Chào tuần mới: Dế Mèn tuổi 80...

21/09/2020 07:38 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta đang bước sang một tuần mới khá thú vị: Ngày hôm nay, 21/9 chính là thời điểm NXB Kim Đồng phát động “Tuần đọc Tô Hoài”, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn (27/9/1920 - 2020).

Tô Hoài: Cây bút tên tuổi của nền văn học Việt Nam

Tô Hoài: Cây bút tên tuổi của nền văn học Việt Nam

Tô Hoài là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Hơn 60 năm lao động nghệ thuật, ông đã viết hơn 150 đầu sách với nhiều thể loại, trong đó có nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài. Ông mất ngày 6/7/2014, cách đây vừa tròn 5 năm.

Nhắc tới Tô Hoài, sẽ có rất nhiều thứ để vinh danh một cây đại thụ của nền văn học Việt Nam, với 94 tuổi đời và hơn 70 năm cầm bút. Nhưng, dù là nhà văn của nhiều thời, nhiều tầng lớp và nhiều độ tuổi, chắc chắn không ít độc giả - đặc biệt là các độc giả nhỏ tuổi - vẫn chọn nhìn ông ở vị thế của một người đồng hành với thiếu nhi bằng những sáng tác của mình…

Đơn giản, gần 80 năm qua, “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài vẫn là tác phẩm gần gũi và quen thuộc của tất cả mọi thế hệ độc giả, kể từ khi bản in ra đời vào năm 1941. Đến nay, tác phẩm đã được tái bản ngót 100 lần với hàng triệu bản in ở khoảng 30 quốc gia như Nga, Pháp, Anh, Hàn Quốc, Na Uy, Thụy Điển, Nhật Bản...

Câu chuyện ấy gắn với cách so sánh rất ngộ nghĩnh của một số nhà phê bình văn học về mối quan hệ giữa Tô Hoài và “Dế mèn phiêu lưu ký”. Rằng, từ ngòi bút Tô Hoài, một chú dế đã được thả ra để chu du khắp thế giới, tìm kiếm những điều tốt đẹp cho loài người. Và, trên những chặng đường phiêu lưu tới nền văn hóa của các quốc gia khác, đến lượt Dế Mèn “Tô Hoài” lại sinh ra Tô Hoài “Dế Mèn”, một nhà văn trẻ mãi không già của Việt Nam.

***

Vậy, đâu là lý do để “Dế Mèn phiêu lưu ký” tạo ra sức hút đặc biệt đến thế?

Tô Hoài cầm bút viết “Dế Mèn phiêu lưu ký” khi mới ngoài đôi mươi. Ở độ tuổi ấy, dù tinh tế đến mấy, vốn sống của mỗi nhà văn hẳn cũng khác rất nhiều so với những gì được viết vài mươi năm sau đó. Bù lại, người viết ở giai đoạn đó chắc chắn sẽ vẫn còn giữ được rất nhiều sự trong trẻo, thuần khiết mà tạo hóa đã ban tặng cho.

Chú thích ảnh
Nhà văn Tô Hoài. Ảnh: TL

Giống như, những thông điệp được gửi gắm cùng hành trình của Dế Mèn trong cuốn sách không phải là cái gì quá xa vời hoặc cao siêu. Đó là sự trưởng thành của một chàng dế trẻ: Từ ngạo mạn đến biết yêu thương mọi người, từ bướng bỉnh đến biết trân quý tình bạn, từ ích kỷ đến biết chọn lựa cách sống cho người khác và vì người khác.

Tất cả những câu chuyện ấy cũng là câu chuyện của chính tính cách người trẻ trong từng giai đoạn phát triển. Cũng như giấc mơ về một thế giới đại đồng, hòa bình và tươi sáng ở cuối cuốn sách - dù hồn nhiên và trong trẻo đến mấy - cũng là giấc mơ đẹp nhất và vĩ đại nhất mà người trẻ có thể hình dung về thế giới xung quanh.

Và, khi chọn câu chuyện đồng thoại về loài vật, để chạm tới câu chuyện chung, chạm tới những suy nghĩ, cảm xúc của chính con người, chẳng có gì lạ khi “Dế Mèn phiêu lưu ký” thành công đến vậy. Nói như những nhà nghiên cứu văn học, thiên bẩm văn chương đã mách bảo tác giả chọn hình thức đồng thoại để chuyển tải tư tưởng của mình và mở cánh cửa đi vào thế giới nội tâm của các em.

Chú thích ảnh
Bìa cuốn "Dế Mèn phiêu lưu ký" do NXB Kim Đồng ấn hành. Ảnh: NXB Kim Đồng

Gần 80 năm và còn dài nữa về sau, Dế Mèn vẫn luôn trẻ, luôn hồn nhiên, để chúng ta nhớ rằng: Trẻ em luôn có một thế giới riêng, với những câu chuyện rất riêng, mà đôi khi, người lớn phải biết bớt lại sự tri nhận và kinh nghiệm của bản thân để có thể bước vào...

Và cũng để cho thế giới riêng của trẻ em ấy tiếp tục mở ra, Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn đã được phát động cách đây 4 tháng và sẽ kịp về đích với Lễ trao giải vào ngày 29/9 tới, đúng dịp Tết Trung thu 2020.

Anh Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm