Chào tuần mới: Lắng nghe bản thân

29/06/2020 07:23 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày mai, 30/6 là hạn chót cho các thí sinh nộp hồ sơ đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm học 2020-2021 trên toàn quốc. Cũng giống như những năm trước, nỗi băn khoăn lớn nhất của các thí sinh cũng như phụ huynh vẫn là chọn trường gì, học nghề gì để khi ra trường dễ kiếm việc làm, ít nguy cơ thất nghiệp. Năm nay nỗi lo này còn tăng lên khi mà đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đáng kể đến tương lai lao động của nhiều ngành nghề.

Thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2020

Thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2020

Các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi và xét tuyển Đại học, Cao đẳng từ hôm nay.

Lựa chọn ngành nghề của mỗi người là việc rất quan trọng, tuy nhiên, không phải ai cũng xác định được nghề nghiệp phù hợp với mình...

Bài học của chúng tôi năm học cuối cấp 3, chuẩn bị thi đại học, tôi vẫn nhớ. Khi ấy chúng tôi chọn lựa trường để làm hồ sơ thi đại học hầu hết theo cảm tính, chẳng có sự tư vấn gì cả. Thông tin về ngành học cũng rất ít, chủ yếu là đi hỏi những anh chị đã và đang theo học để tham khảo. Tư duy lúc ấy là học gì cũng được, miễn là thi đỗ. Còn cái sự thích hay không thích nói thật lúc ấy theo cảm tính nhiều hơn là đam mê.

Kết quả sau này mấy đứa con trai thi trượt phải đi bộ đội, một số bạn gái trong lớp tốt nghiệp đại học xong nhưng khi được phân công công việc đều bỏ vì nhận thấy không phù hợp, chán cảnh phải đi làm xa nhà. Cái giá của sự ngẫu hứng là sự lãng phí 4 - 5 năm học, mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc rồi bỏ không theo nghề.

Các em học sinh bây giờ có nhiều lợi thế hơn so với trước đây, đầu tiên là thông tin các ngành nghề rất chi tiết, cập nhật. Tiếp đến là có sự tư vấn của các chuyên gia giáo dục, các nhà tư vấn nghề nghiệp, rồi tham khảo ý kiến trực tiếp từ nhà tuyển dụng.

Có được nhiều lựa chọn như thế, vậy thì tại sao nhiều người cho đến khi sắp tốt nghiệp hoặc là đã tốt nghiệp mới nhận ra mình không phù hợp với ngành nghề đã chọn? Minh chứng cho điều này chính là thống kê của Bộ LĐ,TB&XH cuối năm 2019, tỷ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành là 60%. Có cách nào giải quyết bài toán này?

Chú thích ảnh
Học sinh ôn tập cho kì thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Đại Nghĩa-TTXVN

Nói về những sai lầm khi chọn nghề, GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng: “Việc chọn nghề theo sở thích mà không xét đến sở trường của bản thân là một trong những sai lầm của các em học sinh. Nhiều em chỉ chọn nghề mình thích dù không có khả năng làm tốt. Vì vậy khi chọn nghề các em cần ưu tiên sở trường trước đã”.

Ông cũng nhấn mạnh thêm: "Hãy nhớ là không ai sống và làm việc thay cho mình. Thế nên chính các em phải chọn lựa và chịu trách nhiệm về việc chọn ngành nghề, chứ không phải ba mẹ mình. Khi các em chọn ngành học, hãy nghĩ đến việc sau khi tốt nghiệp thì mình sẽ làm công việc gì, mình có khả năng đáp ứng những yêu cầu của công việc đó không. Các em đừng chọn ngành A vì ngành đó đang “hot” hoặc chọn vì bạn bè mình cũng chọn nên mình chọn theo”.

Thế còn để tốt nghiệp ra trường mà không bị thất nghiệp. Tôi nghĩ các em cũng nên tham khảo những chia sẻ của chuyên gia Nguyễn Trần Bạt trong vai trò là một doanh nhân và chủ một doanh nghiệp lớn.

Với câu hỏi: Những loại hình năng lực nào được ông ưu tiên số một khi tuyển dụng? Ông Bạt đã trả lời: “Quan sát là năng lực số một mà con người cần phải có. Thứ hai là khát vọng thay đổi. Đôi lúc người ta duy ý chí muốn biến đổi cuộc sống mà quên mất rèn luyện mình để mình biến đổi theo các đòi hỏi tự nhiên của cuộc sống. Tức là năng lực có thể thay đổi được trở thành năng lực số hai. Năng lực số ba mà tôi luôn luôn quan tâm là tính hòa hợp có thể có một cách con người, giữa đối tượng mà tôi đang định chọn với cộng đồng mà tôi đã có”.

Làm thế nào để có được những năng lực như nêu trên? Song song với quá trình học nghề, tôi cho rằng các em cần phải tìm hiểu cuộc sống và học để làm người. Có thể hiểu tức là học về đạo đức nghề nghiệp, tác phong sống phù hợp với nghề đang học, rèn luyện tính lương thiện cùng với sự trung thực - 2 phẩm chất được hầu hết các nhà tuyển dụng đánh giá cao. Có thêm được những kỹ năng này, chắc hẳn sự tự tin của các em khi tốt nghiệp sẽ tăng lên cao hơn. Kể cả là khi chưa có việc làm phù hợp thì các em cũng sẽ biết cách lắng nghe, quan sát, phân tích lại mục tiêu của mình và chờ đón cơ hội…

Chọn nghề là một việc không hề dễ dàng, vì vậy các em hãy lắng nghe bản thân, tự đánh giá năng lực, sở trường, sở thích của chính mình để xác định hướng đi cho tương lai.

Quốc Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm