Chữ và nghĩa: Nước mắm to

14/06/2023 07:21 GMT+7 | Văn hoá

"Mẹ cho con nước mắm to cơ!". Cô con gái nọ (còn đang tuổi mẫu giáo) gào lên, nhất quyết đòi mẹ phải đáp ứng yêu cầu của mình trong bữa ăn. 

Bà mẹ trẻ nhìn mấy vị khách (đang ngồi cùng mâm trong gia đình) vừa cười vừa ngượng nghịu phân bua: "Nói với năng! Cháu hâm quá phải không các bác? Ý cháu là mẹ phải rót thêm nước mắm chứ không ít thế. Đây, để mẹ rót thêm bát khác. Nhưng con không được ăn nhiều quá, không tốt đâu nhé!".

Cô con gái nhỏ kia có "hâm" khi nói thế không nhỉ? Không cần bà mẹ "phiên dịch", gần như mọi người chứng kiến ai cũng hiểu ý của cháu muốn gì. Cái khác lạ ở đây là ở cấu trúc không bình thường mà cô bé đưa ra: "Nước mắm to".

"Nước mắm" (danh từ) và "to" (tính từ) có thể kết hợp với nhau (thành một ngữ danh từ) như các kết hợp bình thường khác của tiếng Việt. Nhưng xét về mặt logic ngữ nghĩa thì "nước mắm" (dung dịch) chỉ có thể với các tính từ chỉ đặc thù, tính chất của nó, như "nước mắm mặn/ nhạt", "nước mắm thơm/ không thơm (có mùi)", "nước mắm màu vàng/ màu đen", "nước mắm nhỉ/ chắt", "nước mắm nhiều/ ít"… Chứ các tính từ chỉ kích thước, như "to/ nhỏ", "rộng/ hẹp"… không bao giờ có thể kết hợp với "nước mắm" (hay bất kỳ loại chất lỏng nào khác).

Chữ và nghĩa: Nước mắm to - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Các em bé đang trong quá trình thụ đắc ngôn ngữ, chưa đủ ngữ năng để chọn một từ ngữ phù hợp, chuẩn xác, tinh tế. Nhưng người lớn vẫn đoán ra và hiểu cũng bởi dựa vào mạch suy luận tư duy trên cơ sở sự tri nhận thô sơ của trẻ. Ở đây, bé đã nhầm phạm trù số lượng "nhiều/ ít" sang phạm trù kích thước "to/ nhỏ". Cả hai phạm trù có cái chung là theo thang mức độ và từ cái chung này, người lớn đoán được ý đồ của bé.

Một bé khác, nói với mẹ: "Mẹ ơi, nóng quá! Mẹ mở cho con cái áo!". Cũng sử dụng từ "mở" này, một bé khác nói: "Mẹ mở cho con quả vải!". Lại cũng một bé khác nói: "Mẹ mở cho con cái nắp con ốc!". Trong ba trường hợp này, các em không dùng sai cấu trúc kết hợp mà nhầm lẫn về lựa chọn biến thể từ ngữ (chọn một biến thể sử dụng thích hợp với ngữ cảnh). "Mở" là một động từ có nghĩa khái quát "làm cho (vật) không còn ở trạng thái bị đóng kín" (mở cửa, mở cổng, mở van).

Từ này có những biến thể thực tế (nằm trong trường nghĩa chung của "mở"), như "cởi áo" (mở cúc để bỏáo ra), "bóc quả vải" (tách cái vỏ để lộ ra cùi vải phía trong), "khêu ốc" (lật cái vảy ốc (mà cô bé nói "nắp con ốc") để lộ phần ruột ốc, sau đó dùng gai (hoặc vật cứng nhọn) để lôi ruột ốc ra)…

Có lần (cách đây trên 13 năm), một sinh viên Ba Lan học tiếng Việt, khi kể lại cho tôi về sự cố máy bay thời điểm đóđã mô tả: "Khi hạ cánh, phi công đã mắc một đàn lỗi" và "tình hình càng phút càng nghiêm trọng". Đúng ra, anh phải nói: "…phi công đã mắc một loạt lỗi" và "tình hình càng lúc càng nghiêm trọng"…

Những cách dùng được coi là "ngô nghê" như vậy là thường thấy đối với trẻ em đang quá trình học nói, hoặc người nước ngoài đang trong quá trình học tiếng Việt. Sai sót trong quá trình thụ đắc ngôn ngữ là chuyện thường tình. Nhưng cũng nhờ đó mà các nhà ngôn ngữ nhận ra "tính lý do" hoặc "tính vấn đề" của những sai sót/ lỗi thường gặp để có cách điều chỉnh cho hợp lý trong quá trình dạy tiếng.

Em đòi mẹ "nước mắm to"

Mà mẹ vẫn hiểu và cho là thường!

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm