Nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam sẽ dùng lò phản ứng hiện đại hơn nhiều!

17/03/2011 11:02 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Việt Nam có bị ảnh hưởng bởi các sự cố nhà máy điện hạt nhân từ Nhật Bản hay không? Nhà máy điện hạt nhân sắp được khởi công của Việt Nam sẽ như thế nào trước những rủi ro thiên tai? Đó là những vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm sau sự cố nhà máy điện hạt nhân do động đất và sóng thần tại Nhật Bản.

>> Chuyên đề: Động đất, sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản

Việt Nam không bị ảnh hưởng

Ngày 16/3 Bộ KHCN đã tổ chức họp báo để đưa ra những thông tin chính thức trả lời những câu hỏi trên, tránh những tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận. Thứ trưởng Bộ KHCN Lê Đình Tiến khẳng định: Việt Nam cảnh giác và tính toán đến mọi tình huống trước khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Tiến: Ngay sau khi xảy ra sự cố của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, Bộ KHCN đã thành lập Tổ công tác bao gồm các nhà quản lý và chuyên gia của Bộ để thường xuyên theo dõi diễn biến sự cố, trực tiếp làm việc với đại diện công ty phát triển điện hạt nhân Nhật Bản tại Việt Nam, cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế IAEA để kịp thời có nguồn tin chính xác. Ngày 15/3, Bộ KHCN đã có báo cáo gửi Chính phủ về tình hình xung quanh sự cố nhà máy Fukushima I. Tổ công tác sẽ hoạt động liên tục, thông tin sẽ được cập nhật từng ngày và được Bộ thông báo kịp thời.

TS Đặng Thanh Lương: “Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi sự cố điện hạt nhân từ Nhật Bản”

Liên quan tới những tin đồn “mưa axit” do ảnh hưởng của các đám mây hạt nhân” gây hoang mang cho người dân Việt Nam trong thời gian qua, TS Đặng Thanh Lương, Phó Cục trưởng Cục an toàn bức xạ hạt nhân cho biết: Các đám mây phóng xạ từ sự cố Fukushima I đều bay lên phía Đông Bắc của Nhật Bản và có xu hướng bay ra biển, không có khả năng bay xuống phía Việt Nam chúng ta.

Hiện Cục an toàn bức xạ hạt nhân có trạm quan trắc đo phóng xạ 24/24 tại Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, TP.HCM, Hải Phòng và sắp tới sẽ xây dựng mạng lưới trên toàn quốc để quan sát hiện tượng bức xạ xuyên biên giới. Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cũng đo phóng xạ trong không khí song không có dấu hiệu bất bình thường. TS Đặng Thanh Lương nhấn mạnh: “Có thể khẳng định chắc chắn lãnh thổ Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi sự cố điện hạt nhân từ Nhật Bản”.

Hơn nữa, theo nhận định của TS Đặng Thanh Lương: Vụ nổ tại các tổ máy là do oxy trong không khí kết hợp với hydro sinh ra trong vùng hoạt lò do hiện tượng oxy hóa vỏ thanh nhiên liệu, vụ nổ đã làm vỡ phần tường và mái bê tông của nhà lò phản ứng. Đây là các vụ nổ khí hydro. Các vụ nổ này chưa ảnh hưởng đến kết cấu an toàn của lò.

Thế hệ lò phản ứng hiện đại hơn nhiều

Theo TS Đặng Thanh Lương, hai lò phản ứng hạt nhân xảy ra sự cố tại nhà máy điện Fukushima I thuộc loại lò thế hệ cũ, đời đầu thế hệ 2, được thiết kế với khả năng chống động đất ở mức thấp hơn cường độ động đất đã xảy ra. Khi sự cố xảy ra, các hệ thống dừng lò khẩn cấp đã hoạt động theo đúng chức năng thiết kế. Máy phát điện diezel dự phòng hoạt động ngay lập tức sau khi mất điện lưới để cung cấp cho hệ thống làm mát khẩn cấp và hoạt động liên tục trong 1 giờ, trước khi có sóng thần ập đến làm ngập lụt và hư hại máy phát điện dự phòng.

Điểm yếu của thiết kế loại lò này là không có hệ thống an toàn thụ động, là hệ thống hoàn toàn tự động xử lý khi có sự cố mà không phụ thuộc vào nguồn điện hoặc sự can thiệp của con người. Do đó khi mất điện, hệ thống làm mát khẩn cấp đã không hoạt động được, dẫn đến sự cố mất nước, làm tăng nhiệt độ và áp suất vùng hoạt lò phản ứng.

Mô hình lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima I của Nhật Bản

PGS-TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho rằng, từ sự cố của Nhật Bản, chúng ta cần tổ chức nghiên cứu, đầy đủ rồi rút bài học cho mình.

Theo phân tích của PGS-TS Vương Hữu Tấn: Thế hệ công nghệ, lò phản ứng hạt nhân Fukushima I xây dựng từ những năm 60 (cuối thế hệ 1, đầu thế hệ 2). Hệ thống an toàn của loại lò này cần phải có điện để khởi phát hệ thống làm lạnh của lò. Sau khi lò dừng hoạt động vẫn phải tỏa nhiệt dư trong lò, phải khởi phát hệ thống bơm khẩn cấp. Nhưng sóng thần làm tê liệt hệ thống phát điện diezel cung cấp cho máy bơm.

Còn với các thế hệ lò phản ứng sau hiện đại hơn nhiều, Việt Nam được khuyến cáo sẽ lựa chọn lò phản ứng thế hệ 3 hoặc 3+, có sử dụng hệ thống an toàn thụ động. Khi xảy ra sự cố tương tự Fukushima I, nhà máy sẽ tự động xử lý hiện tượng giải nhiệt bằng các cơ chế tự nhiên, không cần tác động của con người cũng như không cần sử dụng nguồn điện bổ sung.

Theo PGS-TS Vương Hữu Tấn việc chọn điểm xây nhà máy điện hạt nhân là vấn đề quan trọng có liên quan đến sự an toàn của nhà máy. Việc lựa chọn địa điểm căn cứ trên ba nhóm tiêu chí chính. Thứ nhất, yếu tố tự nhiên như động đất, núi lửa, sóng thần...; thứ hai là các yếu tố do con người tác động, như có sân bay, nhà máy hóa chất, đường giao thông cận kề hay không...; thứ ba là ảnh hưởng của nhà máy đối với cộng đồng dân cư trong trường hợp hoạt động bình thường hoặc khi xảy ra sự cố. Với sự tư vấn của các chuyên gia từ Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Pháp và IAEA, Việt Nam đã chọn tỉnh Ninh Thuận sau khi cân nhắc các yếu tố trên.

Còn theo TS Ngô Đặng Nhân, ở Nhật thường xuyên xảy ra động đất và họ có thiết kế để chống động đất. Các lò đã thiết kế chịu được động đất 7,3 độ richter, nên khi động đất cao đến 9 độ richter như vừa qua kết hợp với sóng thần thì đã không chống đỡ được. Ở Việt Nam, tại khu vực xây dựng nhà máy điện hạt nhân, có khả năng động đất không xảy ra như ở Nhật, song chúng ta cũng phải tính toán mức rủi ro cao nhất để xây dựng cho an toàn. Hiện Bộ KHCN đang tiếp tục xây dựng tiêu chí, xin ý kiến các Bộ, ngành. Trên cơ sở đó, các tình huống khẩn cấp như: động đất, sóng thần, thiên tai, lũ lụt... sẽ được tính toán kỹ lưỡng.

Theo TS Ngô Đặng Nhân, các đòi hỏi liên quan đến an toàn hạt nhân là rất nghiêm ngặt, ngoài công nghệ còn có yếu tố con người, Việt Nam cần phải đào tạo đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp trong nghiên cứu và vận hành. Thêm vào đó là xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tuân thủ quy trình quy phạm, vận hành bảo dưỡng, xây dựng và tự giác thực hiện văn hóa an toàn hạt nhân.  

Mạnh Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm