Khi Đạt “rồ” lại… điêu khắc

16/09/2012 06:29 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH Cuối tuần) - Ngày 12, 13/9, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, tức Đạt “rồ”, lại “tái xuất giang hồ” tại sảnh khán phòng Ngụy Như Kon Tum, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội, với một tác phẩm được “quảng cáo” là sẽ khiến người ta phải… thèm thuồng có nó (!) trong một triển lãm mang cái tên khá “kiều diễm”- Trang sức sống - có vẻ trái ngược với người nghệ sĩ không thích trang sức này.

Tại sao những người làm nghệ thuật điêu khắc hay có nickname đằng sau là “điên” với “rồ”? Dân học điêu khắc là dân phải “ăn no, vác nặng” nhất trong các khoa của các trường mỹ thuật, lại ăn nói thô tháp, nghênh ngạo, thẳng thừng nên cái biệt danh “điên, rồ” đi theo họ rất nhiều. Nào là Cơ “điên” (Trần Hoàng Cơ), Đạt “rồ” (Đinh Công Đạt), Ý “điên” (Nguyễn Như Ý), Sáng “điên”… Trong đó, trừ nhà điêu khắc Nguyễn Như Ý là có một dạo điên thật, thì những người còn lại chẳng hề điên rồ tẹo nào. Phải nói thực thì họ đều vừa “gấu biển” vừa khôn ngoan cả. Chắc phải có những phẩm chất như thế mới làm nghề được, bởi vì tác phẩm của họ đều rất có… sức nặng thật sự cả nghĩa đen lẫn bóng, vì điêu khắc tính bằng cân, bằng tấn cả mà!

Tạo hình cánh bướm bằng vỏ trai

Đạt đã làm việc cật lực, rất nhiều việc liên quan đến tạo hình, học từ gốc các nghề sơn mài, làm gốm, làm gỗ, làm đá, không từ gì cả, để kiếm tiền sống và chơi. Anh nói: “Tôi làm việc như một con vật” và thẳng thắn luôn rằng: “Cảm hứng sáng tác nghệ thuật của tôi là nghĩ ra cách chế cái gì đó để bán được thành tiền”. Tốt nghiệp phổ thông, anh học làm nghề chế tác đá quý mỹ nghệ được một năm thì vào lính cao xạ phòng không ba năm. Về nhà, lại đi làm đá quý mất hai năm nữa rồi mới thi vào khoa Điêu khắc trường Mỹ thuật Hà Nội. Lúc mới vào nghề làm tượng và chế tác đá quý, Đạt có được thụ giáo nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế (nguyên Giám đốc xưởng Mỹ thuật quốc gia) về thế nào là điêu khắc. Nhưng không hiểu cái nghề chế tượng be bé trước đây có “ảnh hưởng và được phát triển” trong điêu khắc chuyên nghiệp của anh sau này không, mà Đạt thích làm tượng các con vật (côn trùng và động vật), phóng to nó ra bằng gốm, gỗ. Ngay khi còn là sinh viên, Đạt đã đoạt giải thưởng triển lãm mỹ thuật toàn quốc với một con cua to đùng. Luận văn tốt nghiệp cũng là nghiên cứu về các con thú đá trong điêu khắc cổ.

Ra trường, Đạt thành danh ngay với các tượng điêu khắc phỏng hình côn trùng và động vật làm bằng nhiều chất liệu, phóng rất to gỗ phủ sơn, gốm, sắt: kiến, cóc, châu chấu bọ ngựa, lợn rừng, cá sấu, chó… Cũng may là anh tốt nghiệp vào đúng thời hoàng kim của thời kỳ sau Đổi mới, chứ chỉ chục năm trước, nếu chỉ làm tượng động vật và côn trùng, mà không làm tượng người, chắc có lẽ Đạt sẽ bị quy “lập trường tư tưởng” cũng nên…

“Lột trần” chiếc xe để khảm

Sáng tác điêu khắc hiện đại ở Việt Nam là một con đường rất hẹp. Trừ các cơ quan công quyền “tiêu dùng” tượng đài ra, thì điêu khắc độc lập (tượng tròn, tượng vườn, tượng ngoài trời) có mặt rất hiếm hoi ở nhà dân và nơi công cộng. Việc đào tạo điêu khắc trong các trường nghệ thuật rất ít, mỗi khóa điêu khắc chỉ đếm trên đầu ngón tay (từ 2 - 6 người/khóa). Ra trường, để sống được bằng việc sáng tác đối với người làm điêu khắc cũng rất khó. Một số thì đi làm tượng đài và làm thuê cho người nhận được “bổng đặt hàng” tượng đài. Một số thì về quê mở cơ sở đổ tượng thạch cao và làm tượng chùa mới vô hồn. Một số thì lông ba lông bông, có gì làm nấy. Nếu như không có một “sản phẩm” điêu khắc có thể tiêu dùng rộng được và có “thương hiệu”, thì gần như không thể tồn tại được bằng nghề. Đạt tồn tại ung dung được bằng nghề, trước tiên bằng đống tượng côn trùng - động vật của anh, sau đó là mặt La hán đổ âm (lõm) dương (lồi), tượng học sinh cắp cặp, lũn cũn đi lại… Bởi anh phát hiện một điều rất quan trọng từ nhận xét của một người nước ngoài: Trong nhà người Việt rất thiếu đồ để chơi… cho người lớn! Tất cả những món đồ anh làm để treo chơi, bày chơi, để đâu trong nhà cũng ngồ ngộ thú vị. Nghệ thuật của người mình hay muốn đề cập cái to, khoác cho ý nghĩa sâu sắc. Đạt “rồ” thì tự hào: Tôi biến mọi việc tôi làm thành game, thành đồ chơi.

Nhưng cái sự “chơi” này không dừng lại ở đó. Đạt phát triển thành các dự án nghệ thuật sắp đặt điêu khắc rồi đem ra quốc tế. Ở Việt Nam, có lẽ Đạt là một trong số rất hiếm nhà điêu khắc tự do được mời đi các trại sáng tác ở nước ngoài nhiều nhất (trên 20 nước, từ Đông sang Tây). Dù vậy, Đạt “rồ” vẫn không chịu ngồi yên trong cái xới điêu khắc của mình. Anh bắt sang cả những việc khác theo thói quen “không từ gì cả” hồi trước: dựng sân khấu showbiz với đạo điễn Việt Tú, thiết kế vụ việc cho hãng thời trang Hermes, và bây giờ, làm giám tuyển và trưng bày tác phẩm trong một triển lãm nghệ thuật do một nhãn hiệu thời trang tài trợ… cái tên “kiều diễm” của triển lãm từ đó mà ra. Đạt nói: Nghệ sĩ tạo hình đương đại không có cách nào khác để phát triển nghệ thuật của mình bằng việc liên kết dự án nghệ thuật với các hãng. Tôi học được từ việc này (làm sân khấu, làm curator) là nắm bắt khái quát được không gian, và cách làm việc nhóm, là cái, mà chúng ta rất yếu.

Tác phẩm sau khi hoàn tất

Nhưng Đạt thì vẫn luôn là anh. Trong lần “rồ” mới này, Đinh Công Đạt quyết định… lột trần cái xe máy Vespa đang rất đẹp ra, rồi dùng kỹ thuật khảm trai truyền thống Việt Nam khảm lên đó những họa tiết thiên nhiên (hoa, và chắc chắn phải có ít nhất một con vật: bướm) được cắt gọt tỉ mỉ bằng tay từ rất nhiều vỏ trai được tuyển chọn kỹ lưỡng. Những miếng vỏ trai được làm một cách thủ công này sau đó lại phải mài phẳng hoặc uốn cong theo bề mặt của thân xe vốn được sản xuất một cách rập khuôn chính xác theo dây chuyền công nghệ. Sau khi được khảm trai, khung xe lại được quay trở lại nhà máy để thực hiện tiếp công đoạn sơn phủ và sơn bóng. Khi hoàn thiện, lớp khảm trai sẽ được nằm sâu dưới lớp sơn bóng trong suốt mà không có một gợn sóng trên bề mặt. Một chăm chút kỳ công, để tạo nên một thứ… đồ chơi mới (rõ rồi, hãng xe nào có thể chấp nhận sản xuất từng chiếc xe theo kiểu như vậy để bán ra thị trường). Đẹp, xấu tùy mắt nhìn, nhưng chắc chắn nó “rất Đạt”.

Trò chuyện phiếm với Đạt “rồ” rất thú, dù chẳng có chuyện gì to tát. Anh hay mở đầu bằng câu: Có một cái chuyện này rất hay nhé… rồi bắt đầu kể linh tinh chuyện trên giời dưới bể, chuyện tai nghe mắt thấy từ những chuyến đi. Đạt bảo với anh, nghệ thuật quan trọng nhất là sống, sống được cho nó đàng hoàng. Tôi không yêu nghệ thuật được đến mức không làm thì chết, không làm thì không thở được. Đạt khoái dẫn câu của Anhxtanh: Nhân loại mới chỉ biết được 0,005% kiến thức về vũ trụ và tự nhiên. Rồi cắt nghĩa: Điều đó cũng đồng nghĩa là chưa biết gì. Nếu nói về những việc tôi muốn mà chưa làm được, chắc là tôi cũng chỉ mới làm được 1%, còn lại 99% là mơ ước, và biết là rồi sẽ không thực hiện được.

Nhìn vào cái “1%” mà Đạt nói, những tác phẩm chuyên môn điêu khắc nhà nghề anh đã làm cho đến nay, thì đúng là toàn đồ chơi thật, chẳng có gì “lớn lao” cho lắm. Trong một lần “tâm sự” với báo chí, Đạt còn bảo: “giấc mơ cuối đời của Đạt là được ngồi khâu búp bê bán bên Bờ Hồ, hoặc chất những con búp bê lên xe đạp, và đi thong dong bên lề cuộc đời”. Thảo nào Đạt bị gọi là… “rồ”.

Ơ hay, cả đời một nhân vật “trùm sò” công nghệ như Steve Jobs chẳng phải cũng chuyên làm đồ chơi cho trẻ con và người lớn… toàn nhân loại đó sao?

Vũ Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm