Bút danh nửa Tây nửa ta chỉ thấy kỳ quặc

27/09/2016 18:34 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Hưởng ứng Diễn đàn văn hóa: “Tôi yêu tiếng nước tôi”, nhà văn Di Li và nhà văn Tiểu Quyên có những chia sẻ của mình về việc dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp tiếng Việt, trong việc đặt bút danh…

Nhà văn Di Li: Hà cớ gì phải dùng tiếng nước ngoài…

“Bản thân tôi là một người đã từng học qua 4 ngoại ngữ và cũng đang dạy ngoại ngữ nhưng tôi hạn chế tối đa có thể, việc đá tiếng nước ngoài vào trong văn bản hay giao tiếp thường ngày. Đơn giản chỉ vì tôi thấy rất kỳ quặc khi làm việc đó, trong lúc ta có thể sử dụng được tiếng Việt để đôi bên cùng hiểu, đôi bên cùng cảm thấy những ngôn từ mình nói ra thân thương gần gũi thì hà cớ gì mà ta phải dùng tiếng nước ngoài chen vào.


Nhà văn Di Li

Tôi cũng vô cùng yêu tiếng mẹ đẻ nên rất phản cảm khi nhìn thấy một văn bản hay một cuộc đàm thoại mà lổn nhổn hai thứ tiếng kiểu: Chị làm cho “boss” của em vô cùng “upset” vì cái “order” bên này bị “delay” liên tục (Chị làm sếp em bực mình vì đơn hàng này bị chậm chễ liên tục). 

Tuy nhiên chúng ta cũng vẫn chấp nhận sử dụng những từ ngoại lai như nhiều quốc gia Anh, Pháp, Đức vẫn tiếp nhận hàng ngày các từ ngoại lai vào ngôn ngữ mình. Đặc biệt trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay, khi mà tiếng Anh đã chiếm vị trí không nhỏ trong ngôn ngữ giao tiếp toàn thế giới thì cũng có những từ khó thay thế bằng tiếng Việt hoặc dùng từ tiếng Anh trở nên dễ hiểu và rõ nghĩa hơn tiếng Việt, thậm chí nó tô đậm sắc thái của bản thân ngữ nghĩa ấy thì chúng ta vẫn có thể chấp nhận. Ví dụ những như từ "Marketing", "PR", thì không chỉ Việt Nam mà nước nào cũng dùng. Thậm chí từ "karaoke" là không thể thay thế. Rồi từ "hot girl" tôi nghĩ cũng ở mức tạm chấp nhận được vì nó biểu cảm hơn cách dùng một từ thay thế là "cô gái nóng bỏng" hay "cô gái nổi tiếng". 

Điều này dễ hiể, vì trước đây chúng ta cũng đã chấp nhận nhiều từ ngoại lai từ tiếng Pháp, các bộ phận trên xe đạp hầu hết ta dùng từ tiếng Pháp đấy thôi, do trước đó ta chưa có xe đạp nên cũng không biết gọi tên các bộ phận đó ra sao bằng tiếng Việt và những từ này sau đó được phiên âm sang tiếng Việt dùng như bình thường trong các văn bản. Vậy thì bây giờ cũng sẽ xảy ra điều đó với tiếng Anh. Nhưng tôi vẫn nói rằng, những từ ngoại lai mà tiếng Việt không thể thay thế, hoặc nó tô đậm nghĩa hơn tiếng Việt thì cũng không có nhiều đâu và đặc biệt các văn bản chính thống nên cố gắng sử dụng những từ thuần Việt thì tiếng Việt nhờ ơn các bạn mà sẽ được giữ gìn nguyên trạng của nó”.

Nhà văn Tiểu Quyên: Bút danh nửa Tây nửa ta chỉ thấy kỳ quặc

"Có lần tôi hỏi một nhà thơ: "OK em nghĩa là gì?" khi đọc dòng tin nhắn ngắn ngủn "OK em". Tất nhiên là mối quan hệ anh em đủ thân thiết để trao nhận những tin nhắn giản tiện như thế. Tôi vốn xem đó là điều bình thường. Nhưng đó là khi chúng tôi cùng nói về việc "giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Và vì anh là nhà thơ, viết ra những tác phẩm rất hay, chữ nghĩa sống động và giàu hình tượng. Tôi bảo chúng ta có rất nhiều từ để thể hiện sự đồng ý.


Nhà văn Tiểu Quyên

Người lớn tuổi đối với người nhỏ tuổi hơn thì có thể "ừ, được rồi, đồng ý"; người nhỏ hơn thì có "vâng, dạ, được ạ". Nghe rất nhẹ nhàng, dễ chịu và cả lễ phép nữa. Tôi không bao giờ mang từ "OK" vào danh bạ ngôn từ đối thoại của mình. Những gì mình không muốn nhận thì sẽ không dùng cho người khác. 

Tôi thật sự không tưởng tượng được các bạn trẻ nói chuyện với ông bà cha mẹ trong gia đình, kiểu “ok mẹ, ok ba, oke nội, ok ngoại” thì sẽ ra làm sao nữa. Thời tôi bắt đầu cầm bút, có người tư vấn tôi nên chọn bút danh “Jolie Quyên” hay “Elisa Quyên” cho… sang. Tới giờ nhớ lại tôi cũng không thấy sang chỗ nào, chỉ thấy kỳ quặc. 

Có lẽ cùng tư duy “cho sang” nên nhiều ca sĩ trẻ (thậm chí người viết trẻ) bây giờ cứ mải mê lao theo những nghệ danh nửa Tây nửa ta. Khán giả lớn tuổi nghe tưởng người nước nào, hóa ra người Việt. Có những bài hát nhạc sĩ Việt sáng tác, ca sĩ Việt hát nhưng tựa bài lại là tiếng Anh. Một thế hệ trẻ đang được dẫn dắt bởi trào lưu “sính ngoại”, không chỉ ngôn ngữ. Một thế hệ trẻ nhìn về những giá trị truyền thống như những điều lạc hậu, lỗi thời. 

Nhưng hội nhập là tiệm cận với tri thức thế giới chứ không phải là cách chứng minh mình bằng cách “sành điệu hóa ngôn ngữ”. Học tiếng Anh để phát triển bản thân chứ không để chứng tỏ mình sang. Tôi thuộc thế hệ 8X “đời giữa”, đã bị nhiều bạn trẻ gọi là… lạc hậu vì không chịu “đồng hóa” ngôn ngữ khi nói chuyện với các bạn. (Bây giờ chẳng những tiếng Anh mà còn bị ảnh hưởng cả tiếng Hàn nữa). Trong một số trường hợp, tiếng Anh có thể dùng như từ vay mượn - nếu không có trong tiếng Việt. Nhưng “giữ gìn sự trong sáng” này, thời điểm này mà nói có lẽ chẳng dễ dàng gì". 

Thanh Kiều (thực hiện)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm