Bớt 'chém' chuyện Harvard đi!

08/12/2016 07:01 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Mấy ngày nay, mạng xã hội Việt Nam ầm ầm bàn chuyện Harvard, trường đại học danh tiếng nhất thế giới ở Mỹ. Nó bắt nguồn từ sau khi bài viết “Harvard, 4 rưỡi sáng” trích dẫn từ cuốn sách của một tác giả Trung Quốc được đăng tải.

Harvard lúc bốn rưỡi sáng ở thư viện, toàn bộ sinh viên chăm chú học tập, không một ai nói gì, cả không gian yên tĩnh và mọi người tập trung toàn bộ cho việc học. Rồi căng tin, phòng ăn của trường cũng yên tĩnh như một ngôi chùa, khi mỗi sinh viên trong phòng ăn chỉ tập trung vào học.

Những thông tin này đã tạo nên một luồng ý kiến bất tận của những cư dân mạng của một đất nước được coi là hiếu học. Các tờ báo đã phỏng vấn hàng loạt sinh viên Việt Nam theo học tại Harvard và họ đều khẳng định câu chuyện có màu sắc hư cấu.

Harvard như một biểu tượng của đỉnh cao tri thức, giáo dục, cư dân mạng của chúng ta quan tâm là điều dễ hiểu. Nhưng những ngày này, giáo dục cũng có nhiều câu chuyện nóng bỏng, ngay gần quanh ta chứ không cao xa như Harvard.


Trường đại học Harvard

Chỉ cần lên Google cụm từ “học kích hoạt não”, chưa đầy 3 giây đã có hàng triệu kết quả. Các lớp học này được quảng cáo tràn lan ở các trung tâm trên mạng.

Các em học sinh còn nhỏ tuổi sẽ được tham gia những khoá đào tạo "đặc biệt", phải bịt mắt lại sờ vào một đồ vật và đoán màu sắc. Sau khi "thày bói xem voi", bịt mắt đoán màu, các chức năng của não sẽ được cải thiện, khả năng học tập tăng lên gấp nhiều lần nhờ tối ưu hóa khả năng hoạt động của não bộ.

Việc kích hoạt não nhằm để mở "giác quan thứ 6" của trẻ. Cha mẹ các em được đưa vào những mê cung ảo tưởng của những ngôn từ hoa mỹ như "giáo dục sớm", "phát lộ thiên tài". Bất chấp khuyến cáo từ cơ quan chức năng, nhiều người ồ ạt cho con theo học.

Hay chuyện nóng mới đây, Bộ GD&ĐT công bố, hơn 190 nghìn người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp. Số người thất nghiệp có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp là hơn 118 nghìn người, 10 nghìn người có trình độ cao đẳng nghề, hàng chục vạn người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, sơ cấp nghề... cùng chung cảnh ngộ.

Gần hơn nữa là chuyện trong tiết dạy của mình, một cô giáo đã dùng băng dính dán vào miệng 6 em học sinh mất trật tự. Cô giáo đã gọi điện cho từng gia đình học sinh mà mình dán băng dính vào miệng để nhận lỗi.

Đồng thời, cô cũng làm đơn gửi ban giám hiệu nhà trường xin thôi thử việc để có thời gian tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, học hỏi thêm kinh nghiệm giảng dạy và suy nghĩ về hành động của mình.

Một câu chuyện thể hiện phương pháp giáo dục non nớt và cả sự bế tắc.

***

Nóng hơn nữa là chuyện người ta phản ứng khủng khiếp với một bạn hỏi về mức lương 2.000 USD.

Rất nhiều chì chiết và răn dạy cô gái, cho rằng cô nên nghĩ đến việc tạo ra giá trị trước rồi hãy đòi hỏi. Bất chấp thực tế, đó là một câu hỏi rất hay, đi thẳng vào vấn đề mà phần đông thường tránh né. Không hiểu vì sao và từ bao giờ, có một nếp nghĩ rằng, khi sinh viên ra trường đi làm đừng đòi hỏi đãi ngộ, lương thưởng.

Chỉ là câu hỏi lương 2.000USD mà ít ai dám thể hiện trong một cuộc đối thoại trực tiếp. Thậm chí sỉ vả, moi móc người dám nói ra. Nhưng khi lên mạng, họ lập tức thành những người “giải cứu thế giới” hay trở thành những doanh nhân triệu đô hoặc có thể ầm ầm chém gió về chuyện học ở Harvard.

Chỉ tiếc, chẳng mấy ai bàn chuyện thế nào để không thất nghiệp khi ra trường, hay làm sao kiếm được khoảng 200 USD/tháng, vốn cũng cao hơn rất nhiều mức lương hệ số 2,34 với 2,8 triệu đồng của cử nhân mới ra trường.

Nói để người khác lắng nghe và hoàn thiện lúc nào cũng khó hơn việc chém gió dìm người khác xuống để cảm thấy mình không quá lùn.

Thảo Vy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm