Nhà nghiên cứu Hà Nội Giang Quân: Đôi chân mỏi, trái tim chưa mỏi

23/09/2015 17:00 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng tôi gặp ông khi ông bị tai biến lần thứ 3 và liệt nửa người bên trái. Trong cuộc trò chuyện, người nhà luôn nhắc phóng viên hỏi đơn giản để ông không phân tích nhiều, ảnh hưởng tới sức khỏe. Song, mỗi câu hỏi dù ngắn dù dài về Hà Nội, ông đều trả lời đầy hào hứng, say mê.

Nhà nghiên cứu Hà Nội Giang Quân, người đã viết hơn 30 cuốn sách về Hà Nội (cùng hàng trăm cuốn viết chung với tác giả khác), ở tuổi gần 90, trên giường bệnh, ông vẫn đang viết tiếp vài cuốn sách về Thủ đô ngàn năm văn hiến.

“Người của Hà Nội”

“Tôi sinh ra ở Cẩm Giàng (Hải Dương), không phải là người Hà Nội gốc nhưng tôi là người của Hà Nội. Từ năm 1950, sau khi tham gia Cách mạng ở quê nhà bị địch bắt rồi thả, gia đình tôi dọn cả lên Hà Nội" -  Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân mở đầu câu chuyện – "Tôi đến với kinh kỳ như một cái duyên. Tôi “phải lòng” văn hóa Kẻ Chợ, si mê văn hiến Thăng Long từ ngày đó. Nên cũng từ năm 1950, tất cả các tác phẩm của tôi đều viết về Thăng Long- Hà Nội".

Dù không sinh ra ở Hà Nội, nhà nghiên cứu Giang Quân muốn tìm về những nét văn hóa vàng son của kinh kỳ để “sống và lao động như một người Hà Nội đúng nghĩa” (chữ dùng của nhà nghiên cứu Giang Quân). Từ khi sinh sống và làm việc tại Hà Nội, ông quan sát, học tập những gia đình gia giáo ở Hà Nội như gia đình ông Hoàng Đạo Thúy, gia đình GS Nguyễn Lân và một số học giả khác.

Khi làm việc ở Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, ông có điều kiện đi nhiều nơi, gặp nhiều người Hà Nội. Trong các chuyến công tác, nhà nghiên cứu Giang Quân không bao giờ nghỉ ở nhà khách. Ông thường nhờ cán bộ địa phương thu xếp cho ông được tiếp xúc và ngủ ở nhà người già nhất làng hay khu phố.


Nhà nghiên cứu Giang Quân trả lời phỏng vấn tại nhà

Những đêm như thế khiến nhà nghiên cứu Giang Quân hiểu hơn từng căn nhà, góc phố, cây đa bên đường hay cả những thân phận Hà Nội qua những câu chuyện kể. Ông cũng sưu tầm được nhiều tích, nhiều câu về dân gian kịp thời trước khi chúng chìm và quên lãng.

 “Ở nhà các vị cao niên khiến tôi cảm giác như mình như người trong nhà, người trong làng, trong phố nơi mình công tác chứ không phải là “khách” như khi ở nhà khách. Những địa danh Hà Nội với tôi đều trở nên thân thương và gần gũi” - Nhà nghiên cứu Giang Quân chia sẻ.

Những chuyến điền dã này đã góp phần giúp ông hoàn thành cuốn Từ điển đường phố Hà Nội. Cuốn sách cung cấp cho người đọc một cách đầy đủ và có hệ thống về tên đường phố Hà Nội. Đồng thời, cuốn sách là tư liệu vô giá để tìm hiểu lịch sử, địa lý Thủ đô. Bên cạnh đó, Từ điển đường phố Hà Nội còn là tài liệu quý để nghiên cứu quản lý, quy hoạch đô thị và phát triển Thành phố.

Những cuốn sách viết trên giường bệnh…

Cuốn Từ điển đường phố Hà Nội mà nhà nghiên cứu Giang Quân tâm đắc nhất đã được tái bản 7 lần và chuẩn bị tái bản lần thứ 8. “Sau mỗi lần tái bản, chúng tôi đều nhận được phản hồi của độc giả. Có bạn trẻ đã liên lạc với tôi, góp ý rằng đoạn đường này gần nhà nay đã thay đổi theo quy hoạch. Tôi lại đến tận nơi xem xét, nghiên cứu rồi cập nhật cho những lần tái bản sau. Sự chung tay của người Hà Nội là giá trị lớn nhất của cuốn sách” - Nhà nghiên cứu Giang Quân chia sẻ.

Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội đã vinh danh ông

Ba lần tai biến là ba lần ông tưởng “mình phải rời xa Hà Nội”. Song, bệnh tật có thể khiến đôi chân ông tê liệt nhưng không thể làm tình yêu của ông với Hà Nội ngưng nghỉ.

Và trên giường bệnh, ông tiếp tục viết những cuốn sách về Hà Nội với những ký ức đồ sộ về Thủ đô. Trong đó, cuốn ông tâm đắc là cuốn về phong tục, tập quán lễ hội vùng Hà Nội mở rộng. Cuốn sách sắp hoàn thành và ra mắt độc giả trong thời gian tới. Do vẫn đang tập trung suy nghĩ về cuốn sách, nên trong cuộc trò chuyện cùng người viết, đôi lúc, nhà nghiên cứu Giang Quân lại say mê nói về những đình đền chùa, lễ hội nức tiếng xứ Đoài.

Theo GS Phan Huy Lê, nhà nghiên cứu Giang Quân là người yêu Hà Nội bền bỉ và lặng lẽ. Cả một đời người với hàng chục đầu sách, hàng ngàn bài viết gắn với Thủ đô, ông xứng đáng được giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội ghi nhận.

Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân tên thật là Nguyễn Hữu Thái, quê ở Cẩm Giàng, Hải Dương. Năm 1950, ông chuyển lên Hà Nội sinh sống và công tác.

Một số tác phẩm tiêu biểu của ông về Hà Nội như: Khâm Thiên gương mặt cuộc đời; Trò chơi trò diễn dân gian vùng Hà Nội; Hà Nội phố phường; Từ điển đường phố Hà Nội; Hà Nội trong ca dao ngạn ngữ; Ký sự địa chí Hà Nội; Văn hóa gia đình người Hà Nội; Thăng Long Hà Nội nghìn năm truyền thống và thanh lịch…

 

Danh sách Đề cử chính thức (Giải Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu Hà Nội 2015)

* Đề cử Giải thưởng Lớn (sẽ công bố trong Lễ trao giải)

* Đề cử Giải  Tác phẩm:

- Sách ảnh Hà Nội: Capital City do TS Michael Waibel (quốc tịch Đức) làm Chủ biên.

- Chùm phim tài liệu Hard Rails Across A Gentle River (Cầu bắc ngang sông) của các tác giả Trần Thanh Hiên, Phạm Thu Hằng, Đỗ Văn Hoàng và Trần Thị Ánh Phượng.

- Chùm tác phẩm về Hà Nội gồm A đây rồi Hà Nội 7 mónCậu ấm của Nhà văn Trần Chiến.

* Đề cử Giải Việc làm:

- Việc thành lập Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô của Đại học Quốc gia Hà Nội và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

- Những việc làm của thượng tá CSGT Lê Đức Đoàn “Người tử tế giữa lòng Hà Nội”.

- Chuỗi các sự kiện, hoạt động thuộc dự án “Hà Nội đẹp và chưa đẹp” của Sở VH,TT&DL Hà Nội.

* Đề cử giải Ý tưởng:

- Dự án Xây dựng các đập dâng sông Hồng nhằm khắc phục lại dòng chảy của các nhà khoa học Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam.

- Đề án nghiên cứu phục dựng không gian điện Kính Thiên tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long của Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

- Chùm đồ án đoạt giải Cuộc thi tuyển Phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm