Dấu ấn những môn thể thao Olympic

04/10/2014 14:14 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay, ASIAD 17 sẽ chính thức khép lại tại Incheon (Hàn Quốc). Nhân dịp này, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 Tổng cục TDTT, nguyên trưởng đoàn thể thao Việt Nam, đã có bài viết gửi Thể thao & Văn hóa để phân tích lại hành trình của thể thao Việt Nam ở ASIAD 17. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

ASIAD kết thúc rồi! 4 năm trước, khi ASIAD 16 ở Quảng Đông kết thúc với nỗi buồn chỉ có 1 HCV, những người có trách nhiệm của thể thao Việt Nam (TTVN) đã nêu câu hỏi: TTVN phải làm gì để thành công ở Incheon?

Nay ở Incheon cũng đã xong với 1 HCV. Giờ đây lại rộ lên những lời bàn TTVN sẽ phải làm gì để vươn lên đấu trường châu lục?

Các nhà lãnh đạo, quản lý ngành thể thao và cao hơn là Bộ VH, TT&DL lại phải bàn và tự trả lời thôi. Với tư cách là người đồng hành lâu năm của TTVN, tôi xin phép được luận “dăm câu, ba điều”.

1. Những người yêu mến TTVN đều vui mừng và thấy ấm lòng trước những  tiến bộ và thành công bước đầu của các môn thể thao trong chương trình thi đấu Olympic. Đó là TDDC, xe đạp, bơi, cử tạ, boxing, đấu kiếm, bắn súng, điền kinh, thuyền rowing… Có những môn thể thao Olympic cơ bản, truyền thống đã phát triển ở trình độ rất cao qua nhiều thập kỷ, việc giành huy chương là khó lắm, vậy mà VĐV của Việt Nam đã làm được.

Lần đầu tiên TDDC có huy chương của Hà Thanh, Đặng Nam, Phương Thành. Lần đầu tiên có huy chương môn đấu kiếm (Tiến Nhật - đồng đội nam), boxing nữ (Lê Thị Bằng - Lừu Thị Duyên), lần đầu tiên Việt Nam có VĐV phá kỷ lục ASIAD (Thạch Kim Tuấn môn cử tạ). Lần đầu tiên bơi lội có huy chương (Ánh Viên - 2 HCĐ), lần đầu tiên xe đạp nữ có HCB… Lần đầu tiên bóng đá nữ giành vị trí trong tốp 4 hạng đầu và bóng đá nam vào đến vòng 1/8….

Điền kinh, bắn súng, thuyền rowing tuy không ở ngôi cao nhất nhưng vẫn thể hiện được truyền thống vươn lên đỉnh cao ở ASIAD: 2 HCB của Quách Thị Lan và Bùi Thu Thảo, 2 HCB và nhiều HCĐ của bắn súng, HCB, HCĐ của thuyền rowing…

Trong tổng số huy chương đoàn TTVN đạt được là 35 (1 HCV, 10 HCB, 25 HCĐ), VĐV các môn trong chương trình Olympic đã chiếm 2/3. Các môn võ thuật (wushu, karatedo, taekwondo) vẫn mang về cho TTVN 1/3 số huy chương quý giá nhưng các môn võ đã không còn là "cứu cánh" cho TTVN.

Hiện tượng “chuyển dịch” huy chương này mới xem qua tưởng chừng như không nói lên điều gì nhưng thực chất nó là hiệu quả tích cực ban đầu của những chuyển hướng đầu tư quan trọng của ngành thể thao.

Sau thất bại ở Olympic London 2012, các nhà quản lý thể thao đã có thái độ cầu thị và cách nhìn khách quan hơn về thực trạng của thể thao thành tích cao Việt Nam. Hội nghị khoa học “Thể thao Việt Nam - tầm nhìn Olympic” và các Hội nghị khác của các nhà quản lý đã hướng sự đầu tư cho một số môn thể thao Olympic trọng tâm và và khoảng 50 - 60 VĐV trẻ ưu tú trọng điểm.

Năm 2013 và từ đầu năm 2014 đã gia tăng mức độ đầu tư cho bơi (Ánh Viên), cử tạ (Thạch Kim Tuấn), đội TDDC, đội bắn súng, đội điền kinh, đội thuyền rowing, đội taekwondo, karatedo…

Đó là những chuyển dịch tích cực và mang lại hiệu quả ban đầu. Thế nhưng VĐV của chúng ta vẫn không giành được HCV. Thật là dễ hiểu điều này: trình độ VĐV Việt Nam chưa đủ mức vượt trội trên đối thủ. Vì các đối thủ đều có tài năng rất cao. Vì thời gian chuyển hướng đầu tư còn quá ngắn nên chưa kịp nâng cao tài năng cho VĐV….

2. Nên nhìn nhận như thế nào về chỉ tiêu huy chương? Trước mỗi một “chiến dịch” lớn - ASIAD chẳng hạn - người ta hay đặt ra chỉ tiêu: số lượng huy chương và vị trí xếp hạng. Đạt hoặc vượt số lượng huy chương hoặc vị trí thì được đánh giá là thành công (hay hoàn thành xuất sắc). Không đạt được chỉ tiêu thì giới truyền thông, báo chí cho là thất bại còn giới chức quản lý thì “uyển chuyển” hơn: mặc dù nỗ lực cố gắng nhưng chưa đạt được mong muốn!?

Thực ra việc xác định chỉ tiêu bao giờ cũng cần phải có thái độ khách quan. Phải đánh giá được đối thủ và trình độ VĐV của ta, mức độ phức tạp, cam go và khốc liệt của cuộc đấu, trọng tài và các mối quan hệ…

Việc ấy chỉ có HLV, đặc biệt là HLV trưởng và các trưởng bộ môn nắm vững. Vì vậy cần tôn trọng ý kiến đặt ra chỉ tiêu của họ. Các nhà quản lý cấp cao không có điều kiện nắm vững việc này nên nêu yêu cầu chỉ tiêu thường là chủ quan áp đặt.

TTVN thường mắc sai lầm khi xác định chỉ tiêu: ở ASIAD Doha, đoàn TTVN xác định giành 2-3 HCV, nhưng lãnh đạo cấp cao yêu cầu 4-6 HCV! Ở ASIAD Quảng Châu lại yêu cầu 5-6 HCV (kết quả đạt 1 HCV); trong chiến lược thể thao ghi: giành 4 - 6 HCV và xếp hạng 13-15 tại ASIAD 2014. Phấn đấu có 30 VĐV vượt qua vòng loại và có huy chương ở Olympic London 2012…

Tất cả các chỉ tiêu đó là do chủ quan và thực tế đã không đạt được. Lần ASIAD này đã kịp thời điều chỉnh chỉ tiêu giành 2-3 HCV và đứng trong khoảng 20 vị trí đầu. Vậy mà VĐV ta vẫn chưa đạt được. Không nên coi việc không đạt được chỉ tiêu là một thất bại vì việc xác định chỉ tiêu chỉ là dự kiến, dự báo thôi!

Cũng không nên cho rằng: cử tạ, bắn súng, TDDC, điền kinh, taekwondo, karatedo với những Ánh Viên, Thạch Kim Tiến, Phan Thị Hà Thanh, Hoàng Ngân là phải có HCV, vì đó chỉ là hy vọng, kỳ vọng và lòng mong muốn thôi.

Nhiều VĐV tham gia tập luyện thể thao thành tích cao từ nhỏ (khi mới 5, 6 tuổi) trải qua 10 năm, 15 năm thậm chí 20 năm mới giành được huy chương châu lục. Họ đã có thời vô địch quốc gia nhiều lần, vô địch SEA Games, vô địch thế giới, châu lục; họ được gọi là ngôi sao, là nữ hoàng, là cô gái vàng…

Bây giờ vì tuổi tác, vì chấn thương, vì đối thủ mạnh họ không còn là số 1 được nữa. Họ là Tiến Minh (cầu lông), Vũ Thị Hương (điền kinh), Xuân Vinh (bắn súng), Hoàng Ngân (karatedo), Trọng Cường (taekwondo)… và rất nhiều người khác…

Những người yêu thể thao và đặc biệt là giới truyền thông xin hãy đồng hành, cảm thông và chia sẻ với họ. Cũng không nên nặng lời “thảm họa”, “trắng tay” với họ. Cần có một cách ứng xử hợp lý, chia sẻ cảm thông với họ không phải chỉ vì họ mà còn vì các thế hệ VĐV trẻ khác đang đi theo con đường của họ - con đường phục vụ cho TTVN.

3. TTVN đã khép lại một kỳ ASIAD không thành công như mong muốn nhưng lại mở ra hướng đi sáng sủa, hợp quy luật và dự báo sự phát triển trong tương lai gần. Nhiều môn thể thao Olympic đã có những VĐV vươn lên tầm châu lục và thế giới, trong đó có những VĐV trẻ có khả năng tranh chấp huy chương ở Olympic 2016 và xa hơn là ASIAD 2018.

Đó là Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Ánh Viên (bơi), Quách Thị Lan, Thu Thảo (điền kinh), VĐV các đội TDDC, bắn súng, rowing, xe đạp… Các VĐV của Thủ đô Hà Nội, TP.HCM, Quân đội, Công an và của các tỉnh thành tiến bộ và có được trình độ cao là phải nhờ sự quan tâm đầu tư của Thành ủy, UBND, HĐND, của Bộ Quốc phòng.

VĐV Lừu Thị Duyên (boxing - Lào Cai) có huy chương ASIAD là phải có sự quan tâm của lãnh đạo Lào Cai và cá nhân Bí thư Tỉnh ủy Bùi Quang Vinh, VĐV Quách Thị Lan (điền kinh - Thanh Hóa, HCB 400m nữ) trưởng thành là phải có sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trong đó có vai trò cá nhân của Chủ tịch Trịnh Văn Chiến và Phó Chủ tịch Vương Văn Việt.

TTVN muốn vươn cao cần phải có sự quan tâm của Chính phủ. Thể thao thành tích cao cần phải tuân theo một quy luật khắc nghiệt: tuyển chọn tài năng, huấn luyện theo hệ thống nhiều năm, chăm sóc dinh dưỡng, y học hồi phục và chữa trị chấn thương, tập huấn và thi đấu, ứng dụng khoa học công nghệ… và đầu tư tốn kém.

Không đầu tư cao không có thành tích như mong muốn như ông Lâm Quang Thanh, trưởng đoàn TTVN tại ASIAD 2014, nói: “Chúng ta đã có đầu tư nhưng các nước khác họ đầu tư cao hơn”.

Khả năng VĐV Việt Nam là có, tài năng trẻ có nhiều nhưng để biến khả năng, tài năng thành các nhà vô địch ASIAD và Olympic thì phải chọn hướng đi đúng và đầu tư cao. Việc này phụ thuộc vào các nhà quản lý và điều hành của TTVN.

Thống kê huy chương của đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 17

HCV: Dương Thúy Vi (wushu)

HCB: Nguyễn Hoàng Ngân (karate), Bùi Trường Giang (wushu), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Đặng Hồng Hà – Nguyễn Thị Lệ Quyên (bắn súng), Nguyễn Hoàng Phương (bắn súng), Phạm Thị Huế - Phạm Thị Thảo – Phạm Thị Hài – Lê Thị An (đua thuyền), Phan Thị Hà Thanh (TDDC), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Quách Thị Lan, Bùi Thị Thu Thảo (điền kinh).

HCĐ: Nguyễn Thanh Duy (karate), Lê Thị Bằng, Lừu Thị Duyên (boxing), Nguyễn Tiến Nhật (kiếm chém), Nguyễn Phước Đến - Phạm Hùng Dương - Nguyễn Tiến Nhật – Trương Trần Nhật Minh (đồng đội kiếm chém), Đinh Phương Thành, Đặng Nam, Phan Thị Hà Thanh (TDDC), Tạ Thanh Huyền, đồng đội thuyền bốn người (rowing), Dương Thị Xuyến – Lê Thị Tâm – Nguyễn Thị Quyên/cầu mây đội tuyển, 25m súng ngắn ổ quay đồng đội, 50m đồng đội súng ngắn hơi nam, 25m súng ngắn hơi nam, 10m súng trường hơi di động nam/nữ, Ánh Viên: 200m ngửa/ 400m hỗn hợp, Phạm Thu Hiền, Hà Thị Nguyên (taekwondo), Nguyễn Thanh Tùng/ Nguyễn Mạnh Quyền/ Ngô Văn Sỹ/ Tần Thị Ly (wushu).


Nguyễn Hồng Minh (Nguyên Trưởng đoàn TTVN)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm