Chiến thắng của nữ quyền!

06/08/2011 11:17 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Thái Lan vừa đón nữ Thủ tướng đầu tiên của nước này, bà Yingluck Shinawatra, 44 tuổi. Sự vươn lên của Yingluck, được đánh giá là do có sự hậu thuẫn từ người anh trai Thaksin và thương hiệu của gia đình Shinawatra. Nhưng một số nhà phân tích cho rằng nó cũng là dấu hiệu về sự vươn lên của nữ quyền trong nền chính trị châu Á.

“Hãy đi những bước nhỏ, duyên dáng, khi ra ngoài đường. Đừng đưa tay vung vẩy hay để bộ ngực nẩy lên khi bước đi. Khi nói chuyện, đừng lên giọng hay làm phật lòng người đối thoại với mình". Đó là những hướng dẫn về cách hành xử mà Sunthorn Phu, một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất Thái Lan, dành cho phụ nữ Thái trong tác phẩm Suphaasit sorn ying (Các nguyên tắc cơ bản trong cách hành xử của một quý bà".

Gia nhập hàng ngũ các nữ chính khách nổi tiếng

Nhà thơ được một số người mệnh danh là "Shakespeare của Thái Lan" đã qua đời hồi năm 1855, nhưng các tác phẩm của ông vẫn được người ta đọc tới tận ngày nay.

Trở lại thời hiện tại, trong khi những quan niệm khắt khe như vậy vẫn còn tồn tại ở một mức độ nào đó trong xã hội Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này đã có sự kiện mang tính bước ngoặt khi chào đón nữ Thủ tướng đầu tiên, bà Yingluck Shinawatra. Bà đã được Quốc hội Thái Lan chính thức bỏ phiếu lựa chọn hôm 5/8, khoảng 5 năm sau khi anh trai Thaksin bị quân đội lật đổ.

Sự kiện bà Yingluck được bầu làm Thủ tướng, về khía cạnh nào đó đã cho thấy
phụ nữ đang vươn lên trong lĩnh vực chính trị ở châu Á.

Sự kiện này cũng đưa Yingluck gia nhập hàng ngũ rất nhiều phụ nữ châu Á đã tham gia chính trị và nắm giữ những cương vị lãnh đạo cao cấp. Có thể kể ra trường hợp của nữ Thủ tướng Sri Lanka Sirimavo Bandaranaike. Năm 1959, chồng bà và là Thủ tướng Sri Lanka, ông Solomon Bandaranaike bị ám sát. Bà Sirimavo Bandaranaike, khi đó là nghị sĩ, đã lên ngồi thay chiếc ghế của chồng, qua đó không chỉ là nữ Thủ tướng đầu tiên của quốc gia Nam Á mà còn là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới nắm giữ vai trò này.

Hơn hai thập kỷ sau, vào năm 1986, bà Corazon Aquino khiến tất cả phải chú ý khi trở thành Tổng thống thứ 11 của Philippines và là người phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ này. Giống với Bandaranaike, bà Aquino tham gia chính trị khi chồng bà, thượng nghị sĩ Benigno Aquino bị ám sát hồi năm 1983.

Còn tại Ấn Độ, bà Indira Gandhi kế thừa truyền thống lãnh đạo đất nước của gia đình từ người cha, ông Jawaharlal Nehru. Tương tự là bà Benazir Bhutto ở Pakistan và bà Megawati Sukarnoputri ở Indonesia. Hồi năm 2001, tới lượt bà Gloria Macapagal Arroyo lên nắm quyền Tổng thống ở Philippines, sau thời gian làm Phó Tổng thống.

Thăng tiến nhờ mối quan hệ gia đình?

Giới phân tích nói rằng sự thành công của các cá nhân này có một điểm rất chung: họ có mối quan hệ gia đình rất vững mạnh với nhiều người đàn ông quyền lực. Như trong trường hợp của Arroyo, cha bà chính là Tổng thống Diosdado Macapagal. Còn ở trường hợp Yingluck, người ta thường nhắc tới vai trò của người anh trai Thaksin Shinawatra.

Dù tới từ một gia đình chính trị danh giá, Yingluck hoàn toàn không có kinh nghiệm chính trị khi bắt đầu tham gia chiến dịch tranh cử và tới cách đây vài tháng, bà vẫn gần như là một người vô danh. Phần lớn sự nghiệp của Yingluck liên quan tới hoạt động kinh doanh.

Khi tổ chức cuộc họp báo đầu tiên, bà vẫn nói cứng: "Cha tôi là một chính trị gia, cũng như các anh tôi. Vì thế tôi am hiểu về chính trị từ khi chỉ còn là đứa trẻ".

Thực tế thì cả nhiều người chỉ trích và ủng hộ Yingluck đều chỉ ra rằng việc bà được bầu không phải do giới tính mà vì là em của Thaksin. Ông là nhân vật trung tâm trong cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại Thái Lan. Người hâm mộ tôn thờ Thaksin trong khi kẻ thù căm ghét ông.

Paul Chambers, một nhà nghiên cứu ở Đại học Payap tại Chiang Mai, Thái Lan, nói rằng theo truyền thống, phụ nữ thường không nắm các vị trí lãnh đạo chính trị tại khu vực đề cao nam giới và văn hóa gia trưởng như châu Á. Nhưng các gia đình giàu có và nhiều ảnh hưởng ở khu vực này đã biết cách nắm lấy quyền lãnh đạo của các đảng phái chính trị còn non nớt, qua đó tạo cơ hội cho phụ nữ lên nắm quyền, như một sự lựa chọn cuối cùng.

"Mối liên hệ về mặt di truyền rất quan trọng vì các lãnh đạo những đảng này thường chỉ tin tưởng họ hàng thân thuộc và dựa vào họ để giữ quyền lãnh đạo đảng trong nội bộ gia đình. Khi không còn ứng cử viên nào là nam giới, họ mới dùng tới người thân là nữ giới" - ông đánh giá

Xu thế tăng lên của nữ quyền ở châu Á

Giới phân tích cho rằng ngoài mối liên hệ với Thaksin, Yingluck còn nhận được sự ủng hộ của các cử tri vì sự khác biệt mà bà đem lại từ giới tính, sự trẻ trung và vẻ ngoài ưa nhìn.

Tuy nhiên, giáo sư Bridget Welsh, một chuyên gia khoa học chính trị tại Đại học Quản lý Singapore, đã cho rằng để chứng tỏ mình lên nắm quyền bằng thực lực, bà Yingluck sẽ sớm phải thể hiện năng lực lãnh đạo.

Bà phải chứng tỏ khả năng vận hành Chính phủ mới mà không cần có sự can thiệp hay chỉ đạo từ Thaksin, không phải cái bóng hay một người thừa hành từ xa những tham vọng chính trị của ông. Bà cũng phải thực hiện những lời hứa cam kết nâng mức lương tối thiểu lên 300 baht/ngày (khoảng 10 USD), cung cấp máy tính miễn phí cho các trường học và hỗ trợ giá nông sản cho nông dân.

Cuối cùng, bà cũng phải tìm cách khuyếch trương nữ quyền ở Thái Lan, nơi nữ giới mới chỉ chiếm 13% số ghế tại hạ viện trong cuộc bầu cử hồi năm 2007. Theo Liên minh Nghị viện (IPU) đây là một con số khá thấp bởi tỉ lệ trung bình nữ giới trong quốc hội thế giới là 19,5% và ở châu Á là 18,3%.

Giới phân tích nói rằng nữ giới hiện đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong chính trường châu Á và việc bà Yingluck trở thành Thủ tướng, xét theo khía cạnh nào đó đã cho thấy một phần xu hướng này.

"Sau khi đã chứng kiến nhiều nữ lãnh đạo lên nắm quyền, cử tri châu Á sẽ ngày càng dễ dàng chấp nhận các nữ chính trị gia. Vì thế tương lai đang dần trở nên chín muồi cho sự hiện diện của một lượng lớn hơn các nữ chính khách trong nền chính trị châu Á" - Chambers đánh giá.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm