Chuyện bầu Hiển, bầu Tú

17/09/2016 11:28 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Một, ông Đỗ Quang Hiển với tầm ảnh hưởng của mình lên 3 – 4 đội bóng, nhiều khả năng sẽ có thêm chức vô địch thứ 5/8 mùa V-League gần nhất; một còn lại, ông Trần Anh Tú giữ vai trò quyết định đến sự tồn vong của futsal Việt Nam, với ĐT Futsal quốc gia gây tiếng vang tại World Cup 2016.

Không hẹn mà gặp, cặp song kiếm hợp bích người gốc Hà thành này đã và đang đặt nền móng cho nền bóng đá, cũng như các giải đấu, từ futsal đến bóng đá sân 11, tầm ảnh hưởng đến 5 – 10 năm nữa.

Nước chảy chỗ trũng

Đấy là nguyên lý bất di bất dịch rồi. Một cầu thủ có thể từ chối một (hay vài) CLB lớn, giàu tham vọng, nhưng muốn trở thành nhà vô địch – đồng thời rút ngắn quãng đường khoác áo các ĐTQG, bắt buộc họ phải gia nhập các đội bóng hàng đầu. Nếu môn futsal có Thái Sơn Nam, Thái Sơn Bắc, Tân Hiệp Hưng, Hải Phương Nam, Cao Bằng…, đều thuộc sở hữu (toàn bộ hoặc bán phần) của ông bầu Trần Anh Tú, thì sân cỏ V-League, dưới trướng ông bầu Đỗ Quang Hiển là Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng, QNK Quảng Nam và Sài Gòn FC…

Ở số báo trước, chúng ta đã điểm lại, trong khoảng 7 năm qua, các đội bóng SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T đã giành 4 chức vô địch V-League, số còn lại thuộc về B.Bình Dương (2) và SLNA (1). Khi “thế hệ vàng” các cầu thủ sinh năm 84 – 86 trong màu áo B.Bình Dương đã qua thời đỉnh cao, không còn có thể quyết được cuộc chơi, đồng thời tầm ảnh hưởng trên bình diện ĐTQG cũng bị hạn chế (cả về số lượng lẫn chất lượng), thì những người thuộc biên chế 3 đội bóng còn lại (2 trong số này của bầu Hiển) mới bắt đầu độ chín.


Bầu Hiển là người thành công nhất V.League 10 năm qua.Ảnh: V.S.I

Các bản hợp đồng tốt nhất, từ nội đến ngoại binh, sau B.Bình Dương, đều về với SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T. Từ Minh Phương, Ngọc Thanh, đến lượt Vũ Phong – một nhà vô địch AFF Suzuki Cup 2008 khác, cầu thủ có đẳng cấp hàng đầu ở thế hệ của anh, cũng chạy ra Chi Lăng. Ở sân Hàng Đẫy, việc Hà Nội T&T thu phục được Thành Lương sau khi CLB bóng đá Hà Nội của bầu Kiên giải thể (cuối năm 2012, khi ông bầu này bị bắt), là cú áp phe hoàn hảo, không thua, thậm chí còn giá trị hơn bản hợp đồng với Công Vinh hồi năm 2009.

Với Văn Quyết, Thành Lương, Hoàng Vũ Samson được Việt hoá, Gonzalo, cùng một số gương mặt trẻ tiêu biểu được đôn lên từ tuyến 2, Hà Nội T&T là đội bóng có chất lượng cầu thủ thuộc hàng tốt nhất V-League, dù không phải vung quá nhiều tiền vào thị trường chuyển nhượng, kiểu như FLC Thanh Hoá, XSKT Cần Thơ hay trước đó là B.Bình Dương. Đấy cũng là cách làm của HLV Lê Huỳnh Đức tại SHB Đà Nẵng 8 năm qua. Hai đội bóng còn lại của bầu Hiển là QNK Quảng Nam và Sài Gòn FC cũng không tệ.

Sở hữu dàn cầu thủ chất lượng, thêm túi tiền rủng rỉnh của các ông chủ, không vô địch mới là chuyện lạ. Hung thần Gaston Merlo có năm lần bảy lượt muốn vượt ải Chi Lăng, tìm chân trời mới, thì anh vẫn phải quay lại đây tìm đất diễn, đồng thời SHB Đà Nẵng cũng được hưởng lợi nhiều từ chân sút thuộc loại tốt nhất trong lịch sử V-League. Tiền bạc và các quyền lợi kèm theo là những mối quan tâm hàng đầu, ngoài ra, đứng trong hàng ngũ các đội bóng này, còn đem lại sự ổn định cho không chỉ cầu thủ, mà cả các HLV, các trợ lý.

Khi xây dựng bộ khung cho các ĐTQG, bất cứ HLV nào cũng sẽ nhìn vào các cái tên của những CLB mạnh, trước khi liếc xuống hàng dưới. Khi V-League là nguồn cung ứng gần như duy nhất cho đầu ra ĐTQG, việc nhóm các đội bóng dẫn đầu quyết luôn tư cách thành viên tuyển thủ, cũng là chuyện bình thường. Có năm, ĐTQG gần như được xây dựng xung quanh bộ khung của 2 – 3 CLB. Với môn futsal và ĐT futsal Việt Nam, không gian thậm chí còn bó hẹp hơn. CLB Thái Sơn Nam là số 1, là duy nhất, không có lựa chọn khác.

Không về Thái Sơn Nam thì đi đâu?

Trước khi ĐT futsal Việt Nam lên đường tập huấn nước ngoài, chuẩn bị FIFA World Cup futsal 2016, một HLV thuộc biên chế Thái Sơn Nam, hiện đang nắm một CLB vệ tinh, đã chia sẻ với Thể thao & Văn hoá Cuối tuần rằng, tự ông bầu Trần Anh Tú đã toát ra vẻ bề ngoài khiến người ta có thể không (hoặc chưa thích) nhưng nể và sợ là có thật. Đó là lý do mà đến 7 – 8 phần người chơi futsal chuyên nghiệp hay các HLV futsal, đều tìm về Thái Sơn Nam hoặc các đội bóng “chư hầu”. Có thể nói là, mọi con đường đều dẫn về… nhà bầu Tú.

Bầu Tú ứng cử Hội đồng nhân dân TP.HCM: 'Góp thêm tiếng nói phát triển thể thao TP.HCM'

Bầu Tú ứng cử Hội đồng nhân dân TP.HCM: 'Góp thêm tiếng nói phát triển thể thao TP.HCM'

Chia sẻ với Thể thao & Văn hóa khi được tín nhiệm ứng cử vào HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2016- 2021, ông Trần Anh Tú chia sẻ: “Dù công việc rất bận nhưng được tổ chức tín nhiệm thì tôi sẽ phải nỗ lực làm hết sức mình...”.

Theo phân tích của HLV này, gia nhập Thái Sơn Nam, cầu thủ sẽ được lợi nhiều thứ. Thứ nhất là dễ trở thành nhà vô địch quốc gia hơn khoác áo bất kỳ một CLB nào khác. Nói là các CLB khác, chứ trên thực tế cũng chỉ còn 2 đội của Khánh Hoà là Sanatech Khánh Hoà và Sanna Khánh Hoà, thêm Hoàng Thư Đà Nẵng, hình như cũng chịu ảnh hưởng của bầu Tú. Trở thành nhà vô địch quốc gia là một chuyện, song để khoác áo ĐT futsal Việt Nam, thì bắt buộc phải chơi cho Thái Sơn Nam. Môn Futsal có những đặc thù, đòi hỏi chuyên biệt.

Ở các giai đoạn phát triển khác nhau, đã có nhiều ý đề cập chuyện bất công đối xử trong việc triệu tập danh sách cầu thủ và tạo môi trường cạnh tranh sòng phẳng trên bình diện ĐTQG, giữa quân của Thái Sơn Nam và phần còn lại. Chuyện này là có thật, khi từ vua phá lưới giải futsal VĐQG, đến cầu thủ xuất sắc nhất, đều từng bị gạt ra, thậm chí không được xướng tên từ bản danh sách sơ bộ. Nhưng, như đã nói ở trên, futsal mang những đặc thù, nó là môn thể thao của một nhóm người “ăn dầm nằm dề”, hiểu nhau như chân với tay.

Ông Trần Anh Tú không quân phiệt (và về nguyên tắc công việc cũng không có quyền) đến độ từ chối tất cả những ai không thuộc biên chế Thái Sơn Nam, chưa từng phục vụ ông, song quả thật rất khó để một cái tên nào đó chen chân vào. Đặc biệt, kể từ khi ông bầu này bỏ tiền túi, không chỉ nuôi Thái Sơn Nam, nuôi ĐT futsal Việt Nam, mà thuê cả các chuyên gia (và ê-kíp) nước ngoài về làm việc, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm nọ, cánh cửa ĐTQG càng hẹp hơn với người ngoài. HLV Bruno Formoso chỉ thuê cho ông Tú.

“Giá mà làng futsal Việt Nam có nhiều ông bầu như ông Tú, có lẽ sẽ tốt hơn. Khi có nhiều CLB futsal chuyên nghiệp, tính cạnh tranh ở giải VĐQG sẽ quyết liệt hơn, ĐTQG cũng sẽ có nhiều lựa chọn hơn, thay vì duy nhất như hiện tại. Đó có lẽ là vấn đề của tương lai, còn lúc này, nếu futsal chưa từng có bầu Tú, chúng ta sẽ chưa từng biết đến World Cup. Ông Tú có một tình yêu mãnh liệt dành cho môn thể thao này, thậm chí ông xem các cầu thủ như con mình vậy. Ông làm tất cả để tìm chỗ đứng cho futsal Việt Nam”, vị HLV trẻ này tâm sự.

Bất luận có gây khó chịu với những người đang đi tìm lý tưởng, thì không thể chối cãi sự thật, bóng đá Việt Nam đã và đang được hưởng lợi, từ sự tận tuỵ của bầu Tú, bầu Hiển. Tất nhiên, một vài nhân vật chóp bu của nền bóng đá, cũng được hưởng lợi theo.

Một chương nào đó trong lịch sử BĐVN dù ở góc độ nào, nếu được viết nên, nhất định phải có cả hai, bầu Hiển và bầu Tú.

Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm