Vô phúc đáo tụng đình... bóng đá!

08/10/2021 18:20 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Thiếu báo cáo tài chính, nợ thuế và kiện tụng ra FIFA…, là những gì mà cả làng cầu nội nghe được từ CLB Hải Phòng, trong suốt thời gian dài vừa qua. Đại diện đội bóng đất Cảng thông báo rằng, họ đã đạt được các thỏa thuận giãn nợ thuế với Nhà nước, đồng thời cũng giải quyết ổn thỏa chuyện đền bù với cầu thủ người Uganda, Joseph Mpande và gần như chắc chắn sẽ được AFC cấp phép tham dự mùa giải 2022 sau khi kiện toàn hồ sơ…

Hải Huy, Văn Khoa từ chối CLB TPHCM để về Hải Phòng

Hải Huy, Văn Khoa từ chối CLB TPHCM để về Hải Phòng

Tiền vệ Hải Huy và hậu vệ Văn Khoa đã bất ngờ có động thái “quay xe” với CLB TP.HCM để đầu quân cho đội bóng “hàng xóm” Hải Phòng.

Nhưng, đó mới chỉ là thông tin một chiều từ Lạch Tray. Điều quan trọng là, những tiền lệ xấu ấy sẽ tiếp tục tạo những điều tiếng không hay cho bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam, vốn không thiếu tì vết.

Bài học chưa ráo mực

Lịch sử bóng đá Việt Nam 20 năm qua, từ cấp độ CLB đến các ĐTQG, không hề thiếu những viện dẫn về việc kiện tụng và rất thường xuyên, người sử dụng lao động thường thua kiện. Bắt đầu từ trường hợp của cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, Letard, với gần 200 ngàn USD (tương đương với khoảng 3 tỷ đồng, thời điểm năm 2004), rồi Alfred Riedl (2007), Toshiya Miura (2015)… Ở cấp CLB, lại là Alfred Riedl với lần lượt Khánh Hòa, rồi Hải Phòng; Toshiya Miura với TP.HCM, Fabio Lopez tại CLB Thanh Hóa…

“Chiếc cặp của gã luật sư chứa nhiều tiền hơn một kẻ có súng”, đấy là một câu thoại kinh điển trong bộ phim Bố Già (dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Mario Puzo). Các HLV người nước ngoài khi đến Việt Nam làm việc, luôn rất quan tâm đến các vấn đề về pháp lý, cũng như điều khoản của bản hợp đồng, chứ không chủ-nghĩa-đại-khái như người Việt ta. Và ngoài FIFA, họ còn có Tòa án Thể thao quốc tế (CAS) bảo vệ, với vụ Letard hẳn là kinh điển nhất. Cơm áo không đùa với khách thơ, kể cả với những người chỉ biết đến trái bóng tròn, chứ đừng nói vấn đề quyền lợi công việc.

Năm 2015, lần lượt Cần Thơ, rồi Đồng Tháp đã phải bồi hoàn hợp đồng và giải phóng cho Ngọc Điểu, Bửu Ngọc và Dương Thanh Hào. Trước khi vụ tranh chấp giữa Mpande và CLB Hải Phòng nổ ra, thì hàng chục cầu thủ Quảng Ninh đã tố CLB nợ lương, thưởng và phí ký hợp đồng cả năm trời. Với thỏa thuận đưa ra về việc giải phóng hợp đồng, đổi lại các cầu thủ này sẽ không kiện CLB, chúng ta có thể cảm nhận được tương lai của CLB Quảng Ninh rồi. Đội bóng vùng Mỏ nhiều khả năng sẽ bị xóa sổ, kết thúc sứ mệnh 60 năm tồn tại.

Về trường hợp của Mpande, cuộc tranh chấp thực tế đã xảy ra từ giai đoạn 1 V-League 2021, khi ngoại binh người Uganda vì vướng dịch Covid-19, mà qua tập trung muộn. Vin vào cớ này, lãnh đạo CLB Hải Phòng khi ấy là ông Trần Mạnh Hùng đã quyết định "giam lỏng" Mpande (không đăng ký thi đấu), cất luôn khoản phí ký hợp đồng và chỉ cho ăn uống, tập luyện với chế độ của một cầu thủ trẻ. Mpande đã gửi đơn đi khắp nơi, cho đến khi được FIFA tiếp nhận và ra văn bản, thì Hải Phòng mới thông báo là đã đạt được thỏa thuận bồi thường.

Chú thích ảnh
Vụ việc liên quan đến cầu thủ ngoại Mpande và CLB Hải Phòng càng khiến hình ảnh bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam méo mó. Ảnh: VPF

Tất cả những hành xử như vậy, hoàn toàn không mang dáng dấp của bóng đá chuyên nghiệp. Vẫn là thứ văn hóa dấm dúi, tư duy nhiệm kỳ, phép vua thua lệ làng, mà Hải Phòng chắc chắn là một trong những CLB mang nhiều điều tiếng nhất. Mới đây, ông Trần Văn Hoàn đã nói thẳng rằng, việc nợ thuế và cả vụ Mpande đều là từ thời chủ tịch CLB Trần Mạnh Hùng để lại. Nó làm chúng ta liên tưởng đến vụ thanh tra sân Mỹ Đình, với không có bất kỳ di sản hay tính kế thừa nào được tạo ra từ các nhiệm kỳ lãnh đạo trước đó, mà toàn là nợ.

Mpande không phải vụ tranh chấp đầu tiên ở Hải Phòng, nhưng cũng chưa phải cuối cùng. Sắp tới, có thể thêm trường hợp của Hải Huy, nếu Hải Phòng chưa đạt được thỏa thuận mua lại hợp đồng và bồi hoàn với CLB TP.HCM mà Huy đã ký nháp trước đó, lại vội đưa tiền vệ Quảng Ninh về Lạch Tray. Vẫn có câu, vô phúc đáo tụng đình, Hải Huy đang ở thế rất khó, tựa như mắc kẹt, trong một chơi do người khác điều khiển. Khái niệm này trước đây gọi là đi đêm.

Vét cho bằng hết mới nghỉ?

Khi người ta làm bóng đá, mà không vì bóng đá trước nhất, thì chắc chắn là để thỏa mãn đam mê quyền lực và quyền lợi. Trong 5 năm đời chủ tịch Trần Mạnh Hùng tại CLB Hải Phòng, nguồn kinh phí được cấp ước tính khoảng hơn 250 tỷ đồng. Vậy tại sao và như thế nào, đội bóng này hiện còn nợ thuế lên tới 17 tỷ đồng, để rồi bị thanh tra? Số tiền 250 tỷ đồng ấy đã được chi tiêu như thế nào, khi ngay cả các cầu thủ Hải Phòng cũng tố, họ thậm chí còn bị ăn bớt từng bữa ăn, cũng như tiền giầy tất, quần áo, trang thiết bị phục vụ tập luyện, thi đấu.

Hải Phòng từ vài năm qua đã chính thức giải tán tất cả các tuyến trẻ của CLB. Mặc dù không lệch về quy trình quản lý (đội bóng trực thuộc Công ty Cổ phần Bóng đá Hải Phòng), nhưng về mô hình, Hải Phòng rõ ràng không đạt chuẩn CLB chuyên nghiệp theo tiêu chí của AFC. Một trong những tiêu chí quan trọng của AFC, đấy là việc CLB chuyên nghiệp phải tham gia đầy đủ các hệ thống giải bóng đá trẻ quốc gia hàng năm. Nó có nghĩa rằng, đội bóng ấy phải duy trì các tuyến trẻ, chứ không phải đến giải rồi đi vay mượn tứ tung, thi đấu cho có.

Bóng đá Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung, ở rất nhiều các cấp độ, lãnh đạo cũ thường xuyên bị người mới tố. Ở chiều ngược lại, đã biết chắc nếu ngồi vào cái ghế tiếp quản ấy, thì nghĩa vụ của người mới là phải giải quyết toàn bộ nợ nần, hoặc ít nhất khoanh vùng được dư nợ cũ, thì tại sao lại tố?! Cứ như thế, các tiền lệ xấu được tạo ra, khiến cho đội bóng bị khánh kiệt, trước khi đi đến giải thể. Ông Hùng “vàng” ở Quảng Ninh có tiếng là hào sảng, nhưng không thể nói là ông đã không để lại khoản nợ khổng lồ ngay lúc này.

Câu chuyện ở Hải Phòng, Quảng Ninh hoàn toàn không mới, nếu chúng ta ướm vào các trường hợp khác với một số đội bóng ở phía Nam. Mới nhất, An Giang đã tuyên bố giải thể CLB. Năm 2014, họ cũng từng giải thể một lần và phải làm lại từ giải hạng Nhì, hạng Ba, cho đến nay lại giẫm lên vết xe đổ của chính mình. Trước An Giang là Kiên Giang, cùng với Kiên Giang 2013 là XMXT Sài Gòn, Navibank Sài Gòn, Cà Mau. Đồng Tháp hiện đang chơi ở giải hạng Nhì, nhưng thậm chí họ từng bị Sở lấy lại sân Cao Lãnh vì… nợ tiền.

Bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam đã vắt qua tuổi 21, song dường như, những chuyện xấu chưa từng buông tha nền bóng đá. Đơn giản, bởi nó được điều hành bởi những con người chỉ lăm lăm đến quyền lợi, thậm chí lợi ích nhóm. Nếu không thể thay đổi tư duy và cách làm, từ cấp cơ sở lên cao hơn, thì con đường lên chuyên nghiệp còn diệu vợi lắm. Thẳng mực tàu đau lòng gỗ!

Tháng 3/2021, CLB Hải Phòng và ngoại binh Mpande có tranh chấp về tiền lương. Hai bên cùng gửi văn bản đến FIFA yêu cầu đưa ra phán quyết, tuy nhiên sau đó đã đạt được thỏa thuận với nhau mà không cần chờ đến phán quyết của FIFA.

Dù vậy, CLB Hải Phòng lại không báo cáo lên FIFA, nên ngày 7/5/2021 FIFA đã đưa ra phán quyết yêu cầu CLB Hải Phòng phải trả cho cầu thủ Mpande 56.500 USD (khoảng 1,3 tỉ đồng). Nếu không thực hiện phán quyết và có báo cáo FIFA trước ngày 6/10/2021, CLB Hải Phòng không đủ điều kiện để được cấp phép tham dự mùa giải 2022.

1/10 vừa qua, VFF đã gửi văn bản nhắc nhở CLB Hải Phòng thực hiện phán quyết của FIFA và hoàn thiện hồ sơ cấp phép tham dự mùa giải 2022. Sau khi nhận được văn bản, CLB Hải Phòng đã đổ lỗi cho Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh thiếu trách nhiệm, thông báo muộn khiến CLB Hải Phòng đứng trước nguy cơ không được tham dự mùa giải 2022. Ông Hoài Anh đã phản pháo CLB Hải Phòng, cho rằng đây là trách nhiệm của CLB và cần phải xử lý hành vi lộng ngôn của lãnh đạo CLB Hải Phòng.

Trước khi cập bến Hải Phòng, Mpande từng được rất nhiều CLB tại Việt Nam săn đón. Nhưng, cựu tuyển thủ QG Uganda từng chinh chiến tại giải vô địch châu Phi CAN 2014 này đã không may mắn, khi vướng phải dịch Covid-19 tại quê nhà và khi quay trở lại Lạch Tray, thì bị "giam lỏng" như đã đề cập trong bài viết.

Trong nhiều tháng liền không được hưởng bất cứ chế độ nào của CLB, không được đăng ký thi đấu, Mpande đã rất khốn đốn. Số tiền bồi hoàn mà Hải Phòng thông báo là đã trả cho Mpande đặng thoát án phạt của FIFA, thấp hơn nhiều so với quyền lợi chính đáng mà anh được hưởng, nhưng cầu thủ người Uganda chấp nhận là bởi anh muốn được giải phóng. Song chắc chắn nó sẽ để lại những dư vị mặn chát trong lòng Mpande và cả điều tiếng không hay về bóng đá Việt Nam.

 

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm