'Đạo đức không phải là sách vở'

07/01/2014 08:51 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi đăng bài Nên miễn thi cho học sinh có hành động cao đẹp! (số báo ra ngày 4/1/2014), TT&VH tiếp tục nhận được ý kiến của các nhà giáo dục và chuyên gia xung quanh vấn đề tạo dựng nhân cách cho học sinh trên ghế nhà trường.

“Đạo đức dựa vào hành vi chứ không chỉ là sách vở. Lý thuyết môn “Đạo đức” trả bài vanh vách trên lớp nhưng ra đường vẫn xả rác, hôi của, vô cảm, thì trả bài để làm gì!” - đó là chia sẻ của Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên khoa Tâm lý Giáo dục, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Thầy giáo “hot boy” này cũng là tác giả của loạt clip giáo dục “Tháo gỡ chuyện khó đỡ” được đông đảo các bạn trẻ đón nhận.

Môn Giáo dục công dân đang phải xây “lâu đài trên cát”

* Thầy nghĩ sao về tính hiệu quả của môn Giáo dục công dân (giờ là môn Đạo đức) tại nhà trường hiện nay?

- Hai chức năng chính của nhà trường là dạy học - để phát triển trí tuệ và giáo dục – để phát triển đạo đức. Là một trong hai mảng quan trọng trong nhân cách, tuy nhiên đạo đức lại được giao chủ yếu cho môn Giáo dục công dân (giờ là môn Đạo đức). Điều này thật sự là một nhiệm vụ quá tải cho môn học này.

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

Trong khi đó, có lẽ tất cả chúng ta đều biết một sự thật rằng: ngay cả học sinh và giáo viên đều xem Giáo dục công dân là môn phụ, là một đứa “con ghẻ”, có cũng được, không có cũng không sao.

Nội dung của môn là tốt, tuy nhiên mỗi bài học chỉ lặp lại một hoặc vài lần, trong vòng vài mươi phút. Trong khi giáo dục đạo đức là phải tác động thường xuyên, liên tục để nó ăn sâu vào tính cách, ăn sâu vào lối sống của học sinh. Một nhà giáo dục đã từng nói: Giáo dục đạo đức cho học sinh mà không hình thành thói quen cũng như xây lâu đài trên cát. Và với thời lượng hiện tại thì môn Giáo dục công dân đang phải xây lâu đài trên cát.

Ngoài ra, phương pháp dạy đạo đức hoàn toàn không giống như dạy những khái niệm, công thức, định luật… Việc giảng giải thuyết trình bài giảng trên lớp mà thiếu bóng dáng của thực tế sẽ khiến cho môn Giáo dục công dân trở nên khô khan, khó nuốt, thì nói gì đến việc  đánh động vào trái tim người học và ăn sâu vào trong lối sống.

Tóm lại, Giáo dục công dân đang hầu như không thể tải nổi kỳ vọng của xã hội trong việc giáo dục đạo đức cho giới trẻ.


Việc tạo dựng nhân cách học sinh chủ yếu được giao cho môn Giáo dục công dân (Ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: TTXVN

*Hiện nay, những câu chuyện buồn về ứng xử như "hôi bia", "hoa tặc"... đang làm con người mà đặc biệt là các em học sinh đang mất dần niềm tin vào những cái thiện, cái tốt. Trong khi đó, những tấm gương, điển hình tốt vẫn tồn tại. Thầy có nghĩ, từ truyền thông tới giáo dục, ta nên nhấn mạnh hơn vào những tấm gương sáng ấy thay vì nêu những giáo điều khô cứng?

- Thị hiếu thực tế là người ta thích xì-căng-đan hơn là gương tốt, thích theo dõi chuyện xấu hơn là chuyện trong sáng trong lành. Truyền thông cũng phải theo thị trường, nên việc thu ống kính vào những vệt màu đen thay vì vệt trắng là điều dễ hiểu. Cũng khó để bắt buộc truyền thông phải chỉ đưa gương người tốt, việc tốt. Cho nên, quan trọng là cách đưa tin về các gương xấu đó phải gắn với quan điểm phê phán kịch liệt thay vì cổ vũ, và không để những kẻ thích gây sốc để trở thành nổi tiếng lợi dụng mình.

“Đừng dạy những bài học màu hồng”

* Vừa qua, nhiều chuyên gia giáo dục, xã hội đã lên tiếng đề nghị cộng điểm, thậm chí miễn thi tốt nghiệp THPT đối với những học sinh có hành động cao đẹp. Điều này sẽ khích lệ tinh thần các em rất nhiều, thầy có nghĩ ta nên có những "điểm thưởng" cụ thể vậy không?

- Tôi hoàn toàn ủng hộ. Đạo đức là phải thực tế! Lý thuyết trên lớp trả bài vanh vách mà ra đường xả rác, hôi của, vô cảm, lạng lách, thậm chí giết người thì trả bài để làm gì! Đạo đức phải dựa vào hành vi chứ không chỉ là sách vở.

* Là người rất sâu sát với tâm lý giới trẻ, theo thầy, phải làm sao để tác động hiệu quả vào hành vi học sinh ngoài biện pháp cộng điểm hoặc miễn thi?

- Để các em có hành vi tốt, cần 3 điều: Một là cho các em nhận thức đúng với thực tế. Đừng dạy các em những bài học màu hồng, trong khi thực tế thì hoàn toàn khác. Hãy cho các em biết cả những mảng sáng mảng tốt trong đời.

Hai là tác động vào trái tim chứ không chỉ là lý trí. Chính rung cảm trước những hành động tốt, chính sự căm phẫn trước những hành động xấu, chính sự xúc động trước những điều chân chính sẽ thúc đẩy các em sống tốt một cách mạnh mẽ hơn là lời dạy bảo suông.

Ba là tạo điều kiện cho các em thực tập hành động. Cách tốt nhất để các em sống tốt là phải cho các em sống, cách tốt nhất để các em có thói quen tốt là phải cho các em hành động. Các hoạt động thực tiễn, ngoại khóa, thực tế phải là hoạt động chủ đạo trong giáo dục đạo đức học sinh.

* Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện.

(Còn tiếp)

Cần “cú hích” để thay đổi tình trạng “thói hư tật xấu”

Xã hội lan tràn những hành vi xấu đã trở thành vấn nạn nhức nhối. Chúng ta cần có một cú hích lớn và toàn diện để thay đổi tình trạng “thói hư tật xấu” một cách triệt để. Và một trong những trọng tâm để tạo ra thay đổi là giáo dục.

Sẽ là mất cân bằng nếu như ta chỉ nhìn hồ sơ, chọn những “người tốt, việc tốt” để cho tốt nghiệp. Nhưng cũng là lệch lạc nếu chúng ta tuyệt đối hóa chuyên môn trong việc đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh như thời gian vừa qua.

Xung đột quan điểm giáo dục giữa trình độ chuyên môn và đạo đức là mâu thuẫn muôn thủa. Nên theo tôi, miễn thi cũng không phải phương án tốt nhất. Thay vào đó, chúng ta nên mở rộng quy chế, cộng điểm cho những học sinh có những hành động đẹp, có cống hiến, được xã hội ghi nhận. Nó sẽ cân bằng được mọi lệch lạc và tránh thiệt thòi cho các em học sinh có lối sống đẹp.

(PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội và truyền thông đại chúng)

Mỹ Anh (ghi)


Phạm Mỹ (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm