Chim gà, cá gáy, cây cau...

11/11/2020 07:19 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Câu này thống kê đầy đủ phải là: “Chim gà, cá gáy, cây cau, rau cải, nhân ngãi vợ, đầy tớ con”. Chà, dài dòng mà lại thấy lằng nhằng quá thể. Nhưng đây là một câu tục ngữ khá phổ biến liên quan tới nhà nông và cuộc sống nhà nông khi xưa. Kể ra, câu tục ngữ cũng không dài lắm, nhưng nội dung của tục ngữ này không đơn giản.

 

Chữ và nghĩa: Từ 'Hiệp sĩ bàn tròn' đến 'Hội nghị bàn tròn'

Chữ và nghĩa: Từ 'Hiệp sĩ bàn tròn' đến 'Hội nghị bàn tròn'

“Bàn tròn” tất nhiên là "bàn phải có hình tròn". Mà hình tròn là "phần mặt phẳng giới hạn bởi một đường tròn". Còn đường tròn là "tập hợp tất cả các điểm trong mặt phẳng cách đều một điểm cố định [gọi là tâm] một khoảng không đổi [gọi là bán kính]" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).

Bởi cấu trúc của nó bao gồm 6 ngữ đoạn, phân cách bằng dấu phẩy (tương đương với 6 vế, mà thường thì, các thành ngữ, tục ngữ chỉ có cấu trúc 2 về - đối và điệp với nhau). Sau mỗi dấu phẩy là sang một "phạm trù" sự vật, hiện tượng khác đấy.

Đây chính là bản tổng kết dân gian về kinh nghiệm, về lẽ thường đúc rút ở đời. Nó liên quan tới ẩm thực, trồng cấy, phong thuỷ và đặc thù các quan hệ gia đình.

Cách diễn giải quá ngắn gọn, bị lược bỏ tới mức tối đa. Vì vậy, muốn hiểu ngọn ngành ta phải "gỡ" từng ý một.

Điều dễ nhận ra là các tổ hợp ngắn gọn này đều ẩn chứa một thông điệp có luận cứ riêng, có giá trị như một lập luận đồng hướng, theo mô hình "Với những đơn vị cùng loại A thì A' luôn luôn đứng đầu, có giá trị hay đáng lưu ý nhất".

"Chim gà" là gì? Chim gà được hiểu là trong các con vật thuộc loài chim thì con gà (giống gà ri) có chất lượng thịt ngon nhất. “Thịt gà, ba ba, cá chép” là ba loại thực phẩm ngon bổ, được dân gian xếp hạng lâu rồi. Thôi, khỏi phải bàn cãi.

 

Chú thích ảnh
Trong các con vật thuộc loài chim thì con gà có chất lượng thịt ngon nhất

Còn nói đến “cá” thì không thể quên “cá gáy”. Cá gáy chính là cá chép theo cách gọi của một số vùng (phương ngữ). Trong các loại cá nước ngọt thì cá chép luôn được xếp đầu bảng. Cá chép đem kho, rán hay nấu canh chua đều là những món hấp dẫn trong thực đơn của mỗi gia đình. Không những thế, món cá chép trong mâm cỗ còn sang hơn các món cá khác.

“Cây cau” là một loại cây đặc biệt. Bởi lẽ, nó cần thiết, gần gũi và gắn bó với mỗi gia đình ở nông thôn (xưa và cả nay). Cau là loại "cây thân thẳng, hình cột, không phân cành, lá mọc thành chùm ở ngọn, quả nhỏ hình trứng mọc thành buồng, dùng để ăn trầu hay tế lễ". Cau tốn ít đất, dáng cao vươn thẳng, rất điển hình cho phong cảnh làng quê chúng ta. Cau là một thành phần không thể thiếu trong miếng trầu quen thuộc (trầu, cau, vôi). Cau là vật biểu trưng cho sự khởi đầu giao tiếp và hạnh phúc lứa đôi. Hẹn hò nhau miếng trầu quả cau, Miếng trầu là đầu câu chuyện, Miếng trầu nên dâu nhà người, Được mùa cau đau mùa lúa/ Được mùa lúa úa mùa cau, Chuối sau cau trước, Yêu nhau cau sáu bổ ba/ Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười... Cây cau đã đi vào ca dao, tục ngữ và làm phong phú thêm cuộc sống, tâm hồn của người Việt Nam ta.

“Cải” là "cây có hoa gồm 4 cánh xếp thành hình chữ thập, có nhiều loại, thường được trồng làm rau ăn". Cải là loại rau chủ lực trong vườn nhà, nhất là vào mùa lạnh (cải bắp, cải bẹ, cải bó xôi, cải canh, cải củ, cải hoa (súp lơ), cải làn, cải sen, cải soong, cải thảo...). Cải cũng là loại rau dễ trồng, dễ chế biến (luộc, xào, nấu canh, muối dưa, ăn sống...). Thật khó hình dung trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình, lại có thể thiếu mấy loại rau quen thuộc (như rau muống, rau cải...).

Hai vế cuối (nhân ngãi vợ, đầy tớ con) thì hơi khác và có vấn đề.

Có vấn đề vì dân gian đã xếp vợ vào hàng "nhân ngãi". Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) xếp "nhân ngãi" đồng nghĩa với "nhân tình".

Và đây là quan niệm xưa của người đời: Trong số các "nhân ngãi" thì vợ là nhân ngãi tuyệt vời nhất. Vợ là "của riêng", không phải lân la tán tỉnh gì mất công. Nhân ngày quan trọng (sinh nhật, ngày 8/3, Valentine) không phải lo lắng quà cáp, hoa hoét gì (có cũng tốt, không có không sao). Cơm nhà má vợ - cơm nhà mình muốn ăn bao nhiêu tuỳ khả năng, má vợ thích hôn lúc nào hay hôn bao nhiêu tuỳ sở thích. Nhân ngãi nói chung không thể dễ dàng, thoải mái thế được (phải nhẹ nhàng, khéo léo, quà cáp lấy lòng...).

Tương tự, con được xếp vào hàng "đầy tớ". Đầy tớ là tên gọi chỉ "người đi ở trong xã hội cũ". Con cái bình thường vẫn phải vào vai đầy tớ đó. Cũng theo quan niệm xưa, bố mẹ muốn sai bảo, muốn thực thi việc gì, con cái nhất nhất phải nghe lời. Đầy tớ tuy vào thân phận "con ở" nhưng chủ phải trả tiền. Họ cũng làm một số việc "đầu sai", nhưng không phải việc nào chủ yêu cầu họ cũng răm rắp nghe theo (nếu sai ngoài chức năng). Con cái thì bố mẹ sai phái, mắng mỏ tuỳ thích. Công xá chẳng mất một xu. Hoan hô "đầy tớ con".

Như vậy, 6 ngữ đoạn, 6 vế đơn giản của câu tục ngữ đã làm rõ một loạt vấn đề hiển minh trong cuộc sống. Đó cũng chính là chân lý mà dân gian đúc kết.

Vợ là nhân ngãi tuyệt vời

Con là đầy tớ cho đời thêm yêu...

PGS-TS PHẠM VĂN TÌNH

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm