Truyện Kiều có cần nhiều kỷ lục to nhất, dài nhất, nhiều nhất?

02/12/2015 20:51 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Khi viết ra Truyện Kiều, Nguyễn Du không nghĩ rằng tác phẩm của ông lại được hậu thế sáng tạo thêm nhiều kỷ lục quốc gia như vậy, vì cụ từng có lời khiêm tốn: “Lời quê góp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh”.

Mới đây, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) công bố thêm 5 kỷ lục cho Truyện Kiều, nâng số kỷ lục cho tác phẩm này của đại thi hào Nguyễn Du thành 26. Bên cạnh đó, Vietkings đề cử Truyện Kiều lên Liên minh Kỷ lục Thế giới để công nhận đây là “Tác phẩm văn học tạo nên nhiều kỷ lục quốc gia nhất”.

1 vở cải lương Truyện Kiều có 5 kỷ lục

Năm 2015 này, cụ Tiên Điền tròn 250 tuổi, còn các Kỷ lục Việt Nam được xác lập cho Truyện Kiều cũng vừa chẵn 10 năm. Ngày 2/2/2005, Vietkings xác nhận cho nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế là kỷ lục gia là Tác giả có nhiều sách viết vềTruyện Kiều nhất Việt Nam, xác nhận Ngô Trần Hải An là người có “Kim Vân Kiều Tân Truyện - Cuốn sách dài nhất Việt Nam”.

Các kỷ lục dành cho Truyện Kiều được Vietkings xác lập đa phần gắn với những từ, như: to nhất, dài nhất, nhiều nhất…. Như vở cải lương Kim Vân Kiều – Hội ngộ tài năng được công nhận kỷ lục vào năm 2007 với 5 cái nhất. Nhạc sĩ Trần Vương Thạch và NSƯT Thanh Hải được công nhận là kỷ lục gia khi chỉ huy và biểu diễn “Dàn nhạc trong một vở cải lương có nhiều nhạc công nổi tiếng nhất”.


Các bản "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du

KTS Nguyễn Minh Tuấn “có thiết kế sân khấu lớn nhất”. Đạo diễn Hoa Hạ là “Đạo diễn lần đầu tiên sáng tạo kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật vào trong một vở cải lương có đội ngũ diễn viên tham gia đông nhất”. Rồi nhà thiết kế thời trang Sỹ Hoàng giành kỷ lục “Vở cải lương có phục trang nhiều nhất thiết kế cho từng nhân vật”. Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang sở hữu hai kỷ lục: “Vở cải lương đầu tiên có giá trị đầu tư cao nhất” và “Vở cải lương tập trung nghệ sĩ diễn xuất nhiều nhất”.

Và những cái hiển nhiên là... nhất

Tiếp sau đó, những gì “to nhất, dài nhất, nhiều nhất” có liên quan đến Truyện Kiều đều được công nhận. Như Bản hợp xướng viết dựa theo Truyện Kiều dài nhất thuộc về Kỷ lục gia Vũ Đình Ân, hay kỷ lục Người vẽ tranh lụa về Truyện Kiều đầy đủ và nhiều tranh nhất của Hoạ sĩ Ngọc Mai.

Thậm chí không chữ nhất cũng trở thành kỷ lục, như khi Bộ bình phong 6 tấm về Truyện Kiều chạm khắc gỗ nghệ thuật của hai nghệ nhân Kiều Ngọc Hưởng và Nguyễn Đức Duyên cũng được công nhận kỷ lục.

Trong khoảng 200 năm Truyện Kiều lưu truyền trong dân gian dưới nhiều hình thức, hiển nhiên danh tác này có được nhiều cái nhất mà không cần Vietkings công nhận. Bởi có ai lại đi công nhận ánh sáng của mặt trời hay vị mặn của đại dương.

Thế nhưng, Vietkings lại công nhận những sự thật hiển nhiên về Truyện Kiều như: Quyển truyện thơ duy nhất không viết ra để bói mà được nhân dân dùng để bói, tạo nên hiện tượng Bói Kiều, Quyển sách tạo ra hiện tượng độc đáo Vịnh Kiều hay Quyển sách tạo ra hiện tượng độc đáo Lẩy Kiều.

Công bố 5 kỷ lục của Truyện Kiều

Công bố 5 kỷ lục của Truyện Kiều

Nhân 192 năm ngày cụ Tiên Điền qua đời (16/9/1820 - 2012), sau thời gian nghiên cứu, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam vừa công bố 5 kỷ lục của Truyện Kiều.


Nhà văn hóa Phạm Quỳnh từng nói: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn”. Câu nói nổi tiếng này thêm một lần khẳng định giá trị bất biến của Truyện Kiều trong đời sống và văn hóa của người Việt nói chung. Truyện Kiều chỉ một và duy nhất trong kho tàng văn chương Việt Nam.

Nếu nói về kỷ lục thì phải có lập kỷ lục để rồi phá kỷ lục. Ở đây, vì Truyện Kiều là duy nhất, không có tác phẩm thứ hai giống vậy trong kho tàng văn chương, nên những gì tác phẩm này tạo ra hiệu ứng trong người đọc Việt xưa nay không thể gọi là kỷ lục. Bởi như vừa nói, có kỷ lục thì phải có… phá kỷ lục cũ.

Xin hãy để Truyện Kiều như đã có

Tổ chức Vietkings muốn Liên minh Kỷ lục Thế giới công nhận Truyện Kiều là “Tác phẩm văn học tạo nên nhiều kỷ lục quốc gia nhất”. Đầu tiên xin khẳng định, các kỷ lục quốc gia được Vietkings xác lập trong 10 năm qua đa phần “ăn theo” Truyện Kiều chứ không phải chính tác phẩm này của cụ Nguyễn Du “tự thân xác lập”. Mà, những cái “ăn theo” đó không thể đại diện cho Truyện Kiều, đúng hơn những kỷ lục ăn theo chỉ nhân danh Truyện Kiều để vinh danh chính họ.

Và liệu cụ Nguyễn Du có vui khi tác phẩm của mình nhận được các kỷ lục này? Hay cụ Tiên Điền chỉ mong muốn qua số phận nàng Kiều, người đời sau đúc rút được bài học nhân văn cho bản thân, hơn là đội trên đầu những cái danh hiệu kỷ lục kêu rềnh rang của các cá nhân, tổ chức với sự nhân danh Truyện Kiều.

Trạc Tuyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm