'Trăm năm cô đơn' hoài thai từ 'tiểu thuyết phù du'

18/04/2014 18:00 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Trên tờ The Telegraph, tiểu thuyết gia người Colombia Alvaro Mutis đã có những lời chia sẻ về người đồng hương, người bạn tri kỉ của mình – nhà văn Gabriel García Márquez, một trong những cây bút có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 vừa qua đời ở tuổi 87.

1. Alvaro Mutis kể, vào khoảng giữa những năm sáu mươi của thế kỷ trước, thời điểm Márquez đặt bút viết Trăm năm cô đơn (1967), ông và người bạn tâm giao thường gặp nhau và trò chuyện vào mỗi tối. García Márquez đều kể cho Mutis về những đoạn mà mình đã viết trong ngày hôm đó, Mutis lắng nghe và háo hức chờ đợi những phần tiếp theo.

Tuy nhiên, khi cuốn tiểu thuyết được xuất bản, nó lại không giống như những gì mà hàng ngày García Márquez kể cho Mutis ở quán rượu tequila – từ nhân vật đến cốt truyện hay bất kỳ chi tiết nào. Mutis buồn và tiếc nuối cho cuốn tiểu thuyết bất thành văn – một cuốn "tiểu thuyết phù du" mà chưa ai từng thấy bao giờ mà ông được bạn mình kể cho.

Cuốn tiểu thuyết bất thành văn mà Márquez kể cho Mutis, cũng như các cuốn sách khác của García Márquez, tất cả đều được cho ra đời dựa trên các nguyên tắc của Márquez: những gì tôi nói với bạn, dù không đáng tin nhưng nó lại là một phần trong trí nhớ của bạn; những gì chúng ta vội gọi là những lời dối trá dường như lại gần với sự thật hơn thực tế.

Người bạn thân của García Márquez, tiểu thuyết gia người Colombia Alvaro Mutis

Trăm năm cô đơn là tiểu thuyết đầu tiên của Márquez gắn với nguyên tắc này, tác phẩm nổi tiếng nhất giúp ông thuyết phục được ủy ban Nobel trao giải thưởng văn chương cao quý vào năm 1982.  

García Márquez nói ý tưởng về cuốn tiểu thuyết được nhen nhóm trong lúc ông lái xe đến Acapulco (Mexico). Đang trên đường, Garcia Marquez bỗng dừng xe và nói với vợ - bà Mercedes Barcha rằng: “Anh đã tìm được giọng điệu rồi! Anh sẽ kể lại câu chuyện này với gương mặt khô cứng như gỗ của bà ngoại khi kể cho anh nghe những câu chuyện lạ, bắt đầu từ cái buổi chiều nọ khi đứa bé được bố đưa đi xem nước đá".

Trước đó, trong khoảng thời gian từ 1961 tới 1965, với văn học, ông không sáng tác một dòng nào do tâm lý sợ thất bại từ các tác phẩm trước. Nhưng lần này, bà ngoại chính là nguồn cảm hứng để Márquez sáng tác ra cuốn tiểu thuyết bất hủ của cuộc đời mình, trong đó, những hình ảnh và câu chuyện ở quê hương từ những tin đồn vụ giết người... đều được nhà văn đưa vào từng câu chữ.

Ngay lúc ấy, với những ý tưởng chợt đến, García Márquez quay đầu xe về thành phố Mexico, mặc cho vợ ông đang chờ đợi kì nghỉ và sau đó, hai người đã không gặp lại nhau trong hai năm.

2. Nếu như ông chỉ kết nối những gì mình học được từ việc đọc các câu đầu tiên của phương thức huyền thoại hóa của Kafka: “Khi Gregor Samsa thức dậy vào một buổi sáng từ những giấc mơ khó chịu, anh thấy mình chuyển mình trên giường và biến thành một loài côn trùng khổng lồ” – thì sẽ không có dấu hiệu nào cho thấy điều phi thực tế như ở "Trăm năm cô đơn" có thể diễn ra. Nhưng ông lại khiến người ta hiểu được sự huyền ảo đó là có thực từ những sự thật đã được định hình sẵn trong đầu ông.

Trong giai đoạn cách mạng văn học, García Márquez còn là một nhà báo nhưng ông không tạo nên được phong cách riêng. Cho tới khi thành công của Trăm năm cô đơn đã làm nên một điều cực kì đặc biệt, vượt trên những nhà văn Mỹ Latinh khác như Julio Cortázar, Carlos Fuentes, Mario Vargas Llosa, José Donoso và Alejo Carpentier từng làm. Họ chuyển sang chống lại những giáo lý của tiểu thuyết Pháp thế kỷ 19, từ chối viết theo chủ nghĩa tự nhiên Zalo (Thường được biết đến với tên Émile Zola, là một nhà văn nổi tiếng của văn học Pháp trong thế kỉ 19, người được coi là nhà văn tiên phong của chủ nghĩa tự nhiên), thay vào đó là theo đuổi tự do ở các quốc gia mà họ sinh ra.

Dù García Márquez có một ảnh hưởng rất tuyệt vời nhưng cũng rất khó để đánh giá một cách chính xác. Thực tế, cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Tây Ban Nha viết về một thị trấn không tồn tại ở Colombia đã bán được hơn 50 triệu bản trên toàn thế giới, kéo theo một cuộc "đảo chính bất thường" trong quan hệ quốc tế. Bởi những gì ông đã làm được, một cách gián tiếp chính là tạo ra cánh cửa cho các nhà văn khác để kết hợp cách quan sát và kể theo phong cách của chủ nghĩa hiện thực đang bị ngăn cấm lúc bấy giờ.

Có thể kể, tác phẩm Người yêu dấu của Toni Morrison – câu chuyện kể về gia đình một nô lệ trốn thoát cuộc nội chiến Mỹ (Toni Morrison là nhà văn nữ Mỹ đoạt giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 1988 và là người phụ nữ da đen đầu tiên được trao giả thưởng Nobel năm 1993). Cũng như Những đứa trẻ lúc nửa đêm của Salman Rushdie nói về gia đình của một đứa trẻ sinh ra tại thời điểm Ấn Độ giành độc lập tuy rất khác nhau trong cách xây dựng truyện, nhưng có điểm tương đồng với những câu chuyện của Trăm năm cô đơn về quyền tự do và nhìn nhận lịch sử một cách tương đối. Năm 1981, Salman Rushdie được trao giải thưởng Booker với cuốn tiểu thuyết Những đứa trẻ lúc nửa đêm.

Năm 1925, cụm từ Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo được đưa ra lần đầu tiên bởi nhà phê bình nghệ thuật người Đức Franz Roh. Ban đầu, nó không phải là một trường phái văn học, mà là trường phái hội họa hiện đại phương Tây có nét đặc sắc về phong cách. Sau đó, phải đến khi có sự phiên dịch, chuyển tải của tạp chí Phương Tây ở Tây Ban Nha mới thâm nhập vào lĩnh vực ngữ văn học Tây Ban Nha bao gồm nội bộ châu Mỹ la tinh.

“Trăm năm cô đơn” được đánh giá là sản phẩm tuyệt vời của hư cấu nghệ thuật, tiêu biểu cho Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Márquez đã dựng nên một ngôi làng có tên gọi Macondo. Đó là ngôi làng mới tạo lập, chưa một người dân nào sống quá ba mươi tuổi và chưa có nghĩa địa, đã từng xảy ra những chuyện hoang đường như cơn mưa hoa trong một đám tang, những con người được hoài thai bởi bướm và bọ cạp, những người có đuôi, có người bay lên trời không trở lại... Ở ngôi làng đó, những người con trai và con gái cùng huyết thống đã yêu nhau, lấy nhau, sinh ra những đứa con dị tật có đuôi như lợn.

Vậy điều gì khiến Trăm năm cô đơn - một tiểu thuyết theo chủ nghĩa “hiện thực huyền ảo”, dày tới hơn 600 trang, chỉ kể về câu chuyện loạn luân của một dòng họ ở một ngôi làng “huyền thoại” lại giành được giải thưởng Nobel Văn học? Phải chăng tác phẩm đã đạt tới hai tiêu chí cơ bản của giải thưởng là sự mới mẻ và ý nghĩa nhân văn trong thông điệp tác phẩm gửi tới người đọc qua bút pháp độc đáo và chủ nghĩa “hiện thực huyền ảo” của cây bút đại tài García Márquez?

Nguyễn Gia - Hải Yến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm