giữ hay bỏ chọi trâu Đồ Sơn do Bộ VH,TT&DL tổ chức đã trở thành cuộc "biểu dương" những giá trị của lễ hội này với đại đa số, nếu không nói trăm phần trăm những ý kiến ủng hộ. Điều đó được coi là "thắng lợi" của "phái" giữ chọi trâu, và tất nhiên không làm bằng lòng "phái" kia.

Trên báo Tuổi trẻ, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho rằng có sự ngụy biện khi người ta đưa ra những dẫn chứng về việc "Tây" cũng đấu bò, cưỡi bò tót để bảo vệ chọi trâu. Anh cho rằng những yếu tố bạo lực như thế chỉ là "phần tối" của xã hội văn minh.

Tất cả những ý kiến ủng hộ hay phản đối chọi trâu, theo tôi, đều có cái lý của mình và đều đúng trong một phạm vi nhất định. Ở đây, tôi không muốn nêu lên một quan điểm có tính "ba phải". Chọi trâu, hay nhiều hơn nữa gồm tất cả những tục lệ có tính chất tương tự, từng được đưa ra tranh luận gay gắt trong thời gian qua như đâm trâu, chém lợn (chưa kể cả món ẩm thực thịt chó)... chưa biết chúng là những phong tục hay... hủ tục, nhưng trước tiên, ta cần phải được tiếp cận chúng một cách đầy đủ và chính xác theo một quan điểm duy nhất: quan điểm di sản. Hay nói cách khác, chúng ta cần phải nhìn chúng bằng "đôi mắt" của di sản.

Chú thích ảnh
Cần tiếp cận chọi trâu bằng "đôi mắt" của di sản

Thực tế các hoạt động chọi trâu, đâm trâu, chém lợn không tồn tại một cách riêng biệt đơn thuần như các hoạt động lao động, sản xuất hàng ngày. Có việc cho những con trâu húc nhau đến vỡ đầu, chảy máu; có việc nhảy múa quanh đống lửa để đâm con trâu đã bị cột chặt đến chết, có việc vung dao chém đứt đầu một con lợn vô tội... Nhưng mỗi lễ hội lại không chỉ dừng ở đó. Chúng bao gồm tổng thể các hoạt động có tính chất nghi lễ, diễn ra trong một không gian văn hóa nhất định, gắn với những ý nghĩa biểu tượng nhất định, phục vụ cho một cộng đồng nhất định, và dường như chỉ cộng đồng đó mới "thấu cảm" được.

Di sản luôn tồn tại như vậy. Chính vì vậy UNESCO luôn luôn nhấn mạnh đến 2 thứ khi tiếp cận với các di sản, một là, phải đặt di sản trong không gian văn hóa của nó. Hai là, phải tôn trọng cộng đồng đang sở hữu di sản đó, bởi chính cộng đồng đó, chứ không phải ai khác, mới có thể quyết định được sự tồn tại và phát triển của thứ di sản mà họ đang là chủ nhân.

Chú thích ảnh
Cần thiết phải xem xét di sản trong không gian văn hóa và tôn trọng cộng đồng đang sở hữu di sản đó

Khi chúng ta nhìn đâm trâu, chém lợn, chọi trâu bằng đôi mắt của người bảo vệ động vật, chúng ta sẽ thấy nổi lên yếu tố bạo lực, thậm chí là dã man. Rộng hơn, với hàng loạt lễ hội, nếu chúng ta nhìn bằng đôi mắt của người đứng ngoài có vẻ rất khách quan, chúng ta cũng chỉ thấy những điều kỳ quặc, khó hiểu.

Trò Trám ở Phú Thọ có màn trai gái cầm biểu tượng sinh thực khí "xỏ" vào nhau trước miếu thờ lúc nửa đêm, rõ ràng là mô phỏng cảnh giao hợp. Khi dự lễ Katê, chúng ta vào một số tháp Chàm, hẳn cũng khá lạ lùng khi bệ thờ linga – yoni (biểu tượng sinh thực khí nam – nữ) được đặt trong tháp và người dân làm lễ tắm bệ thờ. Mà đâu chỉ ở Katê, cột đá chùa Dạm ở Bắc Ninh (có bản sao đặt tại giữa sân Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) cũng được cho là một cái linga khổng lồ.

Có một thời kỳ rất dài, nghi lễ chầu Văn (trong đó có hầu đồng) bị nhìn nhận như là mê tín dị đoan, đồng cốt quàng xiên, một "khoảng tối tâm linh" của người Việt, cho đến khi nó được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thế thế giới...

Nhìn sang bên Tây, cho đến bây giờ tôi vẫn không sao có thể "chấp nhận" được cái lễ hội thả con bò tót ra giữa đường phố để trêu chọc nó và để cho nó húc đến lòi ruột

Xã hội thay đổi, tiến lên chỗ "văn minh", đương nhiên có không ít phong tục trở thành "hủ tục". Ngay trong một phong tục cũng có thể tồn tại một số yếu tố không phù hợp với thời đại, đi ngược lại với tính nhân văn của xã hội. Như thế, tự thân di sản đã chứa đựng cả những điều tích cực và tiêu cực rồi, huống chi những người thực hành nó, cũng không còn là những bậc tiền nhân thuở trước nữa. Họ là những con người hiện đại và có thể bị lây nhiễm bởi những thói tục trong xã hội bây giờ, càng làm cho di sản méo mó đi (rõ nhất là xu hướng thương mại hóa).

Nhưng trước khi chúng ta thực hiện bất kỳ một tác động nào đến di sản cũng cần phải nhìn nhận nó bằng "đôi mắt" của di sản. "Đôi mắt" cũng là chữ mà nhà văn Nam Cao đã dùng trong truyện ngắn cùng tên, mà trong thời đại này có thể tìm được một từ thời thượng tương đương là "thấu cảm".

Câu nói nổi tiếng của nhà “Tây Nguyên học” người Pháp Dam Bo - tác giả của “Mảnh đất huyền ảo” - luôn đúng trong mọi trường hợp tiếp cận với di sản: “Nếu phải hiểu để mà yêu, thì lại phải yêu để mà hiểu”. Khi đã "yêu", "hiểu", "thấu cảm" thì sẽ tác động được vào di sản theo chiều hướng tích cực, hay chí ít cũng không làm tổn thương những cộng đồng đang thực hành di sản đó bằng cách nhìn "đối sánh": dã man/văn minh, lạc hậu/tiến bộ, độc ác/nhân văn.

Bộ VH,TT&DL 'quản chặt' các lễ hội chọi trâu

Bộ VH,TT&DL 'quản chặt' các lễ hội chọi trâu

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 9/8 cho biết: Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã ký Quyết định số 3050/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Kế hoạch tăng cường công tác quản lý, tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn và các lễ hội, hội chọi trâu.

Di sản cuối cùng vẫn luôn là thứ bảo lưu những bản sắc văn hóa của cộng đồng và cố kết cộng đồng. Nếu có đôi mắt "thấu cảm" có lẽ công chúng và giới học giả sẽ không có sự phân ly như trong thời gian qua khi cùng tiếp cận với di sản chọi trâu, đâm trâu, chém lợn..., và kể cả thú ẩm thực thịt chó nữa.

Đông Kinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm