Chờ gì ở địa đạo Củ Chi?

10/09/2020 05:42 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Một thông tin đáng chú ý: TP HCM vừa có văn bản xin ý kiến Bộ Quốc phòng về chủ trương lập hồ sơ di tích địa đạo Củ Chi trình UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới. Dự kiến, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng, Thành phố chỉ đạo ngành văn hóa phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện các bước tiếp theo trong lộ trình xây dựng hồ sơ.

Nữ tổng thống Argentina thăm địa đạo Củ Chi

Nữ tổng thống Argentina thăm địa đạo Củ Chi

Tổng thống Cộng hòa Argentina Cristina Fernandez de Kirchner được tặng áo dài, đội nón quai thao và đội mũ tai bèo trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vừa qua.

Thực chất, dù gây chú ý, nhưng đây không phải là lần đầu tiên TP HCM nhắc tới ý tưởng này. Cụ thể, vào năm 2019, lãnh đạo thành phố cũng đã chia sẻ quan điểm: hệ thống địa đạo đặc biệt này cần được sớm xây dựng hồ sơ để trình UNESCO vinh danh.

Theo tìm hiểu của TT&VH, ý tưởng này được xuất phát từ gợi ý và tư vấn của một số chuyên gia trong Ủy ban Quốc gia UNESCO tại Việt Nam, nhằm phát huy trọn vẹn giá trị và tiềm năng của hệ thống địa đạo Củ Chi.

Cũng cần nhắc lại, với hệ thống đường hầm nhân tạo thông nhau dài tới hơn 100km và được cho là manh nha hình thành ngay từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, địa đạo Củ Chi không chỉ là một công trình khoa học quân sự đơn thuần.

Chú thích ảnh

Với quãng thời gian tồn tại rất dài - và đặc biệt có dịp phát huy công năng vào thập niên 1960- hệ thống này còn được đánh giá là biểu tượng đặc biệt cho sức mạnh chiến tranh du kích và chiến tranh nhân dân của người Việt Nam. Kèm theo đó, nơi đây còn gắn kèm những hệ giá trị văn hóa phi vật thể nổi bật, về cách sống, ứng xử và mối quan hệ của nhiều thế hệ đã sống và chiến đấu tại địa đạo Củ Chi trong cuộc chiến tranh vệ quốc.

Và, trước khi nói tới việc đệ trình hồ sơ của địa đạo Củ Chi lên UNESCO, hãy nhớ rằng bản thân cụm công trình đặc biệt này cũng từng được quốc tế đánh giá không hề thấp. Điển hình, vào tháng 9/2018, South China Morning Post - một trong những tờ nhật báo lâu đời nhất Hong Kong (Trung Quốc) đã nhắc tới địa đạo Củ Chi như một trong các công trình quân sự ngầm ngoạn mục nhất thế giới, bên cạnh hệ thống hầm ngầm DMZ (khu phi quân sự liên Triều) hay các kiến trúc liên quan tới chiến trường Somme (Pháp), nơi diễn ra những trận đánh đẫm máu nhất trong Thế chiến thứ nhất.

***

Nhưng, ý tưởng lập hồ sơ vinh danh địa đạo Củ Chi không chỉ dừng ở đó. Xa hơn, điều này còn gắn với một mong muốn từ lâu của các chuyên gia di sản: Sau những danh hiệu Di sản thiên nhiên Thế giới và Di sản Văn hóa Thế giới tại các khu vực miền Bắc và miền Trung, đã tới lúc, khu vực phía Nam cũng nên có một Di sản tương tự để gắn với lịch sử phát triển và niềm tự hào riêng của mình.

Thực chất, câu chuyện này đã được nhắc tới từ năm... 2010, khi tỉnh An Giang đã rất nhiệt tình khảo sát và tổ chức các hội thảo quanh ý tưởng xây dựng hồ sơ cho di chỉ văn hóa Óc Eo để đệ trình lên UNESCO. Và, bản thân các chuyên gia của Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cũng dành khá nhiều lời động viên cho nỗ lực này.

Tuy nhiên, dù tổ chức khác nhiều cuộc nghiên cứu, ý tưởng này vẫn gặp quá nhiều khó khăn, khi hầu hết các di tích đang bảo tồn chỉ mới làm rõ được yếu tố “thượng tầng kiến trúc”(di tích kiến trúc tôn giáo - tín ngưỡng) mà gần như thiếu yếu tố “hạ tầng cơ sở” (như di tích cư trú).

Để rồi, sau gần 10 năm nghiên cứu và chuẩn bị, ý tưởng này hiện mới dần trở thành hiện thực, khi khu vực đề cử di sản văn hóa thế giới trong hồ sơ này sẽ mở rộng sang 3 khu vực di tích Óc Eo-Ba Thê (An Giang), Nền Chùa (Kiên Giang) và Gò Tháp (Đồng Tháp).

Kể chuyện cũ, để nói rằng việc xây dựng và đệ trình một hồ sơ Di sản Văn hóa Thế giới lên UNESCO chưa bao giờ là đơn giản và có thể “đốt cháy giai đoạn”.Trường hợp địa đạo Củ Chi cũng vậy: Dù hi vọng, nhưng hãy nhớ rằng chúng ta vẫn đang ở những bước xuất phát đầu tiên của lộ trình này.

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm