Chào tuần mới: Ngựa giấy và vàng mã

14/08/2023 07:22 GMT+7 | Văn hoá

Cuối cùng thì "ông Tây và con ngựa giấy" - câu chuyện chiếm sóng mạng xã hội trong suốt 2 tuần qua - đã đi tới một cái kết đẹp trong những ngày vừa rồi.

Vắn tắt, mọi thứ bắt đầu từ sự say mê với một con ngựa giấy lớn - món đồ mã Việt Nam khá phổ biến - của vị khách du lịch có tên Arnaud đang sống và làm việc tại Pháp và Mexico. Sau 3 tuần thăm Hà Nội, trên chuyến bay trở về vào đầu tháng 8, anh xách theo con ngựa giấy này nhưng phải bỏ lại vì quá kích thước so với chuẩn hành lý xách tay.

Rất nhanh, bức ảnh ghi lại cảnh Arnaud ngơ ngác ôm con ngựa giấy giữa sân bay đã xuất hiện trện mạng xã hội.

Vô vàn cảm xúc đã được độc giả Việt Nam chia sẻ quanh bức ảnh của Arnaud - mà ở đó, cảm hứng chủ đạo là sự thích thú, cũng như… luyến tiếc hộ "ông Tây" vì không thể mang món đồ đặc biệt này về nhà. Và tất nhiên, rất nhiều người trong số này ngỏ ý sẽ tặng Arnaud những con ngựa giấy còn đẹp hơn thế, khi anh quay lại Việt Nam.

Chào tuần mới: Ngựa giấy và vàng mã - Ảnh 1.

Bức ảnh được lan truyền trên mạng xã hội. Nguồn: Internet

Để rồi, không cần chờ đợi thêm, trong tuần qua, một độc giả nhiệt tình đã cùng bạn bè đứng ra góp tiền, tìm mua và gửi sang tận Pháp cho Arnaud một con ngựa giấy - vàng mã tương tự. Không cần nói, chúng ta cũng hiểu món quà ấy khiến "ông Tây" này thích thú, cảm động và hào hứng trước viễn cảnh thăm lại Hà Nội như thế nào…

            ***

Không khó để nhìn ra ở đây những nét tích cực của độc giả trong vai trò "chủ nhà" trước một du khách yêu văn hóa bản địa. Nhưng cũng phải nhắc đến một yếu tố khác: Điều khiến cộng đồng "sốt xình xịch" đến vậy gắn với việc ông Tây này ôm món một đồ mã về làm quà - chuyện gần như không thể có ở Việt Nam trong cuộc sống ngày thường.

Đáng nói hơn, như chia sẻ của Arnaud, sau khi mua con ngựa chỉ vì… đẹp, anh mới biết đây là món đồ được làm ra để đốt và cung tiến cho thế giới tâm linh. Và, điều đó lại càng khiến vị du khách này thêm thú vị với món đồ.

Như thế, trong một chừng mực, thứ sản phẩm gắn với tâm linh này đã được thay đổi chức năng sử dụng, theo góc nhìn và cảm xúc của người đến từ một nền văn hóa khác: Từ thực hành nghi lễ (đốt) chuyển sang vật phẩm để chiêm ngưỡng và lưu lại kỷ niệm.

Thực tế, dù còn có những biến tướng nhất định, vàng mã vẫn là một sản phẩm thủ công đặc biệt của văn hóa Việt Nam. Ở đó, người ta có thể bắt gặp từ những tri thức và kĩ thuật thủ công bản địa về trổ giấy, dán giấy, đan, nấu hồ…, cho tới những nghi thức gắn với tín ngưỡng truyền thống của nhiều địa phương khác nhau trên cả nước. Và rõ ràng, đó là những "nguyên liệu" rất giá trị để tạo ra những sản phẩm văn hóa bản địa giàu ý nghĩa và có giá trị mỹ thuật nhất định.

Ở một chừng mực, nhiều người sẽ nghĩ tới những gì từng xảy ra với tranh làng Sình - loại tranh dân gian tại Huế được sản xuất cũng để… đốt trong các nghi thức tâm linh như vàng mã. Theo thời gian, với sự thay đổi của cuộc sống hiện đại, tranh làng Sình đã dần trở thành vật phẩm lưu niệm khá nổi tiếng tại đây - trong khi nơi khai sinh ra nó luôn là địa chỉ thu hút du khách xa gần. Rõ ràng, tranh làng Sình đã đóng góp đáng kể vào việc phát triển "công nghiệp văn hóa" của địa phương.

Có thể nói việc những con ngựa giấy - vàng mã được sưu tầm bởi những vị khách phương xa như Arnaud là khá hy hữu. Nhưng chắc chắn, nếu được chia sẻ tốt, những câu chuyện về xuất xứ, tập tục, kĩ thuật chế tác… của vàng mã trước mắt đã đủ sức khiến nhiều du khách quốc tế thấy thú vị, nếu họ đặt chân tới bất cứ điểm du lịch gắn với tín ngưỡng nào.

Giống như, với "bộ sưu tập" mà Arnaud đã "lượm lặt", mang về từ Hà Nội và chia sẻ trên mạng xã hội - gồm cả mũ cối, điếu cày, chiếu cói, cốc thủy tinh uống bia, mặt nạ mẹt, đó bắt cá -, hẳn "ông Tây" này sẽ còn thú vị hơn rất nhiều, nếu biết tường tận những câu chuyện gắn với mỗi vật phẩm trong cuộc sống thường ngày ấy…

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm