V-League và khoảng lặng cần thiết

05/07/2021 05:59 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Hình ảnh VPF cùng các CLB họp trực tuyến để rồi đi đến thống nhất phương án tái khởi động V.League thật ám gợi trong tuần qua. Có lẽ lúc này, những người tham gia hoạt động bóng đá mong mùa giải khởi động lại và kết thúc nhanh, dịch sớm tan, để cùng "xây lại" V.League từ những mùa sau.

 

14 CLB đồng ý phương án thi đấu tập trung giai đoạn 2 V-League 2021

14 CLB đồng ý phương án thi đấu tập trung giai đoạn 2 V-League 2021

14 CLB V-League khi được lấy ý kiến đều đồng ý tổ chức V-League 2021 tập trung, không có khán giả ở giai đoạn 2 mùa giải như đề xuất của Ban điều hành giải.

 

Một hành trình vượt khó…

Đề xuất để V-League đá tập trung, không khán giả ở cụm sân các tỉnh phía Bắc cuối cùng đã nhận được đồng thuận từ 14 CLB. Theo đó, trái bóng trái bóng V-League lăn trở lại từ ngày 31/7 để có thể kết thúc vào ngày 23/8. Cái mốc đặt ra như thế để đảm bảo giải đấu hoàn tất vừa vẹn, đồng thời đội tuyển Việt Nam có thêm thuận lợi cho việc hội quân vào cuối tháng 8. Hy vọng, mọi điều suôn sẻ để người xem tận hưởng không khí tươi nhuận như đã từng có ở giai đoạn thứ nhất V-League năm nay.

Nhìn lại, sẽ thấy V-League mùa này ngay từ bước khởi đầu đã gặp những “trúc trắc”. Lúc đó, giải đấu đã phải dừng lại ở vòng 3 vào những ngày trước Tết bởi tình hình dịch bệnh phức tạp ở 2 địa phương Quảng Ninh và Hải Dương. Để rồi, mọi thứ sau đó trơn tru khi giải đấu tiếp tục cho đến vòng thứ 12. Một nửa hành trình đã qua của V-League 2021 chứng kiến rất nhiều thú vị. Ở đó, HAGL dưới bàn tay nhào nặn của Kiatisuk đã “vượt ngưỡng” đáng kinh ngạc. ĐKVĐ Viettel vẫn âm thầm bám đuổi trong cuộc đua đến ngôi vương. Khoảng cách giữa họ chỉ còn 3 điểm, đủ hứa hẹn về những so kè khốc liệt trong phần còn lại của mùa giải.

Những gì đã trải qua trong năm 2020 khi nhiều lần “lao đao” vì dịch bệnh đã đủ tạo ra cách ứng phó chuyên nghiệp hơn cho bóng đá nước nhà. Chính vì thế, bây giờ, khi đứng trước khó khăn, những ứng xử của VPF đã vừa vẹn và hài hòa hơn. Ai cũng biết, tìm cách tháo gỡ vấn đề mới khó chứ không phải đổ lỗi tại -vì-do- bởi. Chính vì thế, sự đồng thuận, sẻ chia để tìm đến tiếng nói chung nhất là điều cần thiết. Ở đó, tâm thế “quần tụ” của bóng đá hay bất cứ một khía cạnh nào khác của xã hội sẽ có được giải pháp căn cơ và lối ra hài hòa nhất.

bóng đá Việt Nam, tin tức bóng đá, V-League, lịch thi đấu vòng 13 V-League, Viettel vs BG Pathum United, trực tiếp bóng đá Cúp C1 châu Á, Viettel, VTC3, VPF
Cuối cùng thì VPF và các CLB đã thống nhất để trái bóng V-League được lăn trở lại.
Ảnh: Trần Tuấn

Tất nhiên, dịch dã cũng là khoảng lặng để VFF, VPF và các CLB suy tư cách nghĩ thêm cách nghĩ, cách làm. Ứng biến với dịch để tìm ra cách giải quyết cụ thể cho mỗi mùa bóng là hẳn rồi, không khác được. Tuy vậy, làm sao để thực sự có cuộc cách mạng cho hệ thống các giải chuyên nghiệp những mùa sau vẫn phải tính đến. Đó không chỉ là sự phù hợp, đó còn là giải pháp căn cơ, tổng thể cho bóng đá nước nhà.

Cùng nắm tay đi qua mùa dịch…

Không phủ nhận những gì bóng đá nước nhà đã và đang có được suốt thời gian qua. Tuy nhiên, nhìn dưới lát cắt khác, nền bóng đá nói chung và V.League nói riêng thực tế vẫn còn chưa bắt kịp những đòi hỏi về tính chuyên nghiệp và xu thế phát triển chung hiện nay.

Nhớ lại, sẽ thấy mùa giải trước bầu Đệ đã từng gửi công văn xin thôi không tham gia giải đấu. Hay chuyện có đội bóng đề xuất xin BTC khoản tiền nhất định để tiếp chơi V-League 2020. Gần nhất, Than Quảng Ninh những tưởng đã không thể trụ vững để đá V-League năm nay rồi Tây Ninh bỏ giải hạng nhất vì thiếu tiền. Tựu trung, tất cả khó khăn đó đều liên quan đến câu chuyện “tiền đâu” đầu tư cho bóng đá ở mỗi CLB.

Bình thường đã khó, huống hồ trong bối cảnh dịch bệnh đã có những tác động quá lớn như hiện nay. Gọi là chuyên nghiệp song bóng đá Việt Nam chưa thể nuôi sống bản thân. Tiền bản quyền truyền hình, bán vé, áo đấu, vật phẩm lưu niệm, quảng cáo hay khai thác các giá trị thương mại khác gần như chỉ được xem là “những đồng bạc lẻ” so với chi phí nuôi đội bóng. Gần như, các đội bóng sống chủ yếu nhờ “bầu sữa” của ông bầu, doanh nghiệp. Cùng với đó, mỗi năm sẽ được rót một ít kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương. Nhưng với bối cảnh này mới thấy mọi thứ sẽ phải lao đao thế nào. Thế nên, câu chuyện phải “thắt lưng buộc bụng” là điều hiển nhiên.

Vậy nên, vấn đề đặt ra không chỉ ở những giải pháp tạm thời để ứng phó. Sâu xa hơn vẫn là mô hình, hướng đi, tính chuyên nghiệp thật sự cho cả nền bóng đá. Làm được điều đó, chí ít cũng có thể không quá bị động trước những tình thế bất khả kháng trong tương lai.

Không thể nằm ngoài vòng xoáy cũng chẳng thể đứng bên lề, bóng đá Việt Nam đã, đang và sẽ dần thích ứng với nhịp sống mới, hơi thở mới trong trạng thái bình thường mới của cả xã hội. Tất cả sẽ được phô bày hết, hiển hiện rõ ở tâm thế đón nhận, cung cách làm việc, tư duy ứng xử của những chủ thể đang tham gia vào bộ máy đó.

Suy cho cùng, biến cố mang tên Covid-19 đã “vỡ” ra rất nhiều điều cho bóng đá Việt Nam. Chúng ta đã ứng xử vừa vẹn rồi thì bây giờ cần nhất những tư duy, đột phá cho hành trình tiếp theo.

Trần Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm