Nhà văn Anh hùng của xứ Nghệ “quê choa”

17/07/2011 11:16 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, ngày 14/7/2011, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Sơn Tùng vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Chia vui với nhà văn xứ Nghệ “quê choa” Sơn Tùng, TT&VH giới thiệu bài viết ghi lại những kỷ niệm và cảm nhận của một người viết có nhiều dịp gần gũi với nhà văn Sơn Tùng và gia đình ông.

1. Một năm trước, nhà văn Thiên Sơn - cháu họ nhà văn Sơn Tùng gọi điện báo tin, giọng âu lo: “Bác Tùng bị tai biến, đang nằm ở Bạch Mai”, tôi đoán chắc bác nguy kịch. Nhiều lần vợ và các con đưa bác đi cấp cứu vì huyết áp cao hay những cơn đau do vết thương tái phát. Nhưng lần này thì khác. Tôi đi công tác về thì nghe nói bác đã được chuyển sang Bệnh viện Y học dân tộc cổ truyền, rồi về nhà sau bốn tháng nằm viện.

Thiên Sơn cho biết thêm, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hai lần đến thăm bác. Hai ông là bạn từ hồi ở chiến trường phía Nam, trải qua năm tháng, tình bạn ấy vẫn keo sơn, chung thủy suốt mấy chục năm trời.

Khi chúng tôi đến nhà thăm, thấy bác khác đi nhiều quá, chỉ đôi mắt vẫn sáng. Bác nằm trên giường, hé cười và cố rướn người dậy nhưng không được. Tôi nắm lấy tay bác, bác đưa mắt hướng về phía vợ con tôi, khẽ cười, miệng mấp máy như muốn nói. Bàn tay bác gầy guộc nhưng ấm áp.


Nhà văn Sơn Tùng (người đang viết) trong chuyến đi theo Bác Hồ năm 1964
(ảnh tư liệu do gia đình cung cấp)

Bác là tấm gương nghị lực phi thường. Thiên Sơn kể, sau khi bị thương, tay trái bị liệt, tay phải còn ba ngón, bác đã buộc bút vào tay này để tập viết. Thủ tướng Phạm Văn Đồng có lần tặng Bác một viên đá nhỏ, bác dùng ba ngón tay còn lại để tập cho cơ tay linh hoạt hơn và dần dần tự cầm bút được. 81% sức khỏe của bác gửi lại chiến trường và trong người còn 14 mảnh đạn, trong đó có 3 mảnh găm trong sọ não không thể giải phẫu lấy ra được. Hàng ngày bác dậy lúc ba giờ sáng, kiên trì luyện tập, vượt qua những đau đớn do thương tật và lặng lẽ viết. Gần ba mươi đầu sách về Bác Hồ, về danh nhân cách mạng đã ra đời gây được tiếng vang lớn trong nhiều tầng lớp độc giả.

Tôi biết bác Tùng có những người bạn văn thường ghé nhà bác sinh hoạt trong Chiếu văn, như: Văn Cao, Phan Ngọc, Minh Giang, Siêu Hải, Mạc Phi, Đào Phan, Tân Trà... Những nhà văn chung một mối ưu tư trước thời cuộc và những trớ trêu của nhân tình thế thái. Thiên Sơn có nhiều dịp gặp gỡ với họ hơn, qua chuyện của Thiên Sơn, tôi biết bác Tùng còn một mảng đề tài nặng trĩu trăn trở nghĩ suy mà có lẽ bác chưa viết thành sách...

Có lần, bác thổ lộ ý định sẽ viết tiểu thuyết về Nguyễn Du, hay cuốn Bông huệ trắng với nội dung có liên quan đến thời trai trẻ của Nguyễn Tất Thành... Tôi hiểu, với bác, dự định không chỉ ở lời nói mà bác đã tập hợp được rất nhiều tư liệu tích lũy được trong những năm tháng tuổi trẻ. Giờ đây, với sức khỏe hiện thời, không chỉ riêng tôi mà nhiều người lo lắng những trang bản thảo và những tư liệu quý đó liệu có ai sẽ có thể kế tục . Có lần, tôi đem chia sẻ những băn khoăn đó với Thiên Sơn và khuyên Sơn nên tiếp tục đi theo con đường của Bác...

Bác Tùng cứ miệt mài viết giữa bệnh tật và biến thiên của thời cuộc. Lạ nỗi, mang những nỗi đau trong mình nhưng trang sách của bác vẫn thanh nhã và không bao giờ lộ vẻ ức chí hay bi quan của người cầm bút, dù tôi biết bác xứng đáng và gia đình bác xứng đáng được hưởng hơn rất nhiều những gì họ có bây giờ.

Không bao giờ nhận là “nhà Hồ Chí Minh học” nhưng những nghiên cứu của bác về Hồ Chí Minh và sự am hiểu của bác về thân thế và sự nghiệp của Người có lẽ khó ai bì kịp. Tôi cho rằng, bác Tùng là cuốn “từ điển sống” về Hồ Chí Minh, rất tiếc không ít bộ phim hay tác phẩm nghệ thuật về Người ít khi tham vấn bác ở mảng nội dung nên chưa thể hiện hết được những cái hay, cái đẹp về Người...

2. Ngoài 20 tuổi tôi mới gặp bác Tùng nhưng tôi cũng như nhiều thế hệ học trò xứ Nghệ “quê choa” vẫn ngưỡng mộ và yêu mến bác qua những trang viết về Bác Hồ từ thuở ấu thơ. Tôi còn nhớ, chúng tôi chuyền tay nhau đọc Búp sen xanh đến nhàu nát trong mùa Hè lớp 6. Không những chúng tôi mà bố mẹ, anh chị trong gia đình đều thích đọc sách của bác. Những trang viết giản dị nhưng cuốn hút cùng với những tò mò của lũ học trò khi lần đầu tiên đọc sách của tác giả là nhà văn xứ Nghệ. Làng Kim Lũy, nơi bác Tùng sinh ra, nay là xã Diễn Kim, cạnh bên xã Diễn Bích quê tôi, làng Vích thuở nào, cùng một dải đất ven biển mặn mòi và nhọc nhằn nắng gió...

Nhà văn Sơn Tùng (phải) và cháu họ, nhà văn Thiên Sơn

Trước khi đến với Búp sen xanh, chúng tôi chỉ biết những câu chuyện về Bác Hồ trong sách giáo khoa và cuốn Vừa đi đường vừa kể chuyện trong tủ sách của thư viện nhà trường. Sách hồi đó không nhiều như bây giờ, chúng tôi gom tiền làm kế hoạch nhỏ cả mùa Hè mới mua được vài cuốn. Búp sen xanh mở ra một thế giới sống động những câu chuyện về cuộc đời Bác Hồ, từ lúc Người sinh ra đến lúc ra đi tìm đường cứu nước... Gần 30 năm qua, những trang Búp sen xanh kể về tuổi thơ cậu bé Nguyễn Sinh Côn vào những ngày giáp Tết trong kinh thành Huế, mẹ mất, cha đi vắng, em út không biết mẹ vừa tắt thở, cứ ngậm vú mẹ nhay nhay... vẫn còn in dấu trong tâm trí tôi.

Sau này lũ học trò được dịp vào thăm quê Bác, cùng nhắc về những trang viết của bác Tùng khi đứng bên cánh võng ngày nào mẹ Bác ru các con mát suốt những ngày Hè, hay tần ngần dưới gốc mít nơi ngày xưa bác đã vun lá khô giúp mẹ thổi cơm... Tôi hiểu cuốn sách của bác Tùng giúp chúng tôi cảm thấy gần gũi với Bác Hồ, như đã đến với nhà Bác, với nơi Bác sinh ra từ trước khi được về thăm Làng Sen quê Bác... Các anh chị lớn tuổi hay những người như bố mẹ tôi có lẽ cũng nghĩ thế. Họ kể với nhau về cuộc đời của Bác Hồ từ những câu chuyện bác Tùng kể trong sách và nói nhiều về những trang cuối cuốn sách, nơi bác Tùng hé mở tình cảm thiêng liêng thời trai trẻ của Nguyễn Tất Thành với Út Huệ và nghe đâu, một phần vì chi tiết đó, cuốn sách của bác Tùng đã gặp không ít sóng gió...

Nhà văn Sơn Tùng tên đầy đủ là Bùi Sơn Tùng (quê xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) sinh năm 1928. Năm 1941, ông tham gia cách mạng. Năm 1967, Sơn Tùng được điều vào Nam thành lập và phụ trách tờ Thanh niên giải phóng, đến năm 1971 ông bị thương nặng, rời chiến trường với 14 vết thương, 3 mảnh đạn còn găm trong sọ não.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vừa ký Quyết định số 1083/QĐ- CTN ngày 14/7/2011 phong tặng nhà văn Sơn Tùng là Anh hùng Lao động.

Chính bác Tùng chứ không phải ai khác, khiến chúng tôi cảm thấy Bác Hồ sao mà gần gũi thân thương. Một con người với những buồn vui, hạnh phúc khổ đau... như biết bao số phận khác. Tôi nghĩ, cho dù bác Tùng có sử dụng bút pháp hư cấu thì những trang viết của bác bao giờ cũng đạt đến độ chân thực và thuyết phục nhất. Vì với người xứ Nghệ, những gì nói ra, viết ra đều xuất phát tự lòng mình. Chẳng ai có thể thuyết phục được người khác tin vào những điều mình viết nếu dối lòng. Bút sắc, lòng trong, bác Tùng nhiều lần nhắc nhở những lớp cháu con xứ Nghệ chúng tôi khi theo nghiệp viết. Như chính cuộc đời bác và con người bác.

Ngoài viết về Bác Hồ, bác Tùng dành nhiều trang viết về đất và người xứ Nghệ, hàng chục nhân vật, thậm chí còn hơn thế, từ Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, đến Trần Phú và các danh nhân khác... Tôi đọc trong mỗi câu chữ ở đó đều thấm đẫm ân tình của bác với quê hương xứ Nghệ... Hình tượng và nhân cách người xứ Nghệ trong văn của nhà văn Sơn Tùng quả thực rất sâu đậm và đẹp đẽ.

3. Trong ký ức những người dân quê tôi, bác Tùng không chỉ là nhà văn nổi tiếng với Búp sen xanh và những cuốn sách khác về Bác Hồ. Bác còn là diễn giả với những buổi nói chuyện thu hút cả nghìn lượt người nghe. Bác đã có trên 500 cuộc nói chuyện ở đủ mọi miền đất nước cho hàng vạn người nghe.

Hồi đó, bác về Diễn Châu, hội trường lớn nhất của thị trấn đầy ắp người đến nghe bác nói chuyện. Người nghe còn đứng tràn ra các cửa hai bên và ở cửa chính. Trời xứ Nghệ nóng ran, bác nói chuyện ròng rã cả ngày trời. 4 băng cassett thu âm cuộc nói chuyện đó được sang thành nhiều bản đưa về các xã mở cho người ở nhà nghe. Chúng tôi thêm một lần nữa hiểu thêm những câu chuyện xúc động về Bác Hồ, về những người thân trong gia đình của Người, từ anh cả Khiêm đến o Thanh... Đó là lần đầu tiên tôi được nghe giọng bác Tùng. Bao nhiêu năm bác Tùng xa quê, giọng nói vẫn vương đầy âm sắc xứ Nghệ, lúc trầm, khi bổng, và dường như càng nói, bác càng say mê, về sau nghe cứ sang sảng. Tôi nhớ không nhầm thì thời gian bác Tùng về nói chuyện vào cuối những năm 1990. Biết bao khó khăn và chật vật ở nơi gió Lào quạt cháy những lá cây... Có lẽ những câu chuyện bác Tùng kể lúc đó hun đúc thêm tinh thần cách mạng của những con người sống mảnh đất từng góp phần đáng kể vào phong trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 ngày ấy. Có nhiều chuyện kể hồi ấy được bác Tùng viết rải rác trong những cuốn sách sau này và tôi biết có những chuyện có thể không in được thành sách...

Với chúng tôi và những người xứ Nghệ đã yêu mến nhà văn qua những trang sách, thì bác Tùng đã trở thành anh hùng từ khi Búp sen xanh đến với chúng tôi ở những làng quê xứ Nghệ ngày tháng ấy. Xứ Nghệ càng thêm tự hào khi đã có không ít anh hùng ở nhiều lĩnh vực nhưng đây là lần đầu tiên có một nhà văn anh hùng. Bác Tùng xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lao động bởi nghị lực phi thường và những cống hiến không mệt mỏi của bác cho văn chương và cho cách mạng.

Hà Nội, ngày 15/7/2011

Tùng Sơn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm