Album của năm: Những trạng thái trái ngược

31/03/2014 13:08 GMT+7 | Giải Âm nhạc Cống hiến


(Thethaovanhoa.vn) - Vào lúc không còn chút hy vọng le lói nào về một “con đường sáng” cho ngành kinh doanh băng đĩa, thị trường album nhạc Việt bỗng nở rộ một cách khác thường, đơn giản nếu nhìn về số lượng ồ ạt các album phát hành trong năm 2013.

Gần - xa; xa - gần

Cả 3 album của cặp Tùng Dương - Nguyên Lê (Độc đạo), Đỗ Bảo - Hà Trần (Cánh cung 3 - Chuyện của Mặt trời, chuyện của chúng ta), 5 Dòng kẻ (Yêu) đều là những sự trở lại đáng chú ý trong năm qua. Sự chú ý bởi họ luôn báo hiệu những điều mới mẻ. Và càng chú ý hơn khi để ra được những sản phẩm ấy họ đi từ nhiều hướng khác nhau để thực hiện, từ xa (Tùng Dương), gần (5 Dòng kẻ), xa-gần kết hợp (Đỗ Bảo).

Đỗ Bảo trở lại với Cánh cung sau 5 năm, với một ý tưởng âm nhạc cô đọng, gọn gàng, một câu chuyện với giọng kể của một người trưởng thành. Chuyện của Mặt trời - Chuyện của chúng ta (Cánh cung 3) rất khác với những cánh cung trước đây vốn được bắn bằng nhiều mũi tên, lần này Đỗ Bảo chỉ dùng một mũi tên duy nhất, Hà Trần, để kể câu chuyện của mình. Sự kết hợp của hai người bạn thân, lần này đang ở xa nhau, tạo ra một thứ âm nhạc cho thấy dường như giữa họ không bao giờ tồn tại một khoảng cách. Hà Trần, từ Mỹ, vẫn vẽ nên âm nhạc của Đỗ Bảo đầy ắp những hơi thở gần. Sự kết hợp trong - ngoài tưởng chừng sẽ lộ ra những dấu hiệu của sự xen lẫn tạp chất nhưng cuối cùng lại rất trong lành.

Đỗ Bảo của 2013 là một người viết nhạc đã thực sự đạt đến độ chín. Giác quan âm nhạc của anh cho dù không dệt lại những ca khúc có yếu tố giai điệu đẹp như thời của Điều hoang đường nhất nhưng chất nhạc của anh lại được nâng lên một đẳng cấp mới. Đỗ Bảo của 2 cánh cung đầu ngả nhiều về new age, jazz còn ở album mới nhất thì lại rất nhiều màu sắc, bossa nova, jazz, musical, raggae, blues, acoustic… Không cao rộng hơn, tiết chế hơn nhưng càng nghe càng dễ bùng nổ. Sự bùng nổ của âm nhạc Đỗ Bảo đến rất nhẹ nhưng ngấm lâu. Thêm vào đó, chất xúc tác để biến những Đôi giày lười, Kế hoạch làm bạn, Hành trang để yêu, Thành phố không ngủ… chính là giọng hát của Hà Trần.

Vì thế, có thể gọi đây là sự hợp tác trong - ngoài mang một yếu tố rất tích cực, nhiều sáng tạo và thể hiện cách làm nhạc chuyên nghiệp của cả hai.

Nếu Chuyện của Mặt trời - chuyện của chúng ta là sự kết hợp xa vun vút hàng nghìn cây số giữa Đỗ Bảo và Hà Trần thì album Yêu của 5 Dòng Kẻ chỉ gói gọn trong một căn phòng nhỏ. Ở đó Bảo Lan và các thành viên của nhóm đã cùng nhau sáng tác, hòa âm, ghì từng nốt nhạc trên một chiếc laptop cũ kỹ. Họ khó khăn về mọi mặt, vật chất và tinh thần khi thành viên thứ tư rời nhóm, nhưng những gì đã phả ra trong album này được ghi nhận như một nỗ lực gần như vượt qua cực hạn. Có thể phần sound hơi cũ (do dự án bị ngâm hơn hai năm) nhưng tinh thần thì vẫn tươi mới. Yêu của 5 Dòng Kẻ vẫn cứ bì bõm trong chiếc ao của chính họ, ở đó họ như thể chú vịt trong tác phẩm Bắt trẻ đồng xanh vẫn mơ ước vươn xa, vẫn muốn làm gì đó để tìm chỗ cho mùa Đông lạnh giá. Càng neo người ước mơ của họ càng lớn và Yêu là một đảm bảo cho tình yêu của 3 cô gái vẫn chưa nguội lửa.

Chất liệu âm nhạc của 5 Dòng Kẻ trong album này cũng gần giống như album của Đỗ Bảo, được mở rộng hơn. Lúc bàng bạc màu bán cổ điển trong Yêu trọn giấc mơ, lúc đậm mùi điện tử kiểu nu-jazz trong Nối vầng dương, lúc new age nhẹ nhàng với Chạm, hay lúc hơi đượm màu world music với electro rock pha đàn tranh trong Yêu… Sự đa dạng phong cách đang biến Yêu của 5 Dòng Kẻ trở thành một album đa diện, trong đó sự sáng tạo của nhân vật chính, Bảo Lan, đã tiếp thêm một hơi thở mới cho lối đi của nhóm. Trong ca khúc Rơi họ đã hát “Chỉ còn lại một ảo ảnh loang mờ” kèm theo những “hoang mang, nghiêng, rơi”… nhưng với album này âm nhạc của nhóm xứng đáng được nhớ lâu.

Trái ngược hoàn toàn với Yêu là Độc đạo của Tùng Dương. Bởi Dương “sang” hơn hẳn, mới về mọi mặt. Nếu 5 Dòng Kẻ là một sự dũng cảm trong việc cố gắng chắt chiu mọi thứ để ra được album có chất thì Tùng Dương đang cố gắng mở rộng thế giới âm nhạc của chính anh với điều kiện tài chính dồi dào và đúng “điểm rơi”.

Độc đạo đang có một đường bay xa, ở đó sẽ có nhiều người thích và một số khác sẽ cần thêm thời gian để thích nghi. Dương có đủ điều kiện để “phiêu” với bất kỳ dòng nhạc nào, miễn là anh thích và mỗi khi anh nhúng tay vào một dự án âm nhạc nào, thì điều đó xứng đáng để được mong chờ.

Những album trước của Tùng Dương như Những ô màu khối lập phương hay Li Ti vẽ nên một thể tính âm nhạc như new age hay electronic mà Tùng Dương theo đuổi thì ở Độc đạo, điều này không quan trọng nữa, nó không mang tính chuyển tải thể loại mà chuyển tải thông điệp, một thông điệp được viết nên bởi hai người: Tùng Dương - Nguyên Lê. Điều này gần giống với album của Đỗ Bảo - Hà Trần với sự kết hợp trong ngoài nhưng khác biệt quan trọng là Tùng Dương sang Pháp và làm việc bên cạnh Nguyên Lê. Nếu như Hà Trần và Đỗ Bảo rút ngắn khoảng cách bởi mối quan hệ thân thiết lâu năm thì Tùng Dương rất cần ở bên cạnh Nguyên Lê để cả hai cùng cảm nhận về nhau. Sự cảm nhận đó rất quan trọng để kể về một thông điệp mà cả hai cùng hướng tới: Nguồn cội. Một người sống trong nước nhưng tư duy âm nhạc lúc nào cũng vượt ra ngoài biên giới trong một dáng vẻ Việt Nam, một người sống lâu năm tại nước ngoài nhưng tư duy âm nhạc lúc nào cũng hướng về phương Đông. Hai tư duy đó gặp nhau và tạo nên một Độc đạo với rất nhiều ý tưởng mới về âm nhạc và trong thế giới ý tưởng quay về ấy, Tùng Dương đã vẫy vùng thỏa thuê trong thế giới âm thanh của Nguyên Lê. Có cảm giác anh như một đứa trẻ đắm chìm trong thế giới của riêng mình và không cần biết đến ngoài kia đang có những gì xảy đến. Dương hát lại All Is Full Of Love của Bjork, nữ thần ảnh hưởng đến con đường âm nhạc sáng tạo của anh, hát lại 7 Seconds vốn rất nổi tiếng qua giọng song ca của Youssou N’Dour và Neneh Cherry, cả Redemption Song của huyền thoại nhạc raggae, Bob Marley… Cả hai, Tùng Dương và Nguyên Lê đẩy câu chuyện lên tầm một cuộc đối thoại và trong cuộc đối thoại ấy hiện ra một tình bạn vong niên rất đẹp.

Tiếng hát bản năng nhưng đầy kỹ thuật của Tùng Dương kết hợp rất hòa quyện với phần phối đầy ngẫu hứng của Nguyên Lê, tạo nên một album đa âm, đa chiều với dàn dây cổ điển, tiếng đàn dân gian koto Nhật Bản, âm hưởng afrobeat của châu Phi…, tạo nên những không khí âm nhạc khác nhau, từ world jazz sang soul jazz rồi cả electro… Độc đạo như thể một album không có đường biên sắc thái. Tùng Dương và Nguyên Lê dùng chính bản ngã Việt để giao thoa, hòa trộn các đặc tính văn hóa vùng miền, của sự khát khao gìn giữ và phát triển văn hóa dân gian để chúng luôn song hành cùng các giá trị của đương đại.

Thay áo

Nếu như 3 album trên đại diện cho sự sáng tạo, mới mẻ thì 2013 cũng chứng kiến một vài sự cách tân lạ lẫm, ít nhiều gây chú ý. Yếm đào xuống phố của Tân Nhàn và Song hành của Ngô Hồng Quang là những ví dụ điển hình. Cả hai cùng dùng jazz, electro để “thay áo” cho những làn điệu cổ, từ chèo đến xẩm và cả dân ca.

Với những người theo chủ nghĩa nguyên thủy toàn tòng thì sự cách tân của Tân Nhàn và Ngô Hồng Quang mang đầy tính “phá nhạc”. Bởi ở đó, chèo được í ơi bằng ngôn ngữ của jazz, ở đó những thanh âm điện tử “cạnh tranh” với trống chèo, chuông khánh… Nhưng ở một góc độ nào đó, sự cách tân ấy lại mang một ý nghĩa hết sức tích cực: đưa chèo, đưa xẩm chợ đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ.

Yếm đào xuống phố là một dự án nhiều năm giữa nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng và giải nhất Sao Mai dòng dân gian Tân Nhàn. Ý tưởng của nhạc sĩ muốn dựa vào giọng hát nguyên thủy của chèo được phối trên nền jazz, tất nhiên không biến tướng, không pop “hóa”, mà đơn giản là sự kết hợp giữa hai dòng nhạc truyền thống của hai phương trời và truyền tải một thông điệp gìn giữ chèo trong thời đại mới. “Tôi muốn qua album này, những người trẻ sẽ thuộc các giai điệu chèo và ai cũng có thể hát được. Chèo mang màu sắc lúa nước còn jazz lại thuần sắc phương Tây và sự kết hợp này sẽ ra màu sắc chưa có bao giờ. Tiết tấu của chèo cực kỳ phức tạp nhưng khi quyết định hòa chèo với jazz tôi đã ngỡ ngàng nhận ra đây là một thử nghiệm thú vị cho dù hết sức gian nan”, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cho biết. Đây không phải thử nghiệm lần đầu của Trần Mạnh Hùng ở địa hạt jazz nhưng là một dự án lớn nhất của anh và cũng khá dài hơi. Còn với Tân Nhàn, đây là đĩa hát chèo đầu tiên của cô sau gần 10 năm đi hát. 7 bài hát mang đậm âm hưởng của chèo và xẩm chợ trong dân ca Bắc Bộ như Đường trường phải chiều, Quân tử vu dịch, Mục hạ vô nhân… đã được kết hợp rất khéo léo với những nhạc cụ jazz như toms (trống con), cymbal (não bạt), trống bass... đệm cho Tân Nhàn, lúc này giọng hát vẫn giữ nguyên niêm luật của chèo, xẩm nguyên thủy. Cả hai không đối nhau mà tựa vào nhau, vừa giữ được không khí jazz vừa “hà” được hồn chèo.

Để tiếp cận âm nhạc cổ truyền Việt Nam với cách truyền thống đang là một lối đi khó cho những người trẻ. Và việc “kết hợp” là một lối đi, tuy không mới nhưng vẫn tạo được sự thu hút và chú ý của nhiều người. Sau Yếm đào xuống phố của Tân Nhàn thì Song hành của Ngô Hồng Quang cũng đi theo hành trình ấy.

Ngô Hồng Quang (sinh năm 1980) không lạ nếu những ai từng nghe đĩa của những “tay chơi” trong nhóm M6 (Hà Nội). Anh cũng từng được biết đến nhiều với ca khúc Tiếng Việt, Đàn cò (tôn vinh đàn nhị)… Bản thân Quang cũng để lại dấu ấn của mình tại cuộc thi Sao Mai 2013 (thể loại dân gian). Xa hơn, Ngô Hồng Quang thoát ra từ nôi nhạc dân tộc được đào tạo tại Học viện Âm nhạc Quốc gia. Song hành là album thứ hai của anh, độc đáo và gây ấn tượng với không gian âm nhạc điện tử. Ở album này, sự giao thoa được mở rộng và trong không gian ấy Ngô Hồng Quang và người bạn của mình (nhạc sĩ người Hà Lan, Onnon Krijn) đã tung tăng trên cánh đồng thể nghiệm.

Điểm độc đáo của album này là những giai điệu của xẩm, chèo, điệu ru Nam Bộ được trộn lẫn với các màu sắc âm nhạc khác, từ phương Tây cho đến cả những câu ru con châu Phi… nhưng không bị mất màu. Hồng Quang “uốn” tiếng đàn bầu lạ hơn, để hợp vào tổng phổ, mang hơi thở đương đại và tạo ra cho chèo một cảm giác tiếp nhận rất mới. Sự uyển chuyển ấy còn thấy ở những sáng tác mới mang âm hưởng truyền thống và cả giọng hát luyến láy rất duyên của Hồng Quang.

Trẻ

Nguyễn Đình Thanh Tâm là người trẻ nhất trong số những tên tuổi của hạng mục Album của năm tại Cống hiến lần 9 - 2014. Cánh diều lạc phố là sản phẩm đầu tiên của anh sau khi đi ra từ cuộc thi Sao Mai - Điểm hẹn. Một cách công bằng nhất, album này chưa đại diện hết được những gì mà Nguyễn Đình Thanh Tâm đang có ở hiện tại. Nhưng Cánh diều lạc phố có công ghi nhận Thanh Tâm “lạc” vào một con đường chông chênh và gai góc. Con đường ấy chỉ hiện ra ánh sáng ở phía cuối, đòi hỏi người chinh phục một sự nhẫn nại và sáng tạo không ngừng. Còn nếu không, sẽ chỉ còn là hoa lạ bên vệ đường.

Có lẽ Thanh Tâm không phải tuýp người nhụt chí bởi những hoạt động âm nhạc trong năm 2013 của anh và cả sản phẩm mới trong năm 2014 đang chỉ ra việc anh chấp nhận cuộc chơi cam go và đủ sức để đi đường dài. Cánh diều lạc phố là tờ chứng nhận khai sinh phong cách của Tâm bằng sản phẩm âm nhạc và có nhiều nét khai phá hơn so với mặt bằng trẻ còn lại. 


>>>Chuyên trang giải Âm nhạc Cống hiến xem tại đây

Cung Tuy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm