V-League và chuyện cái khó bó cái khôn

10/08/2020 07:56 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Khi mất mùa hay dịch bệnh (như lúc này) người ta mới biết trân quý những tích lũy. Chẳng thế mà các cụ xưa đã dạy: "Được mùa thóc lúa chớ phụ ngô khoai". Nhưng, ngay cả tích lũy cũng đâu phải ngày một ngày hai mà có được.

CLB Thanh Hóa được tỉnh chỉ đạo tiếp tục tham dự V League 2020

CLB Thanh Hóa được tỉnh chỉ đạo tiếp tục tham dự V League 2020

Tiếp tục tham gia và hoàn thành giải VĐQG LS V-League 2020 khi BTC giải quyết định phương án, xác định thời gian tổ chức trở lại là chỉ đạo mới nhất của tỉnh Thanh Hóa đối với CLB bóng đá Thanh Hóa sau khi đội bóng này gửi công văn xin thôi không tham gia giải vào ngày 5/8 vừa qua.

Và, khi làng bóng đá nội đã và đang phải chịu chung cái khó với bao địa hạt khác của xã hội, chúng ta mới thấy hết những tồn tại, thấy được chân tướng sự việc.

Bắt đầu từ những chia sẻ về con số của ông Chủ tịch Nguyễn Húp của CLB Quảng Nam, với việc đội bóng xứ Quảng sẽ mất hơn 30 tỷ đồng, nếu dịch Covid-19 kéo dài và mùa giải 2020 không thể kết thúc sớm. Nó bao gồm 15 tỷ từ nhà tài trợ - quảng cáo trên áo đấu, có thể không thu lại được một xu, vì vi phạm hợp đồng. Và ngoài ra, quỹ chuyển nhượng thêm 10 tỷ đồng nữa, rồi quỹ lương hàng tháng (đôi tỷ đồng), chế độ ăn uống cho cầu thủ và BHL...

Nhân tiện, ông Húp cũng kê khai rất cặn kẽ tiền từ ngân sách tỉnh (15 tỷ đồng/mùa giải), nhưng hiện Quảng Nam (cùng Đà Nẵng) đang là tâm dịch Covid-19 đợt 2, nên phải dồn mọi nguồn lực vào chống và dập dịch. Chắc nhất là tiền từ nhà tài trợ chính (con số này ông không tiện nêu), song về cơ bản, nếu kết thúc mùa giải sớm là có thể cứu vãn được chút đỉnh.

Trên thực tế, không phải đợi đến khi người đứng đầu CLB Quảng Nam và đại diện CLB Thanh Hóa (bầu Đệ) kêu ca thì người ta mới biết năng lực kiếm tiền của bóng đá Việt Nam nói chung và các đội bóng phụ thuộc vào ông bầu nói riêng, là rất kém.

Khi bản quyền truyền hình vẫn được đổi lại bằng những đúp quảng cáo trên sóng, nhằm đảm bảo lợi ích cho các nhà tài trợ chính thức của giải đấu (phục vụ nhà tổ chức), nguồn thu này với CLB là không đáng kể, thậm chí không có.

bóng đá Việt Nam, tin tức bóng đá, bong da, tin bong da, V League, BXH V League, lịch thi đấu V League, VFF, VPF, Thanh Hóa, bầu Đệ, HAGL, bầu Đức, DTVN, Park Hang Seo
Sân Thiên Trường lúc nào cũng đầy kín khán giả như thế này nhưng CLB Nam Định vẫn chưa thể tự nuôi sống bản thân. Ảnh: Hoàng Linh

Nó được khấu trừ vào rất nhiều món, ví như lệ phí tham dự giải, tiền ký quỹ và thậm chí cả chi phí sản xuất các trận đấu trên sân nhà... Khán giả lèo tèo, khiến cho tiền thu về từ vé bán ra (sân nhà), cũng không đáng kể, với ngay cả CLB Nam Định hay Hà Nội...

Đợt rồi, nhân chuyến vào Sài Gòn thi đấu, GĐKT Nguyễn Văn Sỹ cùng BHL Nam Định mới có dịp gặp gỡ những doanh nhân đồng hương ở đây và vận động thêm được cho đội bóng mấy trăm triệu nhằm bù vào các khoản chi tiêu, mà nếu chỉ một hai nhà tài trợ chính là không đủ.

V-League đã bước qua tuổi 20, nhưng bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam vẫn chạy ăn từng bữa. Không phải sản phẩm của bóng đá Việt Nam chưa bán được, mà chúng ta thực sự chưa bán được với giá cao.

Giải đấu cao nhất Việt Nam từng đạt đến cực thịnh, tiền đổ vào rất nhiều và chất lượng chuyên môn thuộc số 1 khu vực; có nhiều nhà tài trợ sẵn sàng gắn bó lâu dài, song người trong cuộc lại đứng núi này trông núi nọ mà từ chối. Bản quyền truyền hình giải đấu cũng từng bán được, dù giá thấp nhưng là tiền thật, còn tiền về đâu thì...

Tư duy ỷ lại vào túi tiền không đáy của các ông bầu, khiến bộ phận kinh doanh của các đội bóng rất lười làm việc, thiếu hẳn những phát kiến kịp thời đại. Điển hình tiên tiến như HAGL hay Hà Nội, TP.HCM... vẫn không thể tự nuôi sống được đội bóng. Chỉ cần ông bầu rút ống thở, thì từ Chủ tịch làm thuê ăn lương cho đến BHL, cầu thủ..., xác định là ra đường.

Ở một vài giai đoạn, khi dòng tiền đổ vào làng bóng đá nội rất lớn, dẫn đến bão giá và người trong cuộc thật đã không thể ngờ tới một ngày lại gặp khó khăn.

Thực tế, đã có rất nhiều CLB phải đi đến giải thể, không hẳn vì cơ chế, cũng không hẳn do vấn đề kinh tế, mà bắt đầu từ vấn đề điều hành thiếu chuẩn mực, bừa phứa, mua sắm và đốt tiền bừa bãi. V.Ninh Bình, Navibank Sài Gòn và XMXT Sài Gòn là những tiêu biểu trong số này. Khả năng thay đổi chậm chạp đã khiến cái khó bó cái khôn mất rồi!

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm