Nhìn thẳng và biết bi quan!

13/11/2009 09:26 GMT+7 | Báo động từ vốn di sản

(TT&VH Cuối tuần) - Như là tài sản ông bà, cha mẹ ta để lại, di sản văn hóa được truyền lại từ đời này qua đời khác là một phần quan trọng trong sự giàu có và bền vững của văn hóa quốc gia. Thế nhưng, trong khi người ta có thể giữ chặt, thậm chí tranh chấp những mảnh đất hương hỏa, những tài sản được thừa kế, thì không ít di sản văn hóa lại nằm trong sự thờ ơ, hoặc bất lực của chính những người đang sở hữu chúng khiến nhiều di sản quý báu đã và đang có nguy cơ biến dạng hoặc biến mất.

TT&VH mong muốn thông qua kênh truyền thông dưới nhiều hình thức nhằm tác động vào nhận thức và ý thức của toàn xã hội về các di sản văn hóa truyền thống. Qua đó giúp mọi người hiểu biết, trân trọng, nâng cao ý thức tự hào và gìn giữ các di sản văn hóa. Bên cạnh đó tìm kiếm và đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại.

Từ năm 2001, TT&VH đã xây dựng chuyên mục Báo động từ vốn di sản, thông qua những bài viết cụ thể về các di sản văn hóa đang trong tình trạng “báo động”, nhằm gióng lên hồi chuông trước những di sản đang bị xâm hại. Tuy nhiên, chính chuyên mục này cũng bị “báo động” vì “kiệt sức” do các chuyến đi thâm nhập thực tế ngày càng đòi hỏi nhiều thời gian hơn, chi phí cao hơn. Vì vậy năm 2006, chuyên mục này phải tạm dừng lại.


May mắn thay, năm 2008, ý tưởng này nhận được sự chia sẻ và ủng hộ của một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và kinh doanh thứ hàng hóa dường như chẳng liên quan gì tới di sản văn hóa: công ty ô tô Ford Việt Nam. Bên cạnh những đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam, Ford Việt Nam có mong muốn đóng góp một phần lợi nhuận kinh doanh cho những hoạt động văn hóa, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống Việt Nam. Với sự hỗ trợ của Ford Việt Nam, tháng 11/2008, chuyên mục Báo động từ vốn di sản trên báo TT&VH Cuối tuần lại “đỏ đèn” trở lại. Và trước thực tế cấp bách, khi những nghệ nhân cuối cùng đang dần ra đi, những “báu vật nhân văn sống” đang dần biến mất, chúng tôi đã chọn Dự án Báo động từ các báu vật nhân văn sống để thực hiện trong kế hoạch 11/2008-11/2009.

Từ tháng 11/2008 đến nay, chuyên mục Báo động từ vốn di sản xuất hiện hàng tuần trên báo TT&VH Cuối tuần (tiếng Việt) và hai tuần/1 lần trên Vietnam News Sunday (tiếng Anh). Loạt bài gồm hơn 40 bài viết đều được thực hiện sau những chuyến đi thực tế của các phóng viên, cộng tác viên của báo TT&VH (xem trên TT&VH Cuối tuần hoặc thethaovanhoa.vn).

Nhưng quan trọng hơn, các ghi chép, phóng sự trên hành trình đi tìm các báu vật nhân văn sống cũng đồng thời là hành trình của các phóng viên trẻ tìm về với vẻ đẹp, sự kỳ diệu, độc đáo của các di sản văn hóa dân gian. Chính họ, trong hành trình ấy, đã cảm nhận được một cách cụ thể nhất, sâu sắc nhất giá trị và tình cảnh báo động của các di sản văn hóa đang biến dạng trước khi biến mất. Mạnh hơn những con số và những con chữ, những nhận thức và cảm xúc này đã được gửi gắm trong các bài viết tâm huyết và hy vọng chúng đã và sẽ truyền được tới bạn đọc. Đây cũng chính là mục đích của dự án truyền thông Báo động từ vốn di sản: Đánh thức tình yêu, thái độ trân trọng và sự hiểu biết các giá trị di sản văn hóa của mọi người dân, của toàn xã hội - bởi vì đó chính là gốc của việc bảo vệ, giữ gìn và phát triển các giá trị của di sản văn hóa truyền thống.

Nhà văn Nguyên Ngọc, một người có nhiều ưu tư với vấn đề trên, đã gọi những người thực hiện dự án là “những người biết bi quan”. Ông viết: “Vấn đề đang nghiêm trọng, hết sức nghiêm trọng. Đang mất hết, sẽ mất hết, mà là mất những gì tuyệt đối không còn tìm lại được nữa, cũng không “phục dựng” được nữa - làm sao có thể “phục dựng” con người!”.

Nhưng rồi ông lại “lạc quan”: “Và bây giờ những người biết bi quan, chúng ta hãy cùng nhau làm một cái gì đó để cho ngay chính chúng ta sẽ đỡ bi quan hơn, sẽ còn hy vọng được ít nhiều. Hãy làm một cái gì đó để kịp cứu lấy những gì rất quý, vô cùng quý, vô giá đang đứng trước nguy cơ mất đi, từng ngày, từng giờ, từng phút. Trước hết hãy truyền niềm bi quan của chúng ta cho những ai còn dửng dưng. Và cùng nhau nghĩ cách cứu lấy, từng cái, cụ thể, bằng những biện pháp cụ thể và thiết thực...”.

Chuyên mục Báo động từ vốn di sản tạm kết thúc một năm và hy vọng sớm trở lại với chủ đề mới. Cám ơn sự quan tâm, chia sẻ của bạn đọc và cộng tác viên trong suốt thời gian qua.

     Trên nhật báo tiếng Anh hàng đầu của Nhật Bản - The Daily Yomiuri, số ra ngày 30/10/2009 vừa qua, có đăng lại bài viết nằm trong chuyên mục Báo động từ vốn di sản của nhà báo Huy Thông - Trò Xuân Phả, những điệu múa mặt nạ kỳ dị (TT&VH Cuối tuần số 37) có tên tiếng Anh: Xuan Pha dance masked in mysterious elements.


TT&VH Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm