Vì sao V-League 2015 đang mất dần khán giả?!

14/08/2015 09:36 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Sau 20 vòng, Toyota V-League 2015 đã thu hút được 1.055.000 lượt CĐV tới sân, vượt qua tổng số người hâm mộ tới sân theo dõi V-League 2014 (986.000 lượt người). Nhưng đó có thật là tin vui?

Tổng số lượt CĐV đến sân theo dõi V-League 2015 đã tăng lên. Sau chỉ 20 vòng, số lượt CĐV tới sân đã vượt qua tổng số lượt CĐV tới sân ở 22 vòng đấu của V-League 2014. Nhưng sự khác biệt nằm ở chỗ V-League 2015 có 14 đội tham dự với 7 trận mỗi vòng đấu còn V-League 2014 chỉ có 13 đội (rút xuống 12 đội khi V.Ninh Bình) bỏ giải. Mỗi vòng, V-League 2014 chỉ có 6 trận. Rất nhiều vòng đấu ở lượt đi chỉ có 5 trận.

Con số thực sự phản ánh sự tiến bộ của V-League mùa này so với mùa trước nằm ở số lượng CĐV tới sân trung bình mỗi trận. Mùa này, con số ấy là 7.536 người/trận, nhiều hơn 7.046 người/trận ở mùa giải trước.

Nhưng đó là con số trung bình trong cả mùa bóng. Nếu chỉ xét ở giai đoạn lượt về, thống kê ấy đang có chiều hướng đi xuống. Sau vòng 1 V-League, số CĐV tới sân trung bình mỗi trận là 7.643 người.

Con số này tăng dần sau vòng 5 (8.186 người/trận) và lượt đi (7.892 người/trận) trước khi sụt giảm liên tục ở lượt về để cán mốc 7.536 người/trận. So với thời điểm đỉnh cao sau 5 vòng đầu tiên, số khán giả tới sân đã giảm hơn 600 người/trận.

Sự sụt giảm chung ấy bắt nguồn từ sự sụt giảm ở những SVĐ “nóng” nhất giải đấu. Sau 5 vòng đầu mùa, tổng số CĐV tới sân theo dõi HAGL thi đấu là 69.500 người. Ở 5 vòng gần nhất, con số này chỉ là 66.000. Đấy là đã tính cả trận đấu “siêu tưởng” ở Chi Lăng - khi 25.000 CĐV ngồi chật kín các khán đài theo dõi Công Phượng và đồng đội. Trong cả 4 trận còn lại mà HAGL gặp QNK Quảng Nam, B.Bình Dương, Than Quảng Ninh và XKST Cần Thơ, số CĐV không thể vượt qua mốc 10.000.

Ở Cẩm Phả - “chảo lửa” của hội CĐV tốt nhất V-League 2014, tình hình còn tồi tệ hơn. 3 trận đầu mùa, có 32.000 CĐV tới sân. 3 trận gần nhất ở lượt đi, con số chỉ là 22.500 người, giảm tới hơn 30%.

Việc số lượng người hâm mộ đến sân giảm rõ rệt xuất phát nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, sự xuất hiện của lứa U19 Việt Nam trong màu áo HAGL đã không còn là một hiện tượng “gây sốt”. Những thất bại liên tiếp của lứa cầu thủ này cùng sự nghi ngờ về chất lượng mô hình đào tạo HAGL khiến niềm tin ở công chúng dần đi xuống.

Thứ hai, sân Cẩm Phả - biểu tượng của V-League, cũng dần hạ nhiệt do hệ quả từ thành tích yếu kém của đội chủ nhà và cuộc chuyển giao chủ sở hữu. Trong bối cảnh ấy, các hiện tượng ĐTLA và S.Khánh Hòa không cho thấy sức bật. Ở 2 vòng gần nhất mà các CLB này đá sân nhà, số CĐV tới Long An và Nha Trang lần lượt chỉ là 6.000 và 5.000 người.

Ở phía trên BXH, phong độ cực cao của B. Bình Dương và FLC Thanh Hóa cũng không giúp họ có thêm người hâm mộ. Vòng 20, số CĐV tới Bình Dương và Thanh Hóa lần lượt là 5.000 và 8.000 người. Đặc biệt, tranh cãi của B.Bình Dương với hội Ultras khiến nhiều người hâm mộ lưỡng lự trong việc tới sân.

Rõ ràng, tham vọng phủ kín các khán đài V-League nhờ hiệu ứng HAGL đã thất bại. Xét cho cùng, một giải đấu chuyên nghiệp cũng không thể trông chờ vào hiệu ứng từ một CLB. Làm sao để kéo CĐV trở lại với bóng đá? Đó vẫn là câu hỏi lớn dành cho những nhà tổ chức của VFF và VPF.

Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm