Ai mới phải xấu hổ?

23/11/2016 06:42 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Buồn, tức giận, xấu hổ, nhưng không thất vọng, không ngạc nhiên... Đó là chia sẻ của Benjamin một người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam, khi anh chứng kiến và ghi lại chùm ảnh về việc đống rác thải gồm bao cao su, băng vệ sinh, kim tiêm... nổi lềnh phềnh tại một góc hồ Linh Đàm (Hà Nội) sáng hôm qua (22/11).

Chùm ảnh của anh sau đó đã gây "bão mạng". Các lực lượng chức năng cũng nhanh chóng có mặt tại hiện trường để dọn dẹp hiện trường.

Hẳn nhiên, mặt hồ sẽ chóng trở về sạch sẽ, song những chia sẻ của Benjamin khiến chúng ta thấy thêm nhiều điều suy nghĩ về câu chuyện này.

Benjamin trao đổi với người viết ngay khi chùm ảnh về hồ Linh Đàm của anh đăng tải trên mạng xã hội: Tôi đi dọc công viên Linh Đàm hàng ngày, ngày nào cũng có nhiều rác. Người già vứt quả cầu, bao thuốc lá, điếu thuốc lá, giấy vệ sinh; trẻ con vứt hộp sữa; thiếu niên vứt hộp trà sữa, chai nước ngọt, túi đựng fast food, gói kẹo cao su; người mẹ vứt bỉm, quần bẩn, hộp sữa. Nên tôi không ngạc nhiên về cảnh tượng sáng nay.


Một góc hồ Linh Đàm đầy bao cao su, băng vệ sinh, kim tiêm...

Theo thông tin ban đầu, việc một góc hồ Linh Đàm đầy bao cao su, băng vệ sinh, kim tiêm... sáng qua là hiện tượng lần đầu xuất hiện. Tuy nhiên, "rác" ý thức đã tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người dân từ rất lâu. Những thứ "rác" này tồn tại trong từng hoạt động nhỏ nhất, tại mọi thời điểm, ở mọi lứa tuổi như Benjamin đã chia sẻ.

Benjamin không lạ lẫm với rác và cảnh xả rác ở Hà Nội. Benjamin đã nhặt rác ở công viên Linh Đàm ngày qua ngày gần chục năm nay. Anh chia sẻ, trong suốt quá trình ấy, anh đã nhắc những người già, đã "dọa" những đứa trẻ... vứt rác. Nhưng "giang sơn dễ đổi..." (nguyên chữ dùng của Benjamin).

Benjamin chia sẻ thêm với người viết: "Tôi nghĩ, tôi chỉ làm cho đỡ xấu hổ. Nếu tôi tới công viên miễn phí mà không bảo vệ và dọn rác cho nó thì tôi cảm thấy xấu hổ với bản thân".         

Tức là, Benjamin dọn rác vì nhu cầu tự thân. Dọn rác bởi anh cảm thấy xấu hổ với chính mình. Dọn rác để cảm thấy mình không có lỗi với nơi mà mình sinh sống. Dọn rác rồi khản cổ kêu gọi những người xung quanh không xả rác!

Và, trong buổi sáng qua, có lẽ, anh đã không thể làm gì với khối lượng rác khổng lồ. Song, anh vẫn thấy "xấu hổ" và thực hiện một chùm ảnh, rồi  nhờ phóng viên Thể thao & Văn hóa chia sẻ để nhiều người chung tay. Và anh đã thành công khi biến nỗi xấu hổ từ bản thân mình thành hành động và lan tỏa tới nhiều người.

***

Những người khó tính sẽ cho rằng, Benjamin "rỗi hơi" và anh không làm thì "việc gì phải xấu hổ". Điều này không đúng. Bởi, việc xấu hổ vì môi trường và cộng đồng mình đang chung sống và hành động vì nó là nhu cầu tự thân, là phẩm giá của những người đang gắng giữ gìn sự tử tế.

Tôi vẫn nhớ mãi câu chuyện ông Nguyễn Văn Minh, người hơn 10 năm bóc biển quảng cáo ở đường Nguyễn Trãi (Hà Nội). Ông chia sẻ về động cơ làm việc này: Trong một lần xem TV,  tôi thấy một du khách nước ngoài phát biểu rằng họ rất thích Hà Nội song rác từ lòng đường tới bờ tường khiến họ ngán ngẩm. Tôi nghe mà đau, mà nhục! Hà Nội yên ả thanh sạch, niềm tự hào của tôi nay đã bị coi là mớ hổ lốn. Và lời nhận định của người du khách nước ngoài ấy là đúng.”

Và từ đó, ông Minh bắt đầu hành trình 12 km mỗi ngày bóc biển quảng cáo rao vặt quanh nơi mình sống. Trong hơn 10 năm, ông âm thầm làm việc tử tế với tổng quãng đường 4 vạn cây số.

Hành trình tử tế xuất phát từ sự xấu hổ của ông Minh đã dài hơn chiều dài của mảnh đất hình chữ S.

Trở lại với câu hỏi: Ai mới phải xấu hổ?

Từ chuyện Benjamin, ông Minh, rõ ràng, chừng nào trên đường còn một cọng rác, chừng đó, tất cả chúng ta đều nên xấu hổ. Xấu hổ với bản thân vì đã không làm tốt hơn. Xấu hổ với cộng đồng bởi chúng ta vẫn đóng góp, lên tiếng nhưng chưa đủ. Xấu hổ với nơi ta sống vì đáng lẽ, nó sẽ xanh đẹp hơn từ những việc làm nhỏ nhất của mỗi chúng ta và những người xung quanh...

Hay nói như ông Minh, "định nghĩa tử tế đơn giản thôi: Tử tế là biết nhục!"

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm