Chuyện ít biết về Hoa hậu biết nhiều ngoại ngữ nhất Việt Nam

19/02/2018 07:50 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1990, cuộc thi Hoa hậu toàn quốc - nay là Hoa hậu Việt Nam - người đẹp Nguyễn Diệu Hoa đăng quang Hoa hậu...

Chuyện tình yêu không biên giới

Tôi còn nhớ trước đêm chung kết, ban giám khảo họp bàn suốt ngày mà không thể nhất trí chọn ai là hoa hậu. Các giám khảo phía Nam muốn chọn Vân Anh, còn các giám khảo phía Bắc muốn chọn Diệu Hoa. Tôi là là trưởng ban tổ chức, kiêm trưởng ban giám khảo phải đưa ra quyết định: đêm chung kết nếu một trong hai người đẹp là Vân Anh và Diệu Hoa ai trả lời ứng xử hay hơn, người đó sẽ là hoa hậu.

Câu trả lời của Diệu Hoa làm các thành viên ban giám khảo hài lòng, được dư luận cho là thông minh và chính nhờ câu trả lời thông minh trong phần thi ứng xử mà các thành viên trong ban giám khảo đã nhất trí chọn Nguyên Diệu Hoa làm hoa hậu.

Chú thích ảnh
Nguyễn Diệu Hoa khi vừa đăng quang Hoa hậu

Lần đó, có một chàng trai Ấn Độ đang làm đại diện cho công ty thương mại Thái Lan JF Trading mua vé vào xem đêm chung kết đã rất thích thú với câu trả lời của Nguyễn Diệu Hoa. Từ đó chàng trai Maneesh Dane tìm cách làm quen với Hoa hậu Diệu Hoa, rồi họ yêu nhau và trở thành vợ chồng.

Thời đó yêu và lấy người nước ngoài chưa được dư luận chấp nhận như bây giờ nên đám cưới của họ tổ chức ở khách sạn Thắng Lợi, tôi đến dự và sau đó viết một bài báo với tựa đề “Chuyện tình yêu không biên giới” đăng báo Tiền Phong để mong được dư luận ủng hộ vì tôi biết họ lấy nhau vì tình yêu, không vụ lợi.

Chú thích ảnh
Gia đình Hoa hậu Diệu Hoa

Sau này, khi hoa hậu Diệu Hoa trở thành giám đốc công ty CR Commoodities, hoàn thành luận án tiến sỹ ở nước ngoài và được sách kỷ lục Việt Nam trao danh hiệu là Hoa hậu biết nhiều ngoại ngữ nhất (Tiếng Anh, Pháp, Nga, Thái Lan) được báo chí viết bài ca ngợi tôi mới hiểu tình yêu chân chính là thế nào…

Khi tôi đang là thường vụ TƯ đoàn, đã có lần gặp ông Nguyễn Văn Vỹ bố đẻ của hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa khi ông còn làm ở ban quốc tế TƯ đoàn (về sau ông làm vụ trưởng ban đối ngoại TƯ Đảng, tham tán đại sứ Việt Nam tại Pháp). Gần đây tôi mới được biết mẹ của Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa bà Đặng Nguyệt Bích là cháu ngoại của học giả Phạm Quỳnh, trưởng nữ của GS BS Đặng Vũ Hỷ giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên và tên ông đã được đặt tên một con đường ở quận Long Biên Hà Nội. Em trai của bà Đặng Nguyệt Bích mẹ hoa hậu Diệu Hoa là GS viện sỹ Đặng Vũ Minh nổi tiếng, hiện là chủ tịch liên hiệp các hội KH và KT Việt Nam; Em gái bà là GSTS Đặng Kim Chi được giải thưởng Côvalépxcaia năm 2008.

Sở dĩ tôi nhắc tới điều này là muốn nói đến một truyền thống mà ta gọi là gia đình gia giáo. Là muốn nói đến việc giáo dục truyền thống gia đình cho con cháu và giáo dục từ trong gia đình là rất quan trọng mà có một thời chúng ta đã coi nhẹ. Là để hiểu hơn vì sao hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa không những thành danh trong sự nghiệp mà còn thành công trong việc giáo dục các con, tạo dựng cho mình một gia đình hạnh phúc.

Vợ chồng chung quan điểm dạy con

Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa có chồng là Maneesh Dane một doanh nhân người Ấn Độ và ba người con và đều mang quốc tịch Việt Nam. Gia đình Diệu Hoa hiện đang sinh sống ở Thành Phố Hồ Chí Minh. 

Chú thích ảnh
Hoa hậu Diệu Hoa và chồng

Cô con gái đầu của Diệu Hoa là Nguyễn Diệu My sinh năm 1997 tên Ấn Độ là Sonali Dane hiện hiện sinh viên năm thứ 3 đại học Wharton, Nguyễn Diệu Ly cô con gái thứ hai sinh năm 1998 còn gọi là Nikita Dane cũng đang học ở Mỹ  và cậu con trai Nguyễn Hoàng Phương sinh năm 2000 còn gọi là Tshan Dane đang học trường quốc tế ở TP Hôc Chí Minh. Cả ba con đều học gỏi, chăm ngoan.

Nguyễn Hoàng Phương từng đoạt giải nhất cuộc thi hùng biện tiếng Anh. Nguyễn Diệu My từng được đặc cách từ lớp 12 lên lớp 13 (Trường quốc tế Anh có lớp 13).

Diệu Hoa kể rằng năm cô con gái đầu lên 7 tuổi và con út 5 tuổi, vợ chồng cô đã cho con đi học bơi. Dạo đó gia đình Diệu Hoa còn sống ở Thái Lan. Sau thời gian ngắn tập cho các cháu những động tác cơ bản, ông thầy người Thái liền “quẳng” các cháu xuống chổ nước sâu. Vợ chồng Diệu Hoa đứng trên bờ hoảng hồn khi thấy các con tay chân đập loạn xạ như sắp chìm nghỉm… Nhưng, rồi chúng cũng biết bơi từ đó. Cũng từ đó vợ chồng cô rút ra bài học là phải để các con ra với cuộc đời thì con trẻ mới chóng trưởng thành chứ không phải chăm bẵm trong nhung lụa.

Chú thích ảnh
Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa trong trang phục truyền thống của người Ấn

Khi tôi hỏi Diệu Hoa về hai nền văn hóa Ấn Độ và Việt Nam hẳn có sự khác nhau thì việc giáo dục các con phải như thế nào? Diệu Hoa nói rằng, chồng cô sinh ra trong một gia đình trí thức lâu đời, bố mẹ đều là bác sỹ nên có nhiều thuận lợi trong việc tiếp thu, chọn lọc những tinh hoa văn hóa để giáo dục con trẻ. Diệu Hoa kể, năm cháu Nguyễn Hoàng Phương 5 tuổi, bị ngã gẫy tay, bác sỹ người Thái bó bột cho cháu, chữa lành vết thương cho Hoàng Phương nhưng nói rằng tay cháu sẽ không duỗi thẳng ra được làm cả nhà lo lắng.

Khi về Việt Nam, ông bà ngoại gợi ý cho vợ chồng Diệu Hoa nên đưa con đi châm cứu. Diệu Hoa bàn với chồng. Tuy chưa biết và chưa hiểu gì nhiều về cách thức chữa bệnh này ở Việt Nam nhưng Maneesh Dane rất tin ở vợ, đã nhờ ông bà ngoại đưa Hoàng Phương đi châm cứu. Bây giờ, cánh tay của Nguyễn Hoàng Phương đã duổi thẳng được, trở lại bình thường như trước, nên cả nhà rất vui.

Có lần, cô con gái thứ hai Nguyễn Diệu Ly đau bụng quằn quại, đến phòng khám, bác sỹ cũng không phát hiện ra căn nguyên. Chính Maneesh Dane đã động viên Diệu Hoa bình tĩnh, chớ lo lắng nhiều vì cả hai bên nội ngoại đều có truyền thống về nghành y, am hiểu y thuật… Cuối cùng, cũng phát hiện ra ca đau ruột thừa “trái khoáy”, ruột thừa của cháu Ly nằm ở vị trí khác biệt với mọi người. Diệu Hoa nói rằng gần như trong mọi việc vợ chồng cô đều có chung một quan điểm dạy con.

Chú thích ảnh
Tổ ấm hạnh phúc của gia đình Diệu Hoa

Ngoài việc dạy các con học chữ, học các sống hòa đồng với mọi người, vợ chồng Diệu Hoa còn dạy  các con học vẽ, học đàn, học bơi… Dạy các con phát triển nhân cách nhiều mặt, phát triển toàn diện, nhưng cũng rất chú trọng đến năng khiếu, tính cách của các con để hướng các con đi đúng, phát triển đúng với thiên hướng của mình.

“Bà ngoại của các cháu nói rằng sau này Diệu My nên học ngoại giao, Diệu Ly kinh doanh, còn Hoàng Phương thì học luật. Điều đó cũng hợp với ý định của vợ chồng em… Là nói vậy thôi chứ mình phải tôn trọng sự lựa chọn của các cháu” - Hoa Hậu Nguyễn Diệu Hoa tâm sự.

Lần gia đình Diệu Hoa đến thăm anh chị em ở báo Tiền Phong cách đây mấy năm, tôi có hỏi hai cô con gái của Diệu Hoa “Làm con của một hoa hậu nổi tiếng, các cháu cảm thấy thế nào?”. Cả hai đều nói: “ Chúng cháu tự hào nhưng… cũng phải cố gắng rất nhiều ạ”. 

Khi đặt bút viết bài này, tôi muốn nhắn nhủ với những cô gái trẻ tham dự các cuộc thi hoa hậu rằng: Trở thành hoa hậu ngoài vinh quang, niềm vui còn có trách nghiệm cũng rất nặng nề với gia đình, cộng đồng và xã hội, cũng phải phấn đấu, học tập nhiều như hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa.

Hoa hậu Diệu Hoa: Cuộc

Hoa hậu Diệu Hoa: Cuộc "tái xuất" thành công của bà mẹ 3 con

Tôi rất hạnh phúc và tự hào. Tự hào vì lần đầu tiên người đẹp VN đã có được tiếng nói xứng đáng trong một cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ thế giới.

Dương Kỳ Anh

Nhà vườn Sóc Sơn 2018

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm