Cái chết của bóng đá Italy: Quá nhiều cầu thủ ngoại, quá ít cầu thủ trẻ

30/03/2022 07:35 GMT+7 | Bóng đá Italy

(Thethaovanhoa.vn) - Vấn nạn bùng nổ cầu thủ nước ngoài tại Serie A không hề mới, nhưng bây giờ đã trở nên đáng báo động thực sự. Cầu thủ Italy nói chung và đội tuyển Italy nói riêng đang là những nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất.

Giao hữu đêm qua: Eriksen lại ghi bàn. Anh, Pháp, Bỉ cùng thắng tưng bừng

Giao hữu đêm qua: Eriksen lại ghi bàn. Anh, Pháp, Bỉ cùng thắng tưng bừng

Christian Eriksen tiếp tục ghi bàn cho Đan Mạch trong trận giao hữu với Serbia. Trong khi đó, Anh, Pháp, Bỉ và Tây Ban Nha đều có những chiến thắng tưng bừng trên sân nhà

Theo thống kê của trang transfermarkt.com, trong số 605 cầu thủ đã ra sân ở Serie A mùa này, có tới 376 người mang quốc tịch nước ngoài, chiếm 62,1%. Tính trên tổng số phút thi đấu, các cầu thủ ngoại chiếm tỉ lệ còn cao hơn thế một chút, 64,3%. Chỉ có 3 trong số 20 CLB dùng nhiều cầu thủ nội địa hơn cầu thủ ngoại tịch là Empoli, Genoa và Sampdoria. 3 trong số 4 đội đầu bảng hiện tại có số cầu thủ ngoại chiếm hơn 70% tổng số nhân sự. Nhưng các con số vẫn chưa thể hiện được hết sự áp đảo của cầu thủ ngoại ở giải đấu này.

Sai lầm “chết người” từ thượng tầng

Bắt đầu bằng câu chuyện của Milan, đội bóng đang thể hiện rõ nhất sự ruồng rẫy đối với cầu thủ bản địa. Milan gần như đã đạt thỏa thuận ký hợp đồng với tiền đạo người Bỉ Divock Origi của Liverpool theo dạng tự do. Họ chọn Origi thay vì tiền đạo Andrea Belotti, tuyển thủ Italy, người cũng có thể đến theo dạng tự do. Milan cũng sẵn sàng để đội trưởng Alessio Romagnoli ra đi tự do để đón về một trung vệ ngoại, có thể là Sven Botman, người Hà Lan đến từ CLB Lille (Pháp). Milan có những động thái như vậy không chỉ thuần túy về chuyên môn. Lý do chính là nhờ thế, họ sẽ tiết kiệm được hàng triệu euro tiền thuế thu nhập phải trả cho nhà nước. Milan đã theo đuổi chiến lược này từ lâu và sẽ còn tiếp tục, và họ không phải đội duy nhất.

Chính sách thuế được sửa đổi từ ngày 1/1/2020 ở Italy cho phép người lao động từ nước ngoài tới Italy và cam kết làm việc tối thiểu 24 tháng tại nước này được hưởng mức thuế rất ưu đãi so với người lao động bản địa. Họ chỉ bị chịu thuế cho một nửa thu nhập. Các cầu thủ và vận động viên thể thao thậm chí còn được ưu đãi hơn. Ban đầu, đây được xem là một giải pháp để bóng đá Italy thu hút thêm các cầu thủ tài năng từ nước ngoài đến thi đấu, nâng cao chất lượng chuyên môn và hiệu quả truyền thông cho Serie A. Nhưng hiệu quả chưa thấy đâu, hậu quả đã nhãn tiền. Các CLB Serie A vẫn thất bại trên đấu trường châu lục, chưa cho thấy sự tiến bộ, trong khi đội tuyển Italy thì đang phải chịu những tác động nặng nề.

Không có cơ hội cho cầu thủ nội

Serie A từng rất mạnh tay với vấn nạn cầu thủ ngoài EU đổ bộ tràn lan, nhưng bây giờ, khi chính sách thuế ưu đãi được áp dụng, các CLB không cần phải đi quá xa như vậy để tìm kiếm tài năng. Họ sang Pháp, Bỉ, Hà Lan hay Bồ Đào Nha, những nơi mà mức thu nhập của các cầu thủ vẫn là quá thấp so với ở Italy. Thế nên mới có trường hợp của Udinese, đội bóng nổi tiếng với chiến lược mua cầu thủ giá rẻ từ Nam Mỹ hay châu Phi rồi về bán giá cao, nay không cần nguồn cầu thủ ngoài EU nữa, nhưng vẫn có 80% đội hình là cầu thủ ngoại. Trong số 26 cầu thủ đã ra sân mùa này của Udinese, chỉ 5 là người Italy, thấp nhất giải đấu. Napoli và Lazio chỉ có 7 cầu thủ Italy, Roma 8 người, Milan và Inter là 9 người. Juventus có 11 người, nhưng vẫn là quá ít so với 19 cầu thủ ngoại trong danh sách. Thậm chí, có trận Juventus xuất phát với 11 cầu thủ đều là ngoại binh.

Chú thích ảnh
Những đội bóng hàng đầu Serie A đều có hơn 70% lực lượng là cầu thủ nước ngoài

Chỉ có tổng cộng 18 cầu thủ Italy được đá chính thường xuyên ở 8 đội đầu bảng Serie A hiện tại, trong đó có 7 trung vệ, 5 tiền vệ, 2 hậu vệ cánh, 3 tiền đạo cánh và 1 trung phong. Không có thủ môn nào. Đó là lý do khiến cho đội tuyển Italy trở nên “bình dân” nhất từ xưa đến nay. HLV Mancini không được quyền lựa chọn. Ông buộc phải tìm kiếm ở các đội nhỏ hơn, hoặc là phải dùng đi dùng lại những người không còn tạo được sự mới mẻ. 7 trong số 18 người nói trên đã qua tuổi 30, 4 người sắp chia tay đội tuyển Italy (Chiellini, Immobile, Insigne, Acerbi). Khi những cầu thủ hạng khá như Belotti hay Romagnoli tiếp tục bị ruồng bỏ, không có cơ hội được rèn luyện ở những giải đấu quan trọng như Champions League, đổng thời những tài năng trẻ như Scamacca hay Zaniolo bị ngăn trở đến với các đội bóng lớn vì mức giá quá cao, có thể thấy chất lượng của Azzurri sẽ chỉ càng thêm suy thoái.

Ác mộng của cầu thủ trẻ bản địa

Cầu thủ Italy đã ít cơ hội, thì các cầu thủ trẻ Italy càng ít cơ hội hơn nữa, thậm chí là không có chút cơ hội nào được chứng minh bản thân ở Serie A. Trong số 605 cầu thủ đã ra sân mùa này, chỉ có 69 cầu thủ dưới 23 tuổi người Italy, chiếm 11,5%. Họ chỉ được thi đấu 7,5% tổng số phút của toàn đội. Chỉ 46 người trong đó ở độ tuổi U21, số phút thi đấu chiếm vẻn vẹn 3%. Trong 8 đội đầu bảng, Milan là đội trao cơ hội nhiều nhất cho cầu thủ trẻ bản địa, nhưng thực tế chủ yếu là do khủng hoảng lực lượng. HLV Pioli đã không cho Daniel Maldini hay Matteo Gabbia bất cứ cơ hội nào kể từ giữa tháng 1 đến nay. Chỉ có duy nhất Sandro Tonali là ra sân thường xuyên. Lazio, Spezia, Udinese, Bologna và Venezia là những đội chỉ có duy nhất 1 cầu thủ Italy dưới 23 tuổi từng được sử dụng.

Sự bạc bẽo của các đội bóng Serie A buộc cầu thủ trẻ người Italy phải tìm cơ hội chơi bóng ở các hạng dưới hoặc các đội bóng cấp thấp ở nước ngoài. Trong đội hình U21 Italy mới nhất được HLV Paolo Nicolato triệu tập, có tới 14/27 cầu thủ đang đá ở Serie B, 1 người phiêu dạt sang tận Hà Lan. Thực tế, đó mới chính là những người được ra sân thường xuyên và dám tự tin thể hiện mình. “Rồi sắp tới lúc chúng ta phải lục lọi ở Serie C để tìm tài năng trẻ. Chúng ta phải chịu trách nhiệm vì điều này. Càng vào giai đoạn căng thẳng, các đội bóng càng không tin cầu thủ trẻ. Mà họ cũng 21-22 tuổi rồi, có phải trẻ con đâu. Trẻ đến khi nào nữa?” - Nicolato tỏ ra ngán ngẩm.

Rõ ràng những hậu quả nghiêm trọng của việc tràn lan cầu thủ ngoại đang giết dần giết mòn sức mạnh của bóng đá Italy nói chung và đội tuyển Italy nói riêng. Người Italy cần phải ra tay quyết liệt để ngăn mọi thứ trở nên tồi tệ hơn và khôi phục lại trong tương lai. Càng sớm, càng tốt.

Nguyễn Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm