“Miền sa mạc” cũng chìm trong lũ dữ

02/11/2010 11:01 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Hàng nghìn ngôi nhà tại Ninh Thuận và Khánh Hòa - nơi có nhiều diện tích được xem là “miền sa mạc” của Việt Nam - bị hư hại, đã có 6 người chết và mất tích, cuộc sống người dân tiếp tục gặp khó khăn do lũ lớn.

Trong 3 ngày qua lũ hầu hết các sông thuộc hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận lên cao vượt báo động 3 đã gây ngập lụt cục bộ, làm chia cắt giao thông nhiều nơi trên QL 1 và nhiều xã ở 2 địa phương này.

Ninh Thuận: “Vỡ đập nước đổ mạnh về xuôi”

Từ 7 giờ sáng 31/10 đến 9 giờ 1/11, tỉnh Ninh Thuận có mưa to với lượng mưa phổ biến từ 300 - 450 mm, gây lụt lớn trên địa bàn tỉnh. Trên các tuyến QL 1A, QL 27 đi Đà Lạt bị chia cắt nhiều đoạn, nước tràn qua mặt đường từ gần 1m; các tuyến đường tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã bị chia cắt ở nhiều khu vực, hàng trăm người dân bị cô lập giữa vùng nước lũ đang cần cứu hộ, cứu nạn.


Cứu hộ dân ở TP Nha Trang. Ảnh: Quang Đức

Sáng sớm ngày 1/11, được tin hồ Phước Trung (huyện Bác Ái) đang thi công có nguy cơ bị vỡ, chúng tôi lên đường tới hiện trường. Đến đầu đường 21/8 TP Phan Rang - Tháp Chàm, nước đã ngập hơn nửa mét nên phải đi vòng đường bờ đê sông Dinh để lên QL 27. Khi đến trạm biến thế Tháp Chàm nước đã lên hơn nửa mét, chúng tôi đã cố vượt qua, nhưng đến khu vực đèo Cậu nước đã ngập sâu không thể đi, lực lượng công an, dân phòng kiên quyết ngăn không cho đi tiếp. Đang chuẩn bị quay về, chúng tôi nhận được điện thoại của bà Pinăng Thị Thủy, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết: Đập Phước Trung bị vỡ, nước đang đổ mạnh về xuôi.

Thiên tai làm 173 người chết và thiệt hại 8.500 tỷ đồng 

Hôm qua 1/11, Tổng cục Thống kê cho biết: từ 21/9 đến 21/10, thiên tai đã làm 173 người chết và mất tích, 168 người bị thương, tổng thiệt hại trên 8.500 tỷ đồng. Riêng 2 đợt mưa lũ trong tháng 10 đã làm Hà Tĩnh thiệt hại lớn nhất với 5.200 tỷ đồng, Quảng Bình 1.900 tỷ đồng và Nghệ An 1.200 tỷ đồng.

Không đi được Phước Trung, chúng tôi quay về Thuận Bắc, nhưng đến cầu Ngòi (trên QL 1A) cũng bị lực lượng bảo vệ cấm băng qua; vòng xuống Tri Hải (huyện Ninh Hải) bị dòng nước và trụ điện thoại đổ chắn ngang đường, đành phải quay về trụ sở Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh.


Trong cuộc hành trình trên QL 27, QL 1A, tỉnh lộ 703 chúng tôi tận mắt chứng kiến nhà cửa, ruộng vườn ở 2 bên đường ngập chìm trong nước. Tại khu vực Lương Can (xã Nhơn Sơn) lực lượng Công an tỉnh đang khẩn trương cứu hộ người dân bị kẹt trong vùng lũ. Xã Hộ Diêm (huyện Thuận Bắc) thông báo, hiện có nhiều người dân ngồi trên nóc nhà, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận, Nguyễn Đức Dũng chỉ đạo Công an tỉnh điều ca nô đến cứu.


Phan Rang ngập chìm trong nước lũ. Ảnh: Đức Ánh

Các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Hải trong hoàn cảnh khó khăn không kém, trên vùng đất mệnh danh “vùng cát trắng”, “vùng sa mạc” cũng bị “nước ngập trắng đồng”; các xã, thị trấn trong các huyện đều bị chia cắt, bởi nước ngập đường giao thông, ngập khu dân cư. Nhân dân Khánh Hải (huyện Ninh Hải) đề nghị cho xẻ bờ kè để nước thoát nhanh ra biển, nhưng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh chưa đồng ý. Các đơn vị bộ đội, công an cùng lực lượng xung kích tập trung cứu dân, nhất là dân bị kẹt tại vùng lũ.

Trên tuyến đê sông Dinh, các đơn vị quân sự tỉnh, Đoàn Đặc công 5 cũng đang tiến hành gia cố đê, di dời dân, bảo vệ TP Phan Rang - Tháp Chàm. Lực lượng CSGT, dân phòng luôn túc trực ngày đêm, làm nhiệm vụ phân luồng giao thông, ngăn không cho phương tiện và người qua lại tại các vùng nguy hiểm. Trung đoàn 319 (đang thi công tuyến đường ven biển tại Ninh Thuận) đã tự nguyện bố trí nhân lực, phương tiện ngày đêm bảo vệ ao nuôi tôm của nhân dân trong vùng...


Lực lượng cứu hộ giúp dân sơ tán khỏi lũ. Ảnh: Đức Ánh

Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Ninh Thuận, đến trưa ngày 1/11 nước lũ đã làm ngập hơn 1.100 ngôi nhà, 56 nhà bị sập, đổ, hư hỏng, 2 nhà tốc mái; 2 người ở huyện Ninh Phước bị mất tích. Hơn 8.000 ha lúa và hoa màu bị ngập; 20 con dê, bò, lợn bị chết; 8 chiếc thuyền bị chìm, gần 70ha ao nuôi tôm, cá bị ngập và vỡ bờ; 140m tường rào bị đổ; hồ Phước Trung đang thi công bị vỡ; 450m kênh mương bị sạt. Nhiều tuyến đường trong tỉnh bị sạt lở và ngập sâu; nước lũ làm trôi vai đường sắt phía hạ lưu (sâu 0,5m, rộng 0,8m)...

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh tiếp tục chỉ đạo tiến hành gia cố đê sông Dinh; di dời người và tài sản đến nơi an toàn (đã di dời 3.164 hộ/ (với 12.556 người); chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống tại chỗ để giúp cho nhân dân trong thời gian tránh lũ. Đồng thời, thông báo cho học sinh, giáo viên tại các trường trong tỉnh nghỉ học trong 2 ngày mùng 1 và 2/11. Mực nước trên các sông tại Ninh Thuận đang ở mức trên báo động 3; tại Khánh Sơn (Khánh Hòa) xảy ra lũ lớn, nước sẽ tiếp tục đổ về Ninh Thuận; hồ Phước Trung bị vỡ nên khả năng mực nước sẽ dâng cao cục bộ.

Khánh Hòa: Dân nuôi tôm thiệt hại nặng

Sáng 30/10 mưa bắt đầu nặng hạt tại hầu khắp các huyện của Khánh Hòa và cứ thế, mưa như trút nước. Ngày 1/11 ở TP Nha Trang, lượng mưa đo được xấp xỉ 600mm, bằng 1/3 lượng mưa trung bình của cả năm ở tỉnh Khánh Hòa. Các huyện, thị xã trong tỉnh lượng mưa cũng không hề nhỏ, từ trên 200mm - 460mm.


Một chiếc thuyền bị chìm trên sông Cái. Ảnh: Bá Dương

Ở Nha Trang, sau những trận mưa lớn, nhiều con đường trong nội thị bỗng chốc biến thành sông, chỉ có thể di chuyển bằng ghe xuồng. Tại phường Ba Ngòi (thị xã Cam Ranh) mưa đã làm ngập 30ha đìa nuôi tôm, khi tôm đang ở độ 2 tháng tuổi, thiệt hại hơn 12 tỷ đồng. Tại xã Cam Thành Nam (thị xã Cam Ranh), tình trạng sạt lở đất canh tác đang diễn ra nghiêm trọng, thiệt hại ban đầu ước tính 4 tỷ đồng. Chỉ ngày đầu tiên, mưa to đã làm 23 căn nhà bị sập, con số này cứ tăng dần, đến trưa 1/11 đã có 47 ngôi nhà sập. Tại Nha Trang, đã có 8 chiếc tàu của ngư dân bị chìm, nhưng chỉ mới trục vớt được 1 chiếc.

Khánh Hòa đã có 3 người chết, một trường hợp mất tích vì mưa lũ. Trong đó, có hai nạn nhân ở huyện Diên Khánh là ông Võ Văn Luận 55 tuổi, bị điện giật chết trong khi chặt cây; một cháu bé 10 tháng tuổi ở xã Diên Thạnh chết do rơi xuống bậc thềm nhà và ngộp nước. Ở huyện Ninh Hòa, ông Tăng Khánh Lộ (79 tuổi) trên đường đi ăn sáng, do ngã đã bị nước cuốn trôi. Nạn nhân mất tích là ông Nguyễn Văn Quê (sinh năm 1953), trú ở xã Vĩnh Ngọc (TP.Nha Trang), trong lúc chèo xuồng qua sông Cái thăm con, ông Quê đã bị lật xuồng và nước cuốn trôi.

Những ngày qua, lực lượng cứu hộ đã tiến hành di dời 270 hộ (1.034 người dân) ở các điểm ngập lụt đến nơi trú ẩn an toàn. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa cho biết: Hiện tại, mực nước trên các sông đang ở mức cao, diễn biến mưa lũ còn rất phức tạp. Ban chỉ huy đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục triển khai các phương án phòng chống lũ và đề phòng lũ quét, sạt lở đất theo phương châm “4 tại chỗ”.

Mưa lũ ở Nam Trung bộ

Từ đêm 1/11, mực nước trên các sông từ Phú Yên đến Bình Định sẽ lên, sau đó đến các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Thừa Thiên - Huế. Đợt lũ này có thể kéo dài nhiều ngày, các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận có khả năng lên mức báo động 2 - báo động 3, nhiều nơi trên báo động 3, riêng các sông từ Khánh Hòa đến Bắc Bình Thuận đạt lũ đặc biệt lớn.

Ngoài ra, ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, ở các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Ngoài ra, các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế từ chiều nay (2/11) có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Trong cơn dông cần đề phòng có tố, lốc và gió giật mạnh.

P.V


Nhóm PV: Đ.A - T.M - T.N

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm