Chào tuần mới: Lấy niềm vui học sinh làm trung tâm

05/09/2023 06:13 GMT+7 | Văn hoá

Kết thúc kỳ nghỉ lễ, chúng ta bước sang ngày 5/9 - cột mốc gắn với những lễ khai giảng trên toàn quốc.

Người viết muốn mở đầu bằng một câu chuyện từ năm 2019. Khi đó, theo đề xuất từ Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, lịch nghỉ lễ Quốc khánh hàng năm nên được điều chỉnh để diễn ra trong 4 ngày từ 2 - 5/9. Ngoài lợi ích cho người lao động, phương án này còn xuất phát từ việc giúp các phụ huynh có thể đưa con tới trường trong ngày khai giảng năm học.

Không thành hiện thực, nhưng điều đó cho thấy một thực tế: lễ khai giảng của chúng ta đã dần trở thành câu chuyện của cả xã hội, chứ không chỉ với học sinh.

Đơn cử, cứ vào dịp này, trên khắp mạng xã hội, rất nhiều phụ huynh nhắc lại sự náo nức, hồ hởi khi xưa của mình trong ngày khai trường, khi gặp mặt bạn bè và bước vào ngôi trường quen thuộc sau 3 tháng Hè. Sự náo nức ấy giờ đây dường như đã rất khác với con em họ - khi hầu hết chúng đều đã đến trường từ trước đó, sau một kỳ nghỉ Hè khá ngắn.

Chào tuần mới: Lấy niềm vui học sinh làm trung tâm - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Kiều Oanh, người điều hành Hệ thống mầm non AMG Kindergarten đánh trống khai giảng năm học mới 2023 - 2024. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Rồi, đều đặn, trước ngày 5/9 hàng năm, chúng ta luôn thấy 2 động thái song song diễn ra: Một bên là sự lo lắng của phụ huynh và cộng đồng về những lễ khai giảng khô cứng, nặng về hình thức khiến các học sinh phải chịu trận hàng tiếng đồng hồ; một bên là những chỉ đạo tới tấp của ngành giáo dục về việc những lễ khai giảng cần gọn nhẹ, có trọng tâm, bớt "kính thưa" và "vinh dự đón tiếp".

Chẳng có gì lạ, một nền giáo dục sẽ thay đổi khi nhận thức và nhu cầu của xã hội thay đổi. Mà lễ khai giảng vẫn luôn được mặc định là một sự kiện lớn thường niên của ngành giáo dục, nên nó tất yếu gắn với sức ép lẫn kỳ vọng của cộng đồng.

Vậy, làm sao để có những lễ khai giảng thật sự vui và ý nghĩa? Câu trả lời nằm ở cách tiếp cận của chính chúng ta. Nếu ngành giáo dục không nên gắn lễ khai giảng với sự cứng nhắc, nặng về phô trương và hình thức thì ngược lại, các bậc phụ huynh cũng cần có sự tâm lý và bao dung, để đừng trút lên nó những ám ảnh không vui hay sự bất an của mình với những gì còn chưa hoàn thiện trong xã hội.

Muốn hay không, lễ khai giảng vẫn cần được tồn tại, khi nó là một sự kiện mang tính biểu trưng với các em học sinh. Có thể sẽ tới lúc, những ngày lễ khai giảng sẽ diễn ra linh hoạt theo từng thời điểm. Có thể, chúng sẽ được… rút gọn đến mức tối đa, thậm chí thiên về những hình thức vui chơi, hội chợ, biểu diễn văn nghệ - như đề xuất của khá nhiều người. Nhưng, đó là câu chuyện của tương lai, khi nhận thức và nhu cầu tiếp tục thay đổi thêm bước nữa.

Còn bây giờ, hãy cứ mong đợi các lễ khai giảng của chúng ta sẽ cùng biết lấy học sinh - và niềm vui của các em - làm trung tâm, thay cho bất cứ điều gì khác.

Trí Uẩn

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm