Chào tuần mới: Khi điện ảnh gặp du lịch

27/11/2023 14:00 GMT+7 | Văn hoá

Tại lễ trao giải Liên hoan phim Việt Nam 2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã trao giải thưởng Cao nguyên hùng vĩ cho phim Em và Trịnh (đạo diễn: Phan Gia Nhật Linh), nhằm biểu dương các đóng góp của đoàn phim này khi quảng bá các cảnh quay đẹp tại địa phương.

Vì liên hoan phim này luân phiên tổ chức ở các tỉnh thành, nếu nơi nào cũng có giải thưởng tương tự, thì càng khích lệ sự tìm tòi của các đoàn phim khi chọn cảnh quay tại địa phương.

Không cần đợi đến những thước phim điện ảnh khán giả toàn quốc mới biết đến vẻ đẹp của vùng đất Đà Lạt (Lâm Đồng). Nhưng nhờ những thước phim điện ảnh, vẻ đẹp của vùng đất này càng được tôn vinh, lưu giữ, để theo thời gian, người ta có thêm các phim xưa để hồi tưởng, để so sánh, để tìm lại hình ảnh ngày trước qua bao lần đổi thay.

Chào tuần mới: Khi điện ảnh gặp du lịch - Ảnh 1.

Avin Lu (trái) - vai Trịnh Công Sơn thời trẻ và Hoàng Hà - vai Dao Ánh. Ảnh: Thanh Huyền/vnexpress.net

Chưa kể đến phim ảnh hoàn toàn có khả năng trở thành một kênh quảng bá du lịch, không trực tiếp, nhưng hiệu quả. Còn nhớ, khi bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh công chiếu năm 2015, bãi Xép ở Phú Yên bỗng trở thành một địa điểm du lịch thu hút và những năm trở lại đây thường trở thành địa điểm cần phải đến trong danh sách tham quan của du khách.

Hoặc trường hợp phim Kong: Đảo Đầu Lâu (Kong: Skull Island) năm 2017, với bối cảnh chính ở Tràng An (Ninh Bình) và Quảng Bình. Với tầm ảnh hưởng của một bom tấn Hollywood, có thể nói phim đã góp phần quảng bá đáng kể cho những điểm du lịch nổi tiếng ở nước ta với khán giả quốc tế.

Trên thế giới, không hiếm những địa điểm trở nên nổi tiếng, thành địa điểm tham quan, du lịch nhờ các tác phẩm điện ảnh. Thậm chí một chiếc ghế bình thường đặt ở công viên bỗng hóa đặc biệt nhờ xuất hiện trong phim Forrest Gump. Với thói quen "đánh dấu" bằng những bức ảnh - trong thời buổi thống trị của mạng xã hội - thì nếu du khách có đến chỉ để chụp hình trước một bức tường, một góc đường từng xuất hiện thoáng qua trên phim thôi, cũng là điều dễ hiểu. Du lịch, đôi khi, thu hút bởi những điều tưởng chừng nhỏ bé như vậy.

Yếu tố "hương xa" có nhiều tiềm năng trở thành xu hướng để thu hút khán giả đến với phim điện ảnh. Ra khỏi những bối cảnh đô thị hoặc các cảnh cũ người xưa đã trở nên qua quen thuộc, khán giả cũng có nhu cầu được giới thiệu những vũng đất khác, những chân trời khác. Không hiếm khán giả muốn đến rừng tràm Trà Sư (An Giang) trong Đất rừng phương Nam, Sapa (Lào Cai) trong Những đứa trẻ trong sương, hoặc trước đây là ngôi nhà trong phim Chuyện của Pao (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang).

Chú trọng tính địa phương trong điện ảnh cũng cần phải đảm bảo ngôn ngữ điện ảnh của một tác phẩm, tránh biến phim trở thành minh họa, video clip, một dạng sản phẩm quảng bá du lịch thuần túy.

Trở lại với việc trao tỉnh Lâm Đồng trao giải Cao nguyên hùng vĩ cho phim Em và Trịnh, điều này đã thể hiện khả năng "hợp tác" giữa điện ảnh và du lịch. Sự hợp tác này còn cần các địa phương có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các đoàn làm phim, để một bên có thể thuận lợi hơn trong việc tạo ra tác phẩm điện ảnh chất lượng, một bên quảng bá được hình ảnh địa phương, thu hút du khách nhiều hơn nữa.

An Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm