Các tiền đạo Nam Mỹ bùng nổ ở Premier League: Tỏa sáng nhờ khát khao

19/01/2015 19:26 GMT+7 | Bóng đá Anh

(Thethaovanhoa.vn) - Sergio Aguero, Alexis Sanchez và Diego Costa đang là những điểm sáng rực rỡ của Premier League, lý do chính là bởi khát khao của họ.

Sự khát khao đó xuất phát trước hết từ tinh thần chiến đấu đậm chất đường phố. Nhìn qua bảng xếp hạng những tay săn bàn hàng đầu Premier League, họ là những người thống trị, với chỉ Charlie Austin của QPR chen được chân vào giữa.  

Nam Mỹ - cái nôi của các tiền đạo tài năng

Arsene Wenger đã chứng tỏ nhãn quan sắc sảo của ông khi là người đầu tiên đưa ra nhận xét về sự vượt trội của các chân sút Nam Mỹ, “châu lục duy nhất còn sản sinh ra các tiền đạo tài năng hiện giờ”. Ông đã tìm cách mua Luis Suarez và Gonzalo Higuain, và cuối cùng đã có Sanchez. “Nhìn khắp châu Âu, các tiền đạo tới từ đâu? Rất nhiều, ít nhất 80%, tới từ Nam Mỹ”, Wenger nói. “Nên chúng ta phải tự vấn bản thân: tại sao các học viện trẻ ở đây không còn sản sinh ra những tiền đạo giỏi nữa. Những năm 1960, 1970, ở Anh, thậm chí khi tôi tới năm 1996, mỗi CLB đều có những tiền đạo bản địa xuất sắc. Giờ thì ít hơn hẳn. ĐT Đức đã tới World Cup với (Miroslav) Klose, một tiền đạo 35 tuổi. Có lẽ là do bóng đá đường phố đã biến mất ở đây. Bóng đá đường phố là nơi những đứa trẻ 10 tuổi đá với những đối thủ 15 tuổi. Bạn phải rất tinh quái, khôn ngoan, đầy tinh thần chiến đấu và vượt qua những điều không thể”.

Lập luận của Wenger về “bóng đá đường phố” và “tinh thần chiến đấu” là rất sắc sảo. Jose Mourinho từng mô tả Costa xuất thân “từ một ngôi làng nhỏ hẻo lánh khuất ánh mặt trời, sẽ rất khó khăn để vươn lên đỉnh cao từ đó” (Costa quê ở Lagarto, một thành phố nghèo khó tại tây bắc Brazil).

Sanchez ư? Anh là “con sóc Tocopilla”, một thị trấn nhỏ bụi bặm và khô cằn miền bắc Chile, một nơi tận cùng thế giới với dân số 24.000 người. Aguero? Anh lớn lên ở Los Eucaliptos, nam Buenos Aires và từng trải qua nhiều bữa tối chỉ có bánh mì suông. “Nam Mỹ là một châu lục cực kỳ đa dạng, nhưng họ có một điểm chung: khát khao cháy bỏng, những cầu thủ tới từ Uruguay và Argentina và Chile”, theo bình luận của Tor-Kristian Karlsen, một tay tuyển trạch viên kinh nghiệm từng làm việc ở Bayer Leverkusen và Zenit St Petersburg, đồng thời là cựu giám đốc thể thao của Monaco, đội đang sở hữu Radamel Falcao.

Không ngại dùng cầu thủ Nam Mỹ nữa

HLV Mark Hughes, sau khi Stoke City của ông thúc thủ 0-3 dưới tay Arsenal cuối tuần trước, trận đấu mà Sanchez ghi 2 bàn và chơi rất hay, nói: “Sanchez rất giống Tevez (từng chơi cho Hughes ở Man City). Các cầu thủ Nam Mỹ đầy cảm hứng và quyết tâm”. Ở một giải đấu nhấn mạnh các tố chất đó như Premier League, không có gì ngạc nhiên khi Aguero và Sanchez, cả hai đang ở đỉnh cao sự nghiệp với tuổi 26, tỏa sáng và thống trị giải đấu, dù họ là những mẫu cầu thủ khác nhau. Aguero là một tay săn bàn (dù dễ chấn thương). Sanchez ít ghi bàn hơn, nhưng rất cơ động và đa năng.

Cả Sanchez và Aguero đã ghi bàn trong trận hòa 2-2 ở Emirates hồi tháng 9 và sẽ không có gì ngạc nhiên nếu họ lặp lại điều đó ở Etihad, ngay cả khi Sanchez thường chơi tốt hơn trên sân nhà mùa này. Những ngày mà Robinho và Diego Forlan, hay trước đó nữa, Juan Pablo Angel, thất bại ở Anh, giờ là quá khứ đã xa. Karlsen cho rằng sự toàn cầu hóa của Premier League đã dẫn tới những thay đổi: “Các cầu thủ Nam Mỹ thường bị coi là bất trị, nhưng không phải vì họ xấu tính, mà là vì họ cần được đối xử khác so với các cầu thủ châu Âu. Hiện giờ Premier League có tính quốc tế hơn và nhiều HLV ngoại không ngại sử dụng cầu thủ Nam Mỹ”.

Diego Costa rất giống với Suarez, Aguero, Sanchez và Tevez.

“Điểm chung ở 5 cầu thủ đó là tinh thần chiến đấu, điều mà các cầu thủ ở châu Âu đôi khi phải nặng lời họ mới hiểu. Với những cầu thủ Nam Mỹ, bạn không phải nói một lời nào với họ trong phòng thay đồ, họ sẽ ra sân và chơi với tất cả quyết tâm”, Karlsen bình luận. “Họ yêu việc được chơi bóng. Họ có thể chơi bóng với phong cách khác nhau, nhưng luôn chạy cho đến khi kiệt sức, kết hợp điều đó với kỹ thuật và tốc độ, họ trở nên thật đặc biệt. Một cầu thủ châu Âu sẽ được yêu cầu phải biết phân phối sức lực hợp lý trong trận đấu. Cầu thủ Nam Mỹ thì không thế, tình huống bóng đang diễn ra với họ là tình huống quan trọng nhất. Sự quyết liệt và nguồn năng lượng đó chỉ có nếu bạn trưởng thành từ bóng đá đường phố”.

Karlsen nhớ lại những ví dụ của riêng ông: “Ở các CLB tôi từng làm việc, chúng tôi có khá nhiều cầu thủ Nam Mỹ, và người tôi nhớ nhất là một trung vệ, Lucio người Brazil, tới Bayer Leverkusen năm 2001. Anh ấy luôn rất quyết liệt, khéo léo và mạnh mẽ về tinh thần, là một người chiến thắng ngay từ đầu, là thủ lĩnh trong phòng thay đồ ở trận đầu tiên”.


Trần Trọng (Theo Telegraph)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm