Hội nghị Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri về phát triển thể lực, tầm vóc thế hệ trẻ Việt Nam: Thanh niên Việt Nam chậm phát triển chiều cao

05/02/2015 06:21 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Làm thế nào để cải thiện được tầm vóc, thể lực thế hệ trẻ trong những năm tới đây để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam?

Vấn đề này được đặt ra với sự với sự quan tâm của nhiều cử tri, chuyên gia và nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau tại hội nghị Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri về phát triển thể lực, tầm vóc thế hệ trẻ Việt Nam diễn ra vào sáng qua (4/2) tại Hà Nội.

Chiều cao và thể trọng chậm tăng qua 30 năm

Theo những số liệu từ năm 2010 mà PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng - Bộ Y tế, đưa ra dựa trên các nghiên cứu nhân trắc thể lực người Việt Nam, chiều cao, cân nặng trung bình của người trưởng thành đạt mức 164,4 cm - 54,2kg đối với nam và 153,4 - 46kg cm đối với nữ.

Trong suốt 30 năm gần đây, kể từ năm 1985, người trưởng thành Việt Nam chỉ tăng thêm 4,6cm - 3,6kg ở nam và 3cm - 1,2kg ở nữ. Còn giai đoạn từ năm 1938 đến 1985 không nhận thấy các biểu hiện gia tăng về tầm vóc, thể lực người trưởng thành.   

Còn theo số liệu của GS.TS Dương Nghiệp Chí, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học TDTT, chiều cao thân thể trung bình của một thanh niên 17 tuổi ở năm 2014 là 166cm đối với nam và 156cm đối với nữ. Và điều đáng lo ngại nhất theo ông Chí, tầm vóc phát triển chậm và thể lực sa sút đang là thực trạng ở thế hệ trẻ Việt Nam.

Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến tầm vóc thể lực, tầm vóc con người như dinh dưỡng (khoảng 31%), di truyền (23%), tập luyện thể dục thể thao (20%), môi trường và tâm lý (16%) và phần còn lại là các nhân tố khác.

Dưới góc độ về thể chất, GS.TS Dương Nghiệp Chí cho rằng: “Đại đa số học sinh không được tác động đồng thời về chăm sóc dinh dưỡng đúng cách và luyện tập TDTT vừa sức. Các nghiên cứu của Nhật Bản cho biết, dinh dưỡng và TDTT như 2 bánh xe đưa cỗ xe cơ thể phát triển.

Con người đói vận động thì không thể tăng cường hoạt động của kích tố tăng trưởng GH, không thể kích thích tế bào hệ xương và hạn chế sự phát triển bình thường của chiều cao thân thể, ảnh hưởng xấu tới thể lực và sức khỏe chung”.

Nạn đói tiềm ẩn & sự yếu kém của thể thao học đường

Từ ý kiến của các chuyên gia, chúng ta đã hiểu rõ hơn vì sao việc tầm vóc, thể lực người trưởng thành Việt Nam hiện đang thấp hơn rất nhiều quốc gia trên thế giới. So sánh với một số quốc gia phát triển ở châu Á, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam hiện thấp hơn 10cm so với thanh niên Hàn Quốc và 8cm so với thanh niên Nhật Bản.

PGS.TS Lê Bạch Mai nhắc đến thuật ngữ “nạn đói tiềm ẩn” trong bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam, đó là tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng và đặc biệt là tình trạng thiếu vi chất gồm vitamin A, sắt, kẽm, iode và canxi trong khẩu phần ăn. “Mức tiêu thụ gạo, khoai củ đã có xu hướng giảm và mức tiêu thụ thịt, chất béo, quả chín có xu hướng tăng trong khẩu phần ăn hàng ngày của người Việt. Tuy nhiên, điều quan trọng để cơ thể phát triển hài hòa là sự cân đối trong khẩu phần và đầy đủ vi chất. Không thể tăng năng lượng khẩu phần lên nhằm mục đích tăng chiều cao, cân nặng”, theo lời của PGS.TS Lê Bạch Mai.

Bên cạnh đó, rất nhiều các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và các nhà quản lý đều cho rằng, công tác giáo dục thể chất hiện còn nhiều bất cập và chưa có một chế độ vận động thích hợp, hiệu quả cho lứa tuổi học đường.

GS.TS Lê Văn Lẫm, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT I, cho rằng, phong trào thể thao trường học còn yếu kém và thời lượng, chất lượng các tiết học giáo dục thể chất quá thấp, nhiều trường học còn thiếu cơ sơ vật chất cho việc tập luyện TDTT cho học sinh.

Giáo dục thể chất chưa nhận được sự quan tâm đúng mức và sự đánh giá tương xứng như một môn học so với nhiều môn khác trong chương trình đào tạo các cấp học. Về vấn đề này, TS Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh-Sinh viên - Bộ Giáo dục & Đào tạo, đơn cử một ví dụ, hiện tại có những trường chỉ có từ 15-20 giáo viên thể dục dù có hơn 10.000 sinh viên và điều này đủ cho thấy những bất cập rất lớn trong công tác giáo dục thể chất.

1 thập kỷ chỉ cao thêm 1cm

PGS.TS Lê Bạch Mai cho biết: “Trước đây do hoàn cảnh khó khăn chung, khẩu phần ăn hàng ngày của nhiều gia đình thiếu về số lượng và mất cân đối về chất lượng, điều này đã kìm hãm sự phát triển về tầm vóc. Trong 3 thập kỷ vừa qua, đời sống người dân được nâng cao hơn và hiểu biết hơn các kiến thức về dinh dưỡng nên chất lượng bữa ăn cũng được cải thiện, nhưng tốc độ tăng trưởng chiều cao còn thấp, chỉ vào khoảng 1cm /1 thập kỷ”.


Vũ Lê
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm