Cựu sinh viên FTU khởi nghiệp làm băng vệ sinh vải

08/03/2023 12:24 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Kể từ ngày tốt nghiệp, Minh Ngọc luôn chọn những con đường ngách để đi. Dù không ít lần tự vấn bản thân, nhưng đôi mắt cô luôn sáng lên, sung sướng cả ngày khi được nói về điều mình thích.

Xa xưa, giẻ tự chế, đệm, bông dệt từ lông cừu, giấy cói hay thậm chí cỏ là những vật dụng đầu tiên mà phụ nữ sử dụng trong kỳ kinh nguyệt của mình. Băng vệ sinh dùng một lần chỉ xuất hiện lần đầu khi các y tá tìm kiếm một phương pháp mới để cầm máu trên chiến trường trong Thế chiến thứ nhất. Trải qua nhiều giai đoạn “tiến hoá", băng vệ sinh dùng một lần giờ đây trở thành một thị trường trị giá 25,6 tỷ USD (năm 2022), được dự đoán sẽ tăng lên 34 tỷ USD vào năm 2028.  

Hành trình tiến hoá từ chiếc giẻ, cuộn bông đến những băng vệ sinh một lần đã giúp hàng trăm triệu phụ nữ trên thế giới trải qua giai kỳ kinh nguyệt một cách thuận tiện, sạch sẽ hơn. Nhưng mặt khác, nó cũng để lại cho trái đất một núi rác. Theo một nghiên cứu của tổ chức môi trường Toxics Link, chỉ riêng tại Ấn Độ, hơn 12,3 tỷ băng vệ sinh cũ được thải ra bãi rác mỗi năm. Những chiếc băng vệ sinh dùng một lần, thường được các nhà sản xuất khuyến nghị thay mới sau bốn đến tám giờ sử dụng, lại mất từ 250 đến 800 năm để phân hủy, tương đương với 4 chiếc túi nilon. Đó cũng là lý do xu hướng sử dụng băng vệ sinh hữu cơ, được làm từ bông hoặc sợi tự nhiên quay trở lại những năm gần đây.

Đưa chiếc băng vệ sinh “tiến hóa ngược” trở lại

Bùi Thị Minh Ngọc, một cựu sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội, lần đầu tiên biết đến sự tồn tại của băng vệ sinh vải sau khi tham gia một khóa học Thiết kế cộng đồng sinh thái tại Thái Lan vào năm 2016.

“Lần đầu sử dụng, tôi đã rất thích. Tháng đầu tiên, tôi còn mong“đến kỳ” hai lần để được dùng nhiều hơn”, Ngọc vừa cười vừa nhớ lại những háo hức đầu tiên. Xuất phát từ ý thích của bản thân, Ngọc cùng cô bạn mới quen người Campuchia, rủ nhau khởi nghiệp bán băng vệ sinh vải tại đất nước của mình. Dự án xin tài trợ được vài nghìn USD từ Đại sứ quán Mỹ, tiếp thêm động lực cho cô gái 23 tuổi khi ấy mạnh dạn nhập hàng từ Ấn Độ về bán. 

Nhưng điều này chưa làm Ngọc thỏa mãn. Cô muốn làm một việc dù nhỏ nhưng trọn vẹn, nên tìm cách sản xuất băng vệ sinh vải tại Việt Nam thay vì nhập khẩu. Hai tay hai việc, Ngọc vừa duy trì công việc văn phòng để có thu nhập ổn định, vừa chạy đôn chạy đáo tìm nguyên liệu sản xuất, xưởng may. Một vài bạn trẻ cũng sẵn sàng đồng hành cùng Ngọc, dù mức lương cao nhất cũng chỉ 1,5 triệu đồng/tháng. Với Ngọc, đó là quãng tuổi trẻ nhiều nhiệt huyết, chỉ tập trung vào chính mình, có bao nhiêu tiền “đổ” hết vào công ty, ăn ngủ, làm ngày làm đêm với những chiếc băng vệ sinh.

Giai đoạn phát triển sản phẩm, để tìm được loại vải sợi tự nhiên, thân thiện với môi trường là một bài toán lớn. Cô gái tự mình thử nghiệm từng loại vải, rồi tìm đến một giảng viên chuyên về ngành may mặc tại Đại học Bách Khoa để xin ý kiến, cho đến khi tìm được loại vải lanh phù hợp nhất. Chất liệu này thấm hút tốt, giặt nhanh sạch, phơi nhanh khô. Chỉ có một vấn đề, nó đắt gấp 8-10 lần các loại vải bình thường. 

Ngọc mất một năm để nghiên cứu và có trong tay sản phẩm tự sản xuất đầu tiên, mang thương hiệu Green Lady Vietnam vào năm 2018. Những chiếc băng vệ sinh vải sau đó được điều chỉnh theo phản hồi của khách, để có được thiết kế hoàn thiện như hiện nay. Green Lady Vietnam cũng có ba kích cỡ tương tự băng vệ sinh thông thường: hằng ngày - ban ngày - ban đêm. Mỗi chiếc băng vệ sinh vải có lớp ngoài cùng là vải thô, kế đến là lớp chống thấm nước, miếng lõi bên trong làm từ lanh tự nhiên, được dệt thủ công và lớp vải đũi mềm mại tiếp xúc trực tiếp với da. Chiếc băng không dính mà có cúc bấm để cố định vào quần. Cô chủ Green Lady Vietnam cho biết mỗi loại băng vệ sinh vải này có giá từ 100.000 đến 180.000 đồng, cao gấp 3-6 lần một gói băng vệ sinh thông thường, nhưng có thể giặt đi dùng lại trong 2-3 năm, nhờ đó giảm rác thải ra môi trường.

Cựu sinh viên FTU khởi nghiệp làm băng vệ sinh vải  - Ảnh 1.

Năm 2019, Ngọc nghỉ việc văn phòng, quyết dành trọn vẹn thời gian, công sức cho doanh nghiệp nhỏ của mình. Đó cũng là khoảng thời gian phong trào sống xanh diễn ra sôi nổi. Cô tham gia khắp các hội chợ, workshop hoặc hợp tác với các cửa hàng để quảng bá, ký gửi đứa con tinh thần của mình. Green Lady Vietnam sau đó phát triển thành một địa chỉ chuyên bán các sản phẩm chăm sóc kinh nguyệt, từ cốc nguyệt san đến trà điều hoà kinh nguyệt, giảm đau bụng kinh.

Dẫu vậy, Ngọc nhận thức được sản phẩm của mình “ngách” đến mức nào, đi ngược với sự “tiến hóa” của băng vệ sinh và cuộc sống hiện đại ra sao. Cô chỉ tập trung giới thiệu và bán cho đối tượng thực hành sống xanh, bảo vệ môi trường. “Đối với băng vệ sinh dùng một lần, tôi biết sự thuận tiện rất quan trọng với mọi người. Nhưng sự thuận tiện cũng gây ra khá nhiều vấn đề cho môi trường, nên điều tôi muốn kêu gọi là mọi người hãy sống chậm lại một chút, hy sinh sự thuận tiện để bớt xả rác ra môi trường. Thông điệp xuyên suốt mà tôi làm với Green Lady Vietnam là phải chấp nhận hy sinh sự thuận tiện. Những khách hàng đầu tiên và cho đến bây giờ, đều là những người hướng tới môi trường.

Tuy nhiên, ý nghĩa của băng vệ sinh vải, ngoài việc giảm rác thải thì còn là việc bạn phải giặt sản phẩm ấy và đối diện trực tiếp với kinh nguyệt của mình. Trước kia, với băng vệ sinh một lần, dùng xong chúng ta thường cuộn vào vứt đi, có khi không thèm nhìn. Tôi muốn nói thêm thông điệp kết nối bản thân, yêu thương và trân trọng kinh nguyệt như thế nào. Năm 2020, tôi còn thực hiện một triển làm về kinh nguyệt, đơn giản là thu thập những câu chuyện về kinh nguyệt của các chị em”.

Cựu sinh viên FTU khởi nghiệp làm băng vệ sinh vải  - Ảnh 2.

Dẫu vậy, giống như nhiều công ty khởi nghiệp trẻ khác, “mầm cây” Green Lady chưa kịp vươn lên đã hứng chịu sự tàn phá của đại dịch Covid-19. Không có thêm khách hàng mới, sự quan tâm của cộng đồng đến môi trường cũng giảm đi, Ngọc chấp nhận lùi lại, thu nhỏ quy mô và duy trì Green Lady Vietnam như một dự án cá nhân.

Đường tới giáo dục giới tính

Dù dự án Green Lady Vietnam buộc phải thu hẹp nhưng không vì thế mà hành trình của Ngọc dừng lại. Cô đóng gói những kinh nghiệm, kiến thức học được thành các chương trình giảng dạy cho học sinh - sinh viên, cả online và offline.

Ngoài giáo dục giới tính cho học sinh, Ngọc bắt đầu cung cấp dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp về tình dục cho người lớn - nghề được phương Tây gọi là “Sex Coach” nhưng vẫn còn quá mới mẻ để có một định nghĩa ngắn gọn, dễ hiểu ở Việt Nam. Đến nay, cô đã bỏ ra tổng cộng 200 triệu đồng, để tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện về giới tính, với định vị bản thân là một người được đào tạo bài bản, thay vì chỉ chia sẻ dựa vào kinh nghiệm. 

Ngọc lập ra IntiVibe, một địa chỉ không có rào cản hay “vùng xám” trong chia sẻ về tình dục giữa cặp đôi, nơi những câu hỏi tế nhị được bộc bạch - điều mà trước kia người ta thường chỉ dám hỏi Google, thậm chí ở chế độ ẩn danh. Bên cạnh những buổi workshop và khóa học, cô cũng cung cấp dịch vụ tư vấn 1:1, kéo dài 3-6-12 tháng.

Làm một nghề còn lạ lẫm tại Việt Nam, động chạm vào những vấn đề bị coi là nhạy cảm, Ngọc không hiếm lần nhận về ánh nhìn khó hiểu từ mọi người xung quanh. “Hình tượng của một người Sex Coach thông thường mọi người nhìn thấy thường rất mạnh mẽ trong việc ăn nói, ngoại hình quyến rũ, phong thái sắc sảo. Mình không phải hình tượng ấy. Đó cũng là một loại định kiến”, cô gái có mái tóc dài đen nhánh, gương mặt mộc chỉ điểm chút son tâm sự.  

Cựu sinh viên FTU khởi nghiệp làm băng vệ sinh vải  - Ảnh 3.

Theo nhà sáng lập IntiVibe, hiện còn nhiều định kiến, mặc định vô thức liên quan đến tình dục trong xã hội. Đơn cử như chuyện “nam giới lúc nào cũng sẵn sàng cho tình dục”.

“Một lần tôi làm workshop cho sinh viên về chủ đề Đồng thuận. Chúng tôi đặt ra những mệnh đề, câu hỏi cho sinh viên trả lời. Đến câu hỏi “Nam giới có phải lúc nào cũng sẵn sàng cho tình dục, có bao giờ nói “Không”?”. Các bạn sinh viên bảo, thực ra nam giới rất khó để nói “Không”, vì người nữ sẽ bị tổn thương, suy nghĩ rằng mối quan hệ rạn nứt hay không còn ham muốn. Do vậy, mỗi lần được hỏi đều nói “Có”, một phần vì nhu cầu, một phần vì sợ làm tổn thương đối phương, hoặc bị đánh giá là yếu. Có quá nhiều rào cản để từ chối”, Ngọc kể lại.

Về mặt kinh doanh, con đường Ngọc chọn với IntiVibe vẫn tiếp tục là một thị trường ngách. Ngọc hiểu điều đó, và cũng không ít lần tự vấn bản thân, tại sao luôn chọn con đường khó khăn như vậy?

“Khi nhìn thấy những công việc có vẻ dễ dàng hơn, như một tin tuyển coach về giáo dục, cơ hội làm tư vấn tình cảm chẳng hạn, tôi cùng suy nghĩ. Nhưng hãy nhìn hai mặt của một đồng xu. Có những cơ hội được nói chuyện với học sinh về tránh xâm hại tình dục chẳng hạn, nói xong về cứ thấy xúc động mãi. Chỉ chia sẻ với vài người mà hữu ích là đủ để tôi sung sướng và thấy công việc mình có giá trị. Nên tôi nghĩ phải nhìn nhận cả hai mặt của một vấn đề, làm gì cũng có cái khó, có lúc này lúc khác. Hơn nữa, tôi luôn thích thú tính tiên phong của các mô hình”.

Với Ngọc, hành trình của một chuyên gia, giáo viên về tình dục học mới chỉ bắt đầu. Con đường ấy có thể mất vài năm, thậm chí 10 năm để có chỗ đứng và sống được với nghề, nhưng đó là những áp lực cần phải trải qua. 

 

Hoàng Thùy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm