Có thể bạn chưa biết: Cuộc chiến 'chống ế' ở Trung Quốc đang bế tắc?

15/04/2023 07:18 GMT+7 | Tin tức 24h

Hôn nhân đã trở thành một câu hỏi nan giải ở nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng Khổng giáo, khi con trai chiếm vị thế ưu tiên hay thậm chí độc tôn trong gia đình. Ví dụ ở Trung Quốc hiện có tỉ lệ nam nữ vào khoảng 110/100, nói cách khách là đàn ông rất khó tìm ra "ý trung nhân" trong phái yếu ngày càng cao giá, theo cả nghĩa đen.

Khi nhận diện được vấn đề, chính quyền buộc phải vắt óc nghĩ ra những "sáng kiến" dở khóc dở cười khác nhau.

Tinder, Bumble, Hinge ...

Những cái tên ấy có vẻ còn xa lạ ở xứ ta, ở Trung Quốc còn khó tìm hơn, vì đó là các trang mạng mối mai kết đôi và bị cho là không hợp với định nghĩa thuần phong mỹ tục của một ông Khổng Khâu nào đó sinh ra trước Công lịch. Ở đây ta không bàn đến hình dung của ông về đạo lý, mà chỉ chiêm nghiệm một trong những hệ lụy khá nặng nề.

Như đã nói, thời 4.0 sinh ra cả những ứng dụng (app) hữu dụng để kết nối hàng triệu người với nhau, bất kể chỉ để kiếm bạn cùng đi tắm biển trong kỳ nghỉ phép hay sau này kết nghĩa trăm năm. Tinder chẳng hạn, được phát triển bởi tập đoàn Match Group Inc. ở Texas, là một ứng dụng thương mại để tìm kiếm đối tác trên Internet. Ai nhập vào, sẽ vuốt màn hình để xem hồ sơ và thông tin của những người dùng khác ở gần. Nếu thấy thích ai, phải vuốt ảnh sang phải, không thích thì vuốt sang trái. Nếu cả hai bên cùng vuốt ảnh của nhau sang phải, một sợi dây nối sẽ được tạo ra và giờ đây hai bên có thể trò chuyện với nhau.

Có thể bạn chưa biết: Cuộc chiến 'chống ế' thời @ - Ảnh 1.

Một góc công viên ở Thượng Hải, nơi cha mẹ các cô gái “cao giá” chia sẻ về con gái rượu của mình

Khi Trung Quốc chặn Tinder, họ lập ra các trang riêng với công dụng tương tự như Tantan, Momo hay Qing chifan, và thành công cũng không hề kém vang dội. Nhưng nhà chức trách chưa yên tâm, khi thấy quá trình hiện đại hóa nhanh chóng của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây đã gây ra vài tác dụng phụ không mong muốn: Tỷ lệ sinh và tỷ lệ kết hôn giảm. Theo nhật báo The Guardian, vào năm 2021 có khoảng 5,4 cuộc hôn nhân trên 1.000 cư dân, trong khi Hoa Kỳ - vốn đã rất lạnh nhạt với cưới xin - có những 6!

Mới đây, lần đầu tiên nhà nước bỏ tiền tài trợ ứng dụng Palm Guixi khá thú vị, mang tên địa phương đẻ ra nó - huyện Guixi tức Quế Lâm thuộc Giang Tây. Mục đích của Palm Guixi giúp người độc thân cơ hội tìm bạn, qua đó cũng giảm thiểu hủ tục đòi tiền sính lễ - ở vùng này trung bình 5 vạn USD mỗi đám, dù bị pháp luật cấm nhưng vẫn tồn tại ở dạng "lệ làng". App này được cơ quan hộ khẩu cung cấp danh tính của các cư dân độc thân ở địa phương, và chính quyền mặc nhiên có quyền đưa tất cả vào danh sách, bất kể họ có đồng thuận hay không.

Nhờ Palm Guixi, khoảng 100 người đã đến dự cuộc hẹn hò tập thể đầu tiên tại một công viên lớn, danh chính ngôn thuận là "tìm hiểu phong tục tập quán địa phương". Theo dư luận trên trang blog Sina Weibo, người dân không chỉ đón chào cách ghép đôi này, có người bình luận là Palm Guixi chỉ làm cho "Trung Quốc tăng dân số đột biến". 

Làng độc thân

Những nỗ lực như Palm Guixi sẽ dễ hiểu, nếu ta biết rằng điều mà các chuyên gia đã cảnh báo trong nhiều năm đã xảy ra. Cường quốc kinh tế thế giới đang gặp vấn đề lớn. Đội quân công nhân đảm bảo cho sự phát triển thần kỳ, nay đang bị thu hẹp lại. Riêng năm 2012 bị giảm đi 3,5 triệu người. Ngày càng có nhiều người già và ít người trẻ, và khi trẻ em thường được coi là nguồn cung cấp tuổi già thì điều này có thể có nghĩa là đất nước sẽ nghèo đi. Đó chính là hậu quả của hàng chục năm chính sách một con. Trung Quốc sẽ già đi trước khi có thể thực sự giàu có.

Theo một nghiên cứu của Trung Quốc, 40 đến 50 triệu người Trung Quốc sẽ không có vợ trong hai thập kỷ tới. Hiện nay đã thừa cơ học 34 triệu đàn ông - thực sự bi thảm ở một đất nước mà con cái và hôn nhân quyết định danh tiếng của người đàn ông, bất kể ởmột trung tâm tài chính lộng lẫy như Thượng Hải hay ở vùng thôn dã.

Trung Quốc nay đã có một loại khu cư dân đặc biệt. Từ Thượng Hải ta có thể làm chuyến du ngoạn tưởng tượng đến ngôi làng có thật mang tên Ban Zhu Shanbằng cách đi theo sông Dương Tử đến tỉnh Hồ Nam. Những túp lều gỗ cũ kỹ, tối tăm và xiêu vẹo nằm nép mình bên sườn dốc. Tre uốn cong trên lối đi hẹp giữa các ngôi nhà tồi tàn. Túp lều của ông Jia ở dưới đồi, nơi ông trồng khoai lang và nuôi bốn con lợn. Ông năm nay ngoài 40 nhưng già xọm như 60. Ông sống cuộc sống của người bị coi rẻ, vì bị vợ bỏ còn xấu hổ hơn là ở một mình. Jia không gượng lại được từ sự cố này. Vợ của ông Jia đến từ dưới đồng bằng. Khi được hỏi, ông thú thật là đã bỏ 3.200 nhân dân tệ để mua vợ ở chợ ven sông, nộp cho một bà mối già. Đây là điều mà các nhà khoa học ở Trung Quốc đang dự đoán là tương lai đen tối và kết quả của tình trạng dư thừa nam giới: Gia tăng bắt cóc, mại dâm, tỷ lệ nhiễm HIV và quan hệ bạo lực tình dục. Người ta thì thầm về một thị trường buôn bán phụ nữ phát đạt. Không chỉ phụ nữ Trung Quốc nghèo khó mới bị bán chủ yếu về vùng sâu vùng xa. Lực lượng mai mối ngày càng cung cấp nhiều phụ nữ từ Myanmar, Triều Tiên hoặc Mông Cổ. Ước tính mỗi năm có hàng ngàn phụ nữ bị bắt cóc đến hoặc ở Trung Quốc.Ông Jia kể, ban đầu ông không thể hiểu tại sao cô ấy trốn đi. Mãi sau này ông mới biết vợ mình đã bị bắt cóc. Làng Ban Zhu Shan chủ yếu tập trung đàn ông độc thân, và cả nước có hàng ngàn làng như vậy. 

Có thể bạn chưa biết: Cuộc chiến 'chống ế' thời @ - Ảnh 2.

Nạn sính lễ cao và tiệc cưới đắt đỏ khiến các đám cưới tập thể ngày càng phổ biến

"Bồ" mượn

Hàng chục công ty ở Trung Quốc đã nhận ra nhu cầu của những trái tim cô đơn là một thị trường mới. Trên Internet có rất nhiều lời đề nghị cho cho cả hai giới, và dĩ nhiên phải trả trước. Khách hàng là những ai cần đối tác để đi chơi, khoe khang hoặc diễn một trò nào đó, nhưng không được đụng chạm. Điều 11 của hợp đồng với công ty Freeman của Trung Quốc quy định: "Người ký hợp đồng không được lại sát bạn đồng hành dưới 80cm", một điều khoản khác cho biết "chỉ từ 8 giờ sáng đến 11 giờ tối".

Các công ty cung cấp dịch vụ hẹn hò để giữ thể diện cho những tâm hồn cô đơn bị chịu áp lực từ cha mẹ hoặc bạn bè. Bởi vì ngày nay việc tìm kiếm đối tác phù hợp rất khó khăn, đối với cả hai giới. Ở các thành phố Trung Quốc, xu hướng sống một mình đang gia tăng nhanh chóng bởi tốc độ đô thị hóa cao và sự dịch chuyển của người lao động. Kể từ 2011, hơn một nửa trong số 1,35 tỷ người Trung Quốc sống ở vùng đô thị. Cuộc sống thành phố hiện đại và căng thẳng.

Dù cả nước thừa đàn ông, nhiều phụ nữ trình độ cao ở mức 30 tuổi không tìm được bạn đời, vì họ đòi hỏi quá cao đối với cái bị gọi oan là phái mạnh. Và đó là cơ hội cho các "bồ mượn".

Một công ty ở Đại Liên quảng cáo: "Thuê một người bạn (giả) tốt hơn là quá vội tìm một người bạn (thật)". Họ hứa cung cấp "đối tác trong mơ", ví dụ cho Ngày lễ tình nhân với mức giá cắt cổ là 5.000 nhân dân tệ (650 USD). Những "chàng trai thông minh" của họ cao 1,78m, nặng dưới 70kg, không thuốc lá, không bia rượu, mặt mũi tươi tắn và nụ cười ấm áp. Tất nhiên cũng có những mẫu bình thường với giá khởi điểm chỉ vài trăm nhân dân tệ. Dịch vụ bổ sung thì phải trả thêm: Cùng đi ngó cửa hiệu thì chỉ 20 nhân dân tệ một giờ, nhưng có mua sắm và gò lưng xách túi hàng là 50, cùng uống bia thì cộng thêm 20 vào tổng hóa đơn, một ly rượu thêm 50 và rượu có độ cồn thấp thêm 100, một nụ hôn thoảng qua khi chào đón có giá 50 nhân dân tệ v.v... Khi gặp mặt họ hàng, "bồ thuê" phải cư xử và xưng hô với các thành viên như thể họ đã là người trong gia đình. Đó là chưa kể các phụ cấp "độc hại" cho diễn xuất ở trình cao, ví dụ nếu khách hàng muốn làm cho ai đó ghen tuông...

"Thuê một người bạn (giả) tốt hơn là quá vội tìm một người bạn (thật)" - quảng cáo của một công ty ở Đại Liên.

Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm