Xuất ngoại cầu thủ Việt: Từ Lê Huỳnh Đức đến Đặng Văn Lâm

26/02/2021 13:40 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Chuyển từ Thai-League sang giải J-League 1, khoác áo CLB Cerezo Osaka. Đặng Văn Lâm trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên góp mặt cho một đội bóng thuộc giải đấu có trình độ cao nhất của bóng đá Nhật Bản. Hành trình của thủ môn Đặng Văn Lâm không chỉ ghi dấu những nỗ lực khẳng định bản thân mà còn đánh dấu bước tiến mới của cầu thủ nội.

Văn Lâm có thành công ở J-League?

Văn Lâm có thành công ở J-League?

Sau những tranh cãi ồn ào với Muangthong United, thủ thành Văn Lâm đã chính thức cập bến Cerezo Osaka và hứa hẹn sẽ trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên được thi đấu ở J-League 1 - giải đấu hàng đầu của châu lục.

Rõ ràng, cái tin Đặng Văn Lâm sang chơi tại J-League 1 mang đến những hứng khởi cùng tin tưởng về cơ hội được ra sân so với những cầu thủ Việt đã từng xuất ngoại trước đó. Nói cách khác, với thông tin được hé lộ, Đặng Văn Lâm sẽ ra sân khoảng 30% số trận của Cerezo Osaka trong mùa giải năm nay cũng đủ xác tín rằng niềm tin đó là có cơ sở.

Từ người “ném đá dò đường” Lê Huỳnh Đức

Năm 2001, Huỳnh Đức, ngày đó là tiền đạo của đội CA TP.HCM sang Trung Quốc khoác áo Lifan Trùng Khánh. Huỳnh Đức được coi là cầu thủ Việt Nam tiên phong ra nước ngoài thi đấu cho dù ấn tượng để lại không nhiều. Hơn 4 tháng cùng 4 trận ra sân, chân sút CA TP.HCM chỉ kịp ghi 1 bàn thắng. Nhớ lại vào thời điểm đó, câu chuyện xuất ngoại còn khá lạ lẫm trong suy nghĩ của cầu thủ Việt. Thực tế nhìn lại sẽ thấy chuyến đi của Huỳnh Đức cũng nặng tính thương mại hơn là chuyên môn, bởi đổi lại thương hiệu Lifan đã tài trợ một số phương tiện hậu cần cho TP.HCM.

Gần 4 năm sau thương vụ của Huỳnh Đức, bóng đá Việt có thêm những cầu thủ tiếp theo xuất ngoại. Nguyễn Việt được gửi tới Porto B. Cùng lúc với Thắng “Bế”, Lương Trung Tuấn cũng sang Thái Lan chơi bóng với mức lương 400USD/tháng. Sau đó, khi ký vào bản hợp đồng với Leixoes hồi năm 2009, Lê Công Vinh trở thành cầu thủ Việt đầu tiên chơi bóng tại một giải đấu chuyên nghiệp ở châu Âu. Năm 2013, hợp đồng cho mượn giữa SLNA và Sapporo đã đưa Công Vinh lập thêm kỷ lục mới: cầu thủ Việt đầu tiên có 2 lần xuất ngoại.

Đấy cũng là thời điểm mà bóng đá Việt Nam còn đang “ngập ngừng” trong câu chuyện để cầu thủ ra nước ngoài thi đấu.Cho mãi đến năm 2016, khi bầu Đức cùng lúc để Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường sang Nhật Bản, Hàn Quốc rồi cả giải VĐQG Bỉ, hay vụ Đoàn Văn Hậu sang Hà Lan thì mọi thứ bỗng dưng rầm rộ. Rầm rộ hay kỳ vọng là điều có thật nhưng đổi lại những thương vụ đó cũng không mang lại giá trị chuyên môn khi tất cả họ đều quay về trong thất bại.

Lần giở những trang ký ức về lai lịch những lần xuất ngoại thi đấu như thế để thấy rằng được ra nước ngoài (và được ra sân thi đấu) mãi là câu chuyện bất tận với bóng đá Việt. Ở đó,rất nhiều câu hỏi được đặt ra ví như cho cầu thủ ra nước ngoài thi đấu có phải là lựa chọn tốt? Vì sao những cầu thủ đã được ra đi không thành công như mong đợi? Chúng ta cần làm gì trong thời gian sắp tới để xuất ngoại cầu thủ thành công?

bóng đá Việt Nam, tin tức bóng đá, Lê Huỳnh Đức, Đặng Văn Lâm, J-League 1, V-League, DTVN, Park Hang Seo, vòng loại World Cup, kết quả bóng đá
Lê Huỳnh Đức (trái) mở đường, nhưng liệu Đặng Văn Lâm có là cầu thủ Việt Nam thi đấu thành công ở sân chơi quốc tế?

Từ ngày Huỳnh Đức “ném đá dò đường” đến lúc Công Vinh đặt thêm viên gạch làm nền hay lứa Công Phượng, Đoàn Văn Hậu “bơi ra biển lớn”với tâm thế không bổ ngang cũng bổ dọc tạm coi như khép lại một chu kỳ hay một “trào lưu” xuất ngoại của cầu thủ trong nước. Để bây giờ, lúc Đặng Văn Lâm chuyển sang môi trường chơi bóng ở giải đấu cao nhất Nhận Bản, câu chuyện sẽ được nhìn nhận trên tầm mức nghiêm túc và chuyên nghiệp hơn.

Đến ngày “Đông du” của Đặng Văn Lâm

Nhìn tổng thể, trong số những cầu thủ Việt đã từng ra nước ngoài thi đấu, sẽ thấy rất rõ Đặng Văn Lâm được xem như trường hợp hiếm hoi tạo ra dấu ấn về chuyên môn. Điều này không phải nằm trong những góc nhìn cảm tính đơn thuần mà dựa trên con số định lượng hẳn hoi. Anh là trụ cột của CLB Muangthong United ở Thai-League 1 2019. Rất dễ nhận ra, năng lực cùng phẩm chất của Đặng Văn Lâm được kinh qua nhiều thăng trầm trong sự nghiệp từ V-League cho đến Thai-League những năm qua để anh có đường con đường “Đông du” bây giờ.

Nhiểu năm về trước, đã có lúc, Đặng Văn Lâm phải gặp nhiều lao đao trong sự nghiệp của mình khi mới về Việt Nam. Anh từng vất vả đi tìm chỗ đứng và phải lăn lộn qua nhiều đội bóng để có được cơ hội thi đấu rồi khẳng định bản thân mình. Trở về từ Nga vào năm 2010, hẳn nhiên Đặng Văn Lâm không được coi là sản phẩm được đào tạo từ các CLB trong nước. Nhưng chính từ môi trường V-League cho dù phải bôn ba, thậm chí có lúc không được thừa nhận như thứ “lửa thử vàng” trui rèn bản lĩnh cùng năng lực của chàng thủ môn Việt kiều này.

Rộng hơn, khi Đặng Văn Lâm tỏa sáng, bật vọt được năng lực cá nhân cùng với thành công rực rỡ trong “nhiệm kỳ” thứ nhất của HLV Park Hang Seo đã như tấm giấy “thông hành” cho anh khi tìm đường đến chơi bóng ở những giải đấu chất lượng hơn. Nói cách khác, năng lực cá nhân sau những thể hiện xuất sắc của mình trong màu áo ĐTQG Việt Nam tại AFF cup 2018 cùng Asian Cup 2019 là “bảo chứng” đầy tin cậy cho anh gia nhập CLB Muangthong United (Thái Lan), với số tiền chuyển nhượng và mức lương hấp dẫn (lương 10.000 USD/tháng, tức hơn 230 triệu đồng/tháng).

Rất nhanh, sau 2 năm chơi bóng trên đất Thái, Đặng Văn Lâm đã “bén duyên” cùng bóng đá xứ sở Mặt trời mọc một cách chính danh nhất trên góc cạnh chuyên môn chứ không dựa vào những thương vụ ít nhiều hơi hướng thương mại hay làm ăn qua lại của những trường hợp trước đây. Đến với Cerezo Osaka, Đặng Văn Lâm hẳn nhiên sẽ nhận được những mức đãi ngộ cao hơn nhưng đấy chỉ là một khía cạnh, Lát cắt quan trọng hơn được nhìn nhận nằm vào những cố gắng không ngừng nghỉ để khẳng định cho giá trị của mình. Nói cách khác, Đặng Văn Lâm có khát vọng và biết cách làm cho khát vọng trở thành hiện thực trên hành trình sự nghiệp của mình.

Được ra nước ngoài thi đấu hẳn nhiên như khát vọng lớn và có thật nơi mỗi cầu thủ trong nước. “Vươn ra biển lớn” để khẳng định mình, để mở ra con đường cho bóng đá Việt. Đồng thời, cũng là con đường tất yếu mà địa hạt bóng đá nước nhà đã và đang hướng đến như một xu thế tất yếu trong lộ trình đó. Lý thuyết là thế hay ước mơ sẽ khiến chúng ta kỳ vọng như vậy nhưng Lâm “Tây” có thành công ở xứ sở mặt trời mọc hay không vẫn sẽ là câu hỏi đã từng dành cho nhiều cầu thủ chúng ta trước đây. Còn bây giờ dành cho Đặng Văn Lâm.

CLB Cerezo Osaka đã chính thức đăng ký thủ môn Đặng Văn Lâm vào đội hình thi đấu mùa giải 2021 với chiếc áo số 1. Tuy nhiên, sớm nhất phải đến cuối tháng 2, hoặc đầu tháng 3 khi có chuyến bay sang Nhật Bản, Đặng Văn Lâm mới có thể ra mắt đội bóng mới và bước vào tập luyện.

Mùa giải 2020, CLB Cerezo Osaka kết thúc ở vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng, kém đội vô địch Kawasaki tới 23 điểm. Còn tại mùa giải trước nữa, Cerezo Osaka có 59 điểm, đứng vị trí thứ 5. J-League 1 2021 sẽ khởi tranh vào ngày 26/2 nên chắc chắn thủ môn Đặng Văn Lâm không thể góp mặt ở trận mở màn của đội nhà Cerezo Osaka gặp CLB Kashiwa Reysol vào ngày 27/02. Nếu tính quãng thời gian cách ly bắt buộc sau khi nhập cảnh, Đặng Văn Lâm chỉ có thể ra sân cùng đội bóng chủ quản kể từ vòng 5 J-League 2021, diễn ra sớm nhất là từ ngày 17/03.

Trần Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm