'Hanoi Hanoi' - Cầu nối những giá trị xưa cũ với đương thời

03/10/2022 07:15 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái

Chú thích ảnh

Tập sách ảnh Hanoi Hanoi (NXB Thế giới, 2022) của Minh Phạm là những góc nhìn gần gũi về Hà Nội, được chụp lại bằng điện thoại Iphone. Hình ảnh được đồng tác giả cuốn sách là Paola Boncompagni chọn lựa và dịch các nội dung sang tiếng Ý. Cuốn sách là cầu nối giữa Hà Nội xưa cũ và Hà Nội hiện tại.

Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2019: Cuộc 'chạy tiếp sức' cho tình yêu Hà Nội

Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2019: Cuộc 'chạy tiếp sức' cho tình yêu Hà Nội

Phía sau những con người, tác phẩm, việc làm, ý tưởng, là ăm ắp những niềm yêu Hà Nội đã và đang được lan tỏa. Nó như một mạch ngầm bền bỉ qua tháng năm, qua bao thế hệ để tiếp tục đắp bồi thêm những giá trị văn hóa, nhân văn cho Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Đây là một trong ba tác phẩm xuất sắc nhất lọt vào đề cử hạng mục Giải Tác phẩm của Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 15 năm 2022. Lễ trao giải dự kiến sẽ diễn ra vào 14h ngày 6/10 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Từ cảm hứng tìm lại một Hà Nội xưa cũ

Theo lời tác giả Minh Phạm, ông lớn lên cùng với những câu chuyện bố mẹ ông đã từng kể về những năm tháng tuổi trẻ mà họ đã gắn bó với Hà Nội. Đặc biệt là mẹ của ông, bà đã kể ông nghe rất nhiều về Hà Nội qua những cái tên người thân, bạn bè cho tới tên các đường phố, món ăn và cả khí hậu đặc trưng với tiết trời Thu mát mẻ và những ngày trời Đông lạnh ẩm. Chính những câu chuyện bình dị ấy đã trở thành nguồn cảm hứng thôi thúc tác giả trở về mảnh đất ngàn năm văn hiến này để tìm lại những giá trị xưa cũ ấy.

Chú thích ảnh
Tác giả Minh Phạm

Những hình ảnh trong tập sách không tập trung tái hiện một thành phố Hà Nội xa hoa, lộng lẫy, hoặc tràn ngập bầu không khí cổ kính, mà lại mô tả khung cảnh sinh hoạt thường nhật bình dị của những con người đang sinh sống và làm việc trên mảnh đất này. Lý giải cho điều này, Minh Phạm nói, ông nhìn Hà Nội bằng con mắt đầy thực tế và muốn bắt trọn những khoảnh khắc sinh hoạt đời thường như đi đứng, nói chuyện, làm việc, xem điện thoại, nấu ăn,…

Từ 7 năm trước, trong chuyến đi về Hà Nội, không phải bằng chiếc máy ảnh chuyên nghiệp nào, mà bằng điện thoại Iphone, Minh Phạm đã bắt đầu chụp những bức ảnh đầu tiên. Tiếp sau chuyến đi ấy, là khoảng 8 - 9 lần ông quay về Hà Nội, trong những lần ấy, ông tiếp tục chụp thêm.

Chú thích ảnh
Bìa sách “Hanoi Hanoi”

Thêm một điều đáng chú ý, mở đầu cuốn sách là câu cảm ơn mà ông dành cho người vợ của mình: “Cho Stefania, người đã dạy tôi tình yêu, cái đẹp và nhiều hơn thế, là người đã đưa tôi về quê hương”. Hai năm trở lại đây, khi vợ được thuyên chuyển công tác về Hà Nội, đó là lúc ông về đây sinh sống, cũng là lúc chụp những bức ảnh cuối cùng để hoàn thành tập sách này. Sau khoảng 7 năm miệt mài đi khắp những đường to ngõ nhỏ ở Hà Nội, ông đã chụp được hơn 900 bức ảnh, sau đó đồng tác giả Paola Boncompagni - một người Ý gốc Thụy Điển - đã cùng ông thực hiện việc chọn lựa các bức ảnh. Ban đầu cả hai chọn ra được vài trăm bức ảnh, cuối cùng chọn ra 80 bức ảnh tiêu biểu nhất để in vào tập sách.

Chú thích ảnh
Bức ảnh “Back cover alternate” trong sách

Sau khi lựa ra các bức ảnh tiêu biểu nhất, trong đầu ông lại tưởng tượng ra một câu chuyện cho từng bức ảnh trong số đó. Ông tưởng tượng ra họ - những nhân vật trong bức ảnh - đang muốn chia sẻ điều gì đó với mình. Từ câu chuyện tưởng tượng, ông mới đặt được tiêu đề của từng bức ảnh. Cùng với đó, ông cũng lồng ghép thêm sự dí dỏm, hài hước, đậm tính cá nhân vào từng bức ảnh.

Chú thích ảnh
“Cacophony in white”

Đến tựa đề “Hanoi Hanoi”

Tiêu đề cho từng bức ảnh ban đầu được ông biên soạn bằng tiếng Anh, đồng tác giả Paola giúp ông dịch sang tiếng Ý. Còn về tiêu đề tiếng Việt là do ông tự dịch và có tham khảo ý kiến chỉnh sửa từ một vài bạn trẻ người Việt Nam. Đối với Minh Phạm, Hanoi Hanoi như đứa con tinh thần mà cả ông và cả người bạn thân Paola Boncompagni cùng nuôi dưỡng để có thể đến gần hơn với công chúng.

Chú thích ảnh
“Aqua Tet”

Hai chữ “Hanoi” và “Hanoi” trong nhan đề của tập sách ảnh đầy giản dị, nhưng đó lại là sự cân nhắc đầy khéo léo của tác giả. “Hanoi” thứ nhất là một thành phố xưa cũ, ghi dấu biết bao kỷ niệm của bố mẹ ông. “Hanoi” thứ hai là thành phố mà ông quay trở về để tìm tòi, khám phá ra những điều mới mẻ. Hai chữ “Hanoi” được đặt cạnh nhau nhằm tạo ra sự kết nối giữa quá khứ với hiện tại, cho mỗi người thấy rằng, dù Hà Nội ở bất kỳ thời điểm nào, là hàng chục năm về trước hoặc là ngay lúc này, vẫn luôn hài hòa, song hành tồn tại những giá trị truyền thống và tân thời.

Để không tạo ra rào cản giữa quá khứ với hiện tại, Minh Phạm sử dụng màu trắng đen cho toàn bộ các bức ảnh được in trong sách. Màu trắng đen gợi lại trong ta nhớ về những tấm ảnh Hà Nội được chụp vào nửa đầu thế kỷ trước. Nó còn đem tới cho người xem một cảm giác thơ mộng, lãng mạn và cũng đầy hoài niệm mà hình màu khó có được. Đặt những hình ảnh những con người đang sống trong Thủ đô mang nhiều sự tân tiến, phát triển của ngày hôm nay vào bầu không khí hoài cổ sẽ xóa nhòa đi khoảng cách giữa hai thế kỷ.

Chú thích ảnh
“E. Munch, redux”

Cũng theo lời của tác giả Minh Phạm chia sẻ, toàn bộ doanh thu bán sách sẽ được dùng làm từ thiện, nhằm hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam.

Chú thích ảnh
“Local motion”
Chú thích ảnh
“Murmurs of the heart”
Chú thích ảnh
“Yul Brynner and I”

3 đề cử Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội

Ngoài tập sách ảnh Hanoi Hanoi của hai tác giả Minh Phạm (người Mỹ gốc Việt) và Paola Boncompagni, còn cuốn Người Hà Nội: Chuyện ăn chuyện uống một thời của Vũ Thế Long và cuốn Tranh dân gian Kim Hoàng của Nguyễn Thị Thu Hòa.

Nguyễn Phúc Nam Dương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm